Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bị tước giấy phép tạm trú vì phát hiện nhận con giả

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Để bảo vệ hôn nhân và gia đình, giấy phép tạm trú được cấp và gia hạn cho người nhà của người nước ngoài (đoàn tụ gia đình), phục vụ cho việc xây dựng và đảm bảo cuộc sống gia đình của họ trên nước Đức

Theo phán quyết của tòa án hành chính tiểu bang Baden-Württemberg, chính quyền sẽ từ chối cấp giấy phép tạm trú với mục đích đoàn tụ gia đình nếu việc công nhận mối quan hệ cha con với người con có quốc tịch Đức chỉ nhằm mục đích cư trú hợp pháp tại Đức (điều 27, khoản 1a, câu 1, Luật cư trú).

Trong trường hợp cụ thể, một người đàn ông Việt Nam tên Trần Hữu A. tìm cách kết hôn với một phụ nữ Đức, nhưng người này hiện vẫn chưa li dị chồng và quá trình li dị mất nhiều thời gian. Do đó, ông A. quyết định nhận người con vẫn chưa ra đời của phụ nữ Đức làm con, tức nhận con giả.

Người phụ nữ đồng ý và ra giá 5.000 Euro. Hai bên thống nhất, ông A. tiến hành làm thủ tục nhận con. Tuy nhiên, thời gian sau đó, giữa ông và người con gần như không có liên lạc. Ba năm sau, Sở Ngoại kiều phát hiện ra thỏa thuận giữa hai người nên đã thu hồi giấy phép tạm trú, từ chối gia hạn.

Ông A. phản đối và kiện ra tòa án hành chính tiểu bang tại Karlsruhe nhằm chống lại quyết định trục xuất nhưng đã bị bác đơn. Ông kháng án lên tòa án hành chính liên bang Baden-Württemberg nhưng thất bại. Theo tòa, quyết định trục xuất đúng luật, do ông A. không có giấy phép cư trú hợp pháp. Việc nhận con giả đã vi phạm Luật cư trú. Theo điều 27, khoản 1a, câu 1, Luật cư trú, sẽ không được cấp giấy phép cư trú nếu bị phát hiện việc nhận con hay kết hôn chỉ nhằm mục đích ở lại Đức hợp pháp.

Căn cứ phần 6, Hiến pháp, để bảo vệ hôn nhân và gia đình, giấy phép tạm trú được cấp và gia hạn cho người nhà của người nước ngoài (đoàn tụ gia đình), phục vụ cho việc xây dựng và đảm bảo cuộc sống gia đình của họ trên nước Đức (điều 27, khoản 1, Luật cư trú). Có nghĩa, giữa bố con đã có mối quan hệ cha con trước đó hoặc phải thật sự chung sống và chăm sóc nhau.

Tuy nhiên, trong trường hợp trên, giữa người bố và con gần như không hề có mối liên hệ cha con nào (án số 11 S 1886/14).

B.Ngọc