Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

2017: Cực hữu tại châu Âu trỗi dậy

Ảnh minh họa: pixabay.com

Chính trường Liên hiệp châu Âu (EU) có những biến đổi lớn trong năm 2017 do nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nhất là các cuộc khủng hoảng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các Đảng cực hữu thông qua các cuộc bầu cử ở cả cấp quốc gia và khu vực.

Liên hiệp châu Âu trong năm qua chứng kiến những đợt sóng dâng trào của các đảng phái cực hữu và chủ nghĩa dân tộc. Từ kết quả của các cuộc bầu cử cho tới phong trào đòi độc lập ở một số nơi như Catalonia hay Scotland, xử lý các vấn đề liên quan việc nước Anh tách khỏi EU. Quan sát toàn bộ Liên hiệp châu Âu có thể thấy, trong năm qua, hệ thống chính trị khối này liên tục bất ổn, quan điểm, suy nghĩ của các cử tri tại nhiều nước thành viên EU thay đổi, ngày càng giảm sự tin tưởng vào các đảng truyền thống.

Tại những nước đầu tàu EU là Pháp và Đức, biến động về chính trị trong năm qua gây không ít xáo trộn và bất ngờ. Mặt trận Dân tộc cực hữu (FN) tại Pháp của bà Marine Le Pen đã giành chiến thắng ngoạn mục ở vòng một (với sự ủng hộ của 33% cử tri Pháp) và bước vào vòng hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tháng 4-2017. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri tăng mạnh trong cuộc bầu cử tại ba bang ở Đức đối với Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD), đảng có quan điểm chống châu Âu và chống nhập cư, cho thấy, người dân đã thay đổi trong suy nghĩ và có xu hướng giảm sự ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. AFD giành được tới 13,5% phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang tháng 9-2017.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm tại Hà Lan, mặc dù Đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte giành chiến thắng với 33/150 ghế Quốc hội, nhưng bị mất tám ghế, trong khi Đảng Vì tự do (PVV) cực hữu của ông Geert Wilders đứng thứ hai, với 20 ghế Quốc hội (tăng năm ghế), trở thành lực lượng đối lập chính trên chính trường Hà Lan. Với kết quả này, trong lịch sử Hà Lan, chưa bao giờ Đảng cực hữu tiến sát vị trí quyền lực như lần này.

Tại Áo, trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo tháng 10 vừa qua, Đảng Tự do (FPO) cực hữu đứng thứ ba, với 26% phiếu bầu. Đáng chú ý, ngày 15-12 vừa qua, các thành viên của FPO chính thức liên minh với Đảng Nhân Dân mới bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kurz để tham gia chính phủ mới, với nhiều vị trí quan trọng.

Phong trào cực hữu và chủ nghĩa dân tộc dậy sóng cũng đã góp phần giúp ông Andrej Babis (nhân vật không ủng hộ hạn ngạch nhập cư của EU, lãnh đạo Phong trào ANO) đạt số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Séc ngày 20 và 21-10 vừa qua và được tiến cử làm Thủ tướng nước này.

Thêm sự kiện gây trấn động EU vừa diễn ra, đó là chiến thắng của các đảng phái dân tộc, ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử Nghị viện vùng Catalonia (xứ sở quan trọng phía Đông Bắc của Tây Ban Nha), với 70/135 ghế Nghị viện. Kết quả này càng làm gia tăng sự phức tạp trên chính trường Tây Ban Nha và cả khối EU.

Giữa tháng 12 này, những người đứng đầu các đảng phái cực hữu và chủ nghĩa dân tộc tại Pháp, Áo, Hà Lan, Ba Lan, Anh và Cộng hòa Séc còn tổ chức họp mặt tại Praha để tập hợp lực lượng, phối hợp hành động trong thời gian tới. Cuộc họp do Đảng Tự do và Dân chủ Cộng hòa Séc (đảng vừa giành được gần 11% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua) đăng cai tổ chức.

Năm 2017, trước những biến động ở châu Âu, nhiều đảng phái theo quan điểm cực hữu dân tộc, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu ngày càng được nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, những đảng truyền thống tại các nước thành viên EU đã bộc lộ những điểm yếu khi đối mặt và xử lý các vấn đề của khối này như an ninh bất ổn, nguy cơ khủng bố, làn sóng người nhập cư, thất nghiệp, khủng hoảng tiền tệ…

Bối cảnh phức tạp diễn ra tại châu Âu trong năm qua cho thấy, các đảng phái cực hữu dân tộc từng bước giành vị thế trên chính trường các nước thành viên EU. Những đảng phái này đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng và trở thành lực lượng chính trị quan trọng tại một số quốc gia.

Liên hiệp châu Âu sẽ đi tới đâu khi các đảng phái cực đoan dân tộc ngày một lớn mạnh, đe dọa sự nhất thể hóa châu Âu, hệ thống thể chế và giá trị châu Âu – vấn đề lớn mà lãnh đạo EU phải đối mặt giải quyết trong thời gian tới. Song, điều cốt lõi là Liên hiệp châu Âu cần đạt được những chính sách nhất quán trên các vấn đề, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…

Theo Anh Dương / nhandan.com.vn