Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Chất diệt cỏ ‘đầu độc’ cơ hội lập Đại liên minh tại Đức

Mâu thuẫn xoay quanh cuộc bỏ phiếu về việc sử dụng chất diệt cỏ Glyphosate tại châu Âu đang đe dọa cơ hội tái lập chính phủ ‘đại liên minh’ tại Đức.

Theo kế hoạch đang được chính trường Đức rất chờ đợi, tối thứ Năm, ngày 30/11 này, thủ lĩnh các đảng phái lớn tại Đức gồm nữ Thủ tướng Angela Merkel của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo CDU, ông Martin Schulz, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội SPD và ông Horst Seehofer, Chủ tịch đảng Xã hội Cơ đốc giáo CSU, sẽ cùng hội kiến với Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier nhằm khởi động các cuộc đàm phán tái lập chính phủ “Đại liên minh” giữa CDU/CSU với SPD và chấm dứt thế bế tắc chính trị tại Đức.

Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc gặp vô cùng quan trọng này, mâu thuẫn lớn bất chợt nổ ra giữa hai đảng CSU và SPD, liên quan đến sự kiện Ủy ban châu Âu mới đây ra quyết định gia hạn thêm 5 năm việc lưu hành chất diệt cỏ Glyphosate tại châu Âu.

Cụ thể, hôm thứ Hai, ngày 27/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt, người của đảng Xã hội Cơ đốc giáo CSU, đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định của Ủy ban châu Âu và ngay lập tức bị Bộ trưởng Môi trường Đức là bà Barbara Hendricks, người của đảng Dân chủ xã hội SPD, phản đối gay gắt.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt đã bỏ phiếu ủng hộ tiếp tục lưu hành chất Glyphosate, mà không tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ Văn phòng của Thủ tướng Đức, là nước Đức phải vắng mặt trong phiên bỏ phiếu. Quan trọng hơn, là đảng SPD từ trước đến nay luôn phản đối chất Glyphosate và quyết định từ phía một Bộ trưởng thuộc đảng CSU khiến SPD bất mãn, đúng vào thời điểm mà liên minh CDU/CSU cần tiếng nói đồng thuận nhất của SPD.

Báo chí Đức đưa tin, trong ngày thứ Ba, 28/11, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nổi giận và trách mắng Bộ trưởng Nông nghiệp Christian Schmidt, còn Chủ tịch SPD là ông Martin Schulz hôm 29/11 thì chỉ trích quyết định bỏ phiếu của ông Schmidt tại Ủy ban châu Âu là “điều đáng hổ thẹn”.

Theo nhận định của giới phân tích, các diễn biến này cho thấy giữa CDU/CSU và SPD vẫn tồn tại rất nhiều bất đồng lớn và cả hai bên đều đang thể hiện quan điểm cứng rắn nhằm chiếm thế thượng phong khi bước vào đàm phán.

Điều này thể hiện cả trong những phát biểu trong ngày 29/11 của bà Angela Merkel khi bà tuyên bố đã “sẵn sàng” đàm phán với SPD nhưng vẫn để mở cánh cửa liên minh với đảng Xanh, một thông điệp được cho là để cảnh báo thái độ của SPD trước khi đàm phán./.

Theo Quang Dũng/ vov.vn