Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cảm nhận về nền giáo dục phổ thông của nước Đức

Học cãi nhau của lớp 3:
………
Tôi cũng rất thích hai môn học rất quan trọng về chìa khóa trong quan hệ con người với con người đó là môn luân lý (Ethik) và môn khoa học thường thức (Heimatkunde) .

Một hôm con tôi học lớp 3 về thủ thỉ với tôi về môn luân lý (Ethik):
– Mẹ ơi, mẹ có biết cãi nhau không?
– Tại sao con lại hỏi mẹ như thế? Có phải hôm nay con đã cãi nhau với các bạn không?
– Không, vì hôm nay con học cãi nhau.
– Tại sao cãi nhau mà phải học?
– Có chứ mẹ, vì cãi nhau là mình bảo vệ quan điểm của mình mà không làm tổn thương đến người khác. Mình phải coi người cãi nhau là ngang hàng với mình và quan tâm cùng vấn đề với mình.
– Vậy phải làm thế nào mà cãi nhau không ầm ĩ được?
– Mẹ không được dùng từ bậy để gọi người ta, mẹ phải kiềm chế không nổi nóng, phải biết nhường lời, …..

Học về giới tính của lớp 3

Cũng trong lớp 3, có một lần chúng tôi nhận được giấy mời lên gặp cô giáo chủ nhiệm. Khi đến nơi cô giáo thông báo trong chương trình có học về giới tính, và cho chúng tôi xem một đoạn Video theo kiểu hoạt hình với tên gọi „ Tôi có từ đâu“. Trong Clip đó có giải thích cách hình thành và ra đời một đứa trẻ con- Xem xong nếu đồng ý thì ký tên vào cho cháu dự buổi học đó.

Quên bẵng đi thời gian một hôm về nhà cháu hơi ngượng nghịu nói với tôi :
– Con biết mẹ đã sinh con như thế nào. Không phải mỗ nách của mẹ lấy con ra như mẹ kể, mà làm ra đứa trẻ con khó và cực lắm, con yêu mẹ….

Học về sự tự tin của lớp 3

Kiến thức trong nhà trường, ngoài đời, và luật pháp gắn kết đã tạo cho giới trẻ tự tin hơn trong xã hội. Ví dụ theo luật bắt buộc trẻ con học lớp 3 phải có chứng chỉ về bơi, hằng tuần có xe đưa đến bể bơi có thầy dạy và trả bài, lớp 4 phải có chứng chỉ về tham gia giao thông bằng xe đạp ra đường phố, còn việc học nhiệm vụ của trường phải tổ chức học thế nào đó cho an toàn. Tôi đến rất nhiều trường đều nhìn thấy trên sân chơi ngoài trời, hoặc trong gian rộng thể thao dành cho mùa đông, dưới nền đều có vẽ những bản luật giao thông để các cháu học và trả bài, hết khóa học mời công an giao thông đến hỏi thi và cấp chứng chỉ.

Bất kỳ ở đâu trong xã hội, trong gia đình các cháu đều có ý thức bảo vệ và thực hiện luật pháp rất tốt. Đi dạo cùng với tôi dọc bờ sông có 3 cháu khi ăn kẹo xong chúng cứ cầm giấy kẹo trên tay đi rất lâu nhìn thấy thùng rác cả 3 chạy đến bỏ giấy kẹo vào.

Con trai tôi lúc học lớp 2 đi chơi với chúng tôi về lúc 2 giờ sáng đường phố vắng tanh vẫn đứng chờ khi đèn xanh mới chịu qua đường. Chúng tôi vừa buồn cười vừa tức buộc miệng nói “đồ Đức lợn“ nhưng vẫn phải tôn trọng.

Một lần khác đi dạy, trên xe ô tô của tôi có 4 đứa nhỏ, tôi thường giúp phụ huynh đưa các cháu về nhà. Trên đường về, đi qua đoạn đường trong thành phố tôi dừng ngay bãi đậu để đưa 2 đứa bé nhất qua đường, còn lại một thằng trong xe (học lớp 5). Vì nghĩ qua đường trở lại ngay nên tôi không để đồng hồ đậu (nơi được phép đậu một tiếng), thế là có người kiểm tra đi qua gắn trước xe giấy phạt, Tôi quay lại trách thằng nhỏ :
– Sao con không nói cô trở lại ngay, để cô bị phạt rồi. Buồn thế.
– Nhưng mà mình sai luật rồi, cô không để đồng hồ đậu mình chịu thôi! Tôi vừa bực vừa buồn cười.

Đi trại hè là bài học rất lớn dành cho mọi lứa tuổi từ học sinh từ lớp 2 trở lên. Học sinh đi xa và theo chủ đề: Đi cắm trại trong rừng, đi trượt tuyết, đi thăm thành phố mỗi chuyến đi độ 1 tuần (tuần ngoại khóa), các cháu tự chuẩn bị cho chuyến đi theo chỉ dẫn của giáo viên từ giày đi bộ, tiền bỏ túi để mua đồ lưu niệm giới hạn rất ít, khoảng cách tăng dần lớp 2 đi độ 20 km… Đến lớp 9 trở lên, mỗi năm đi một nước ngoài nào bổ ích cho bài học như: Quốc hội châu Âu các cháu đi Bỉ…

Những chuyến đi rèn luyện cho các cháu vượt khó khăn, tính chịu đựng và sự hội nhập rất lớn. Khi con tôi lớp 6 cháu đi cắm trại 1 tuần chủ đề mùa đông trượt tuyết. Cháu đi cách nhà độ 50 km trên vùng núi tuyết. Hôm đầu tiên cháu gọi điện về
– Mẹ ơi con lạnh lắm, làm sao bây giờ? Tôi rất lo nói với con
– Con xin cô giáo cho con về trước được không?
– Xe đưa chúng con đến đây cô giáo bảo phải 3 tiếng ngoài trời.
Tôi đành chịu thua, hôm sau chủ động gọi điện cho cháu hỏi thế nào? Cháu trả lời quen rồi không thấy lạnh nữa.

Hay ở các trường mỗi năm một lần có tổ chức cho các cháu đi dã ngoại ngoài trời, mời cả phụ huynh nếu có điều kiện tham gia cùng, phải đi bộ ít nhất 15 km, đến một điểm đã chọn, đến đó nghỉ ăn trưa, chơi trong rừng đến chiều lại lên tàu hỏa đi về. Mỗi năm đều có kế hoạch hoạt động và thông qua với phụ huynh.

Lễ trưởng thành

Tôi cho rằng ở tuổi 14 chưa đủ kinh nghiệm. Tôi có người bạn học là tiến sĩ luật mà khi nghe những điều khoản trên cũng phản đối. Lâu dài khi nghĩ lại tôi thấy họ có lý vì nền giáo dục giúp con người thực hiện quyền con người trong xã hội loài người. Họ không vô cảm khi nhìn thấy trước mắt có điều gì đó không ổn, họ sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ xã hội, và tình người….

Nguyễn Thanh Nguyên (Berlin)