Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bất bình vì bị phân biệt chủng tộc gia đình người da đen kiện cảnh sát ra tòa

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com/

TBVĐ- Theo phán quyết của Tòa án Hành chính tiểu bang Rheinland-Pfalz tại Koblenz, cảnh sát vi phạm pháp luật khi phân biệt chủng tộc, kiểm tra giấy tờ chỉ đối với người da đen.

Nguyên đơn là người da đen có quốc tịch Đức. Ngày 25.1.2014, khi đang đi tàu đến đoạn giữa Mainz và Koblenz, vợ chồng nguyên đơn cùng hai con bị 3 nhân viên cảnh sát yêu cầu trình giấy tờ tùy thân. Nguyên đơn trình hai giấy chứng minh nhân dân quốc tịch Đức. Cảnh sát gọi điện đối chiếu dữ liệu. Sau khi trả lại giấy tờ, cảnh sát xuống tàu ở bến tiếp theo và không kiểm tra thêm ai nữa.

Bất bình vì cảm thấy bị phân biệt đối xử, nguyên đơn kiện nhân viên cảnh sát ra tòa, cho rằng, hành động kiểm tra trên tàu này không liên quan đến việc kiểm tra nhập cư trái phép, mà do phân biệt màu da. Tòa án hành chính đứng về phía nguyên đơn, phán, tàu có điểm xuất phát và đích đến đều nằm trong phạm vi nước Đức nên không thể liên quan đến nhập cư trái phép.

Tòa phúc thẩm cũng bác bỏ khiếu nại của bị đơn, phán, hành động kiểm tra giấy tờ dựa theo Điều 22, khoản 1a, Luật Cảnh sát Liên bang (BpolG). Theo đó, cảnh sát liên bang có thể kiểm tra trên bất kì chuyến tàu nào để tránh hay ngăn chặn nhập cư trái phép. Mặc dù điểm xuất phát và điểm đến của tàu nằm trong phạm vi Đức, cũng không thể loại trừ khả năng người nhập cư trái phép đi một chặng đường rồi tiếp tục chuyển tàu đi tiếp. Tuy nhiên, khác với chức năng kiểm tra nhập cảnh tại biên giới của các nhân viên hải quan, cảnh sát liên bang chỉ kiểm tra tình cờ giấy tờ trên một số chuyến tàu nhất định để ngăn chặn nhập cư trái phép.

Cảnh sát không thể chứng minh được việc kiểm tra giấy tờ nguyên đơn không phải do màu da khác biệt. Theo điều 3, khoản 3, câu 1 của Hiến pháp, không được phép phân biệt chủng tộc, trong đó có màu da. Nếu căn cứ vào màu da để chọn người bị kiểm tra giấy tờ, sẽ vi phạm Luật cấm phân biệt chủng tộc. Hành động gọi điện để đối chiếu giấy tờ tùy thân của nguyên đơn cũng vi phạm pháp luật.

Ngọc Chiến (tổng hợp)