Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bị phạt đến 10.000 Euro nếu đốt pháo sai thời điểm

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Một số quy định liên quan đến việc mua pháo và đốt pháo ở Đức chúng ta nên biết để đêm Giao thừa diễn ra trọn vẹn.

Sau lễ Giáng sinh, lễ Giao thừa được nhiều người dân Đức mong đợi nhất. Theo quan niệm từ thời xưa, tiếng pháo nổ giúp xua đuổi quỷ dữ. Do đó, vào dịp này, người dân được phép đốt pháo chào đón năm mới.Tại các siêu thị, pháo được bày bán rất nhiều với đủ loại khác nhau. Tuy nhiên, có một số quy định liên quan đến việc mua pháo và đốt pháo chúng ta nên biết để đêm Giao thừa diễn ra trọn vẹn.

Tại Đức, chỉ được phép bán pháo hoa vào 3 ngày trước giao thừa, có nghĩa, từ ngày 29.12 đến 31.12

Siêu thị Metro từ nhiều năm nay được ưu tiên bán pháo sớm nhất. Năm nay Metro bán pháo từ ngày 22.12. Các siêu thị bán pháo từ ngày 29.12, không có nghĩa người dân được phép đốt pháo từ ngày này. Đa số các thành phố cho phép đốt pháo từ 0h01 ngày 31.12 đến 23h59 ngày 1.1. Nếu đốt sai thời gian quy định, có thể bị phạt đến 10.000 Euro.

Khi mua pháo, cần để ý số BAM-Nummer hay kí hiệu CE hoặc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Đức ghi trên vỏ, do những pháo có các kí hiệu này đã được kiểm tra an toàn. Nếu đốt pháo không có các kí hiệu trên, có thể bị phạt đến 50.000 Euro hay 3 năm tù giam. Không nên mua pháo ở chợ trời hay mua từ nước ngoài mang về Đức, do nhiều loại bị cấm tại Đức. Nếu mua pháo tại siêu thị Đức, có thể chắc chắn 100% pháo đã được kiểm tra và được phép đốt.

Ở Đức có 4 loại pháo, được phân loại theo mục đích sử dụng và mức độ nguy hiểm

Pháo thông dụng nhất, được bán vào dịp Giao thừa thuộc loại 2, dành cho người trên 18 tuổi như pháo tên lửa (Rakete), pháo phun (Fontäne), pháo Verbundfeuerwerk, pháo La Mã Römische Lichter, pháo đùng Knaller/Böller. Về cơ bản, những loại pháo này chỉ được đốt vào dịp Giao thừa. Nếu cho trẻ dưới 18 tuổi đốt pháo loại 2 sẽ bị phạt. Pháo loại 1 là pháo rất bé như pháo hạt đậu (Knallerbse), pháo kẹo (Knallbonbon), pháo bàn (Tischfeuerwerk) hay pháo phát sáng (Wunderkerze). Loại pháo này được phép đốt vào Giao thừa và tất cả các ngày còn lại trong năm. Từ 12 tuổi có thể mua và sử dụng loại pháo này.

Pháo loại 3 và 4 thuộc pháo tầm trung và lớn, chỉ dành cho những người có giấy phép sử dụng chất nổ, được đốt vào dịp đặc biệt như lễ hội thành phố. Ngay cả khi siêu thị ở các nước lân cận bán tự do loại pháo này, vẫn không được phép mua về Đức đốt. Nếu pháo không nổ, tuyệt đối không nên thử đốt lần nữa, do pháo có thể phát nổ khi chạm vào, gây tai nạn. Nên đợi một lúc rồi mới lại gần, sau đó bỏ pháo vào thùng nước và vứt vào thùng rác.

Nhiều người có ô tô không hào hứng lắm với tiết mục bắn pháo đêm giao thừa, do bảo hiểm không đền bù tất cả thiệt hại pháo gây ra. Nếu pháo làm hỏng sơn xe hay các bộ phận khác, bảo hiểm bán phần Teilkaskoversicherung không đền bù. Bảo hiểm chỉ can thiệp, khi xe bị hỏng do cháy nổ bởi pháo. Nếu ai đó chơi xấu, cố tình đốt pháo trên nóc xe, chỉ bảo hiềm toàn phần Vollkassko mới đền bù.

Sau khi đốt pháo xong, mọi người tụ tập ăn uống, chúc nhau „Prosit Neujahr“, „Frohes Neujahr“ thay vì „Guten Rutsch“. Câu chúc „Guten Rutsch“ chỉ được sử dụng đến 23h59 ngày 31.12.

Trúc Quỳnh

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!