Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bảo hiểm giới hạn đền bù vì chủ nhà “cất tiền không kỹ”

TBVĐ- Trong đa số trường hợp nhà bị đột nhập, bảo hiểm nhà cửa Hausratversicherung đều đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, đối với tiền mặt, bảo hiểm chỉ đền một khoản tiền nhất định.

Trong đa số các hộ gia đình đều cất tiền mặt. Nếu chẳng may bị trộm đột nhập, khoản tiền mặt này sẽ không thoát khỏi tay kẻ gian. Mặc dù bảo hiểm nhà cửa Hausratversicherung có bảo hiểm trong trường hợp nhà bị đột nhập, nhưng áp dụng giới hạn đền bù đối với tiền mặt. Không phải tất cả số tiền bị mất đều được bảo hiểm đền bù.

“Cất tiền không kỹ” bị mất cũng chịu trách nhiệm

Sau bao năm làm việc, ông M., chủ nhà hàng tích trữ được một khoản tiền bo đáng kể và cất trong nhà thay vì gửi ngân hàng. Chẳng may, nhà bị trộm, khoản tiền tích trữ bấy lâu bị cuỗm sạch. Ông thông báo cho bảo hiểm Hausratversicherung và yêu cầu được đền bù. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm chỉ đền bù 1100 Euro thay vì toàn bộ số tiền, do khoản tiền mặt này không được cất kĩ trong két. Tòa án tiểu bang Oldenburg cũng đứng về phía hãng bảo hiểm, do trong hợp đồng bảo hiểm có quy định về giới hạn đền bù, khi tiền mặt không được cất ở nơi an toàn.

Mỗi hãng bảo hiểm nhà cửa có một ngưỡng đền bù khác nhau đối với khoản tiền mặt bị ăn trộm, thường dao động từ 1000 Euro đến 2000 Euro hoặc theo %, chẳng hạn 1% khoản tiền được bảo hiểm. Nếu tiền được cất trong két sắt xây gắn chặt vào tường, ngưỡng đền bù sẽ cao hơn nhiều, thông thường khoảng 20% khoản tiền bảo hiểm. Chẳng hạn, đối với bảo hiểm nhà cửa mức 75.000 Euro sẽ được đền bù 15.000 Euro.

Phải giải trình nguồn gốc khoản tiền

Về cơ bản, khi kí hợp đồng bảo hiểm Hausratversicherung phải tìm hiểu rõ ràng ngưỡng đền bù đối với tiền mặt hay đồ vật giá trị. Trong trường hợp bị thiệt hại không thể căn cứ vào lập luận không biết gì về ngưỡng này để yêu cầu đền bù cao hơn. Nếu cất tiền ở nơi không an toàn, trong trường hợp xấu nhất thậm chí chỉ được đền bù một khoản tiền không đáng kể. Cất khoản lớn tiền mặt tại nhà rất mạo hiểm. Nhiều người do không tin tưởng ngân hàng hay không thể công khai khoản tiền mặt đã cất tiền tại nhà, trong tủ hay dưới đệm. Nếu chẳng may kẻ trộm ghé thăm sẽ mất hết, may ra chỉ được bảo hiểm đền một khoản tiền nhỏ.

Khi khai khoản tiền bị trộm cũng phải giải thích được nguồn gốc khoản tiền này. Chẳng hạn nếu bị trộm mất 5000 Euro phải giải thích được vì sao có khoản tiền nay trong nhà, ngay cả khi tiền được cất ở nơi an toàn. Nói cách khác, người đóng bảo hiểm có trách nhiệm chứng minh (Beweispflicht) nguồn gốc tiền. Đây là phán quyết của tòa án Amtsgericht München khi xét xử một vụ kiện năm 2010. Vụ kiện liên quan đến khoản tiền mặt 2250 Euro bị mất trộm. Người mất trộm không thể giải thích rõ ràng nguồn gốc khoản tiền, thậm chí có những lời khai mâu thuẫn. Lý do mượn tiền của người quen không đủ thuyết phục mà phải có các bằng chứng khác chẳng hạn bản sao kê tài khoản. Đối với các khoản tiền nhỏ dùng để mua sắm hàng ngày có thể được bảo hiểm đền bù dễ dàng.

Lưu Phong