Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu thống nhất ngăn cơn lũ ‘hàng giá rẻ’ Trung Quốc

Ảnh minh họa: pixabay.com

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thống nhất về bộ quy định mới nhằm ngăn chặn lượng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào châu lục này.

Theo hãng tin Reuters, quyết định vừa đạt được đã chấm dứt 18 tháng tranh cãi về những vấn đề trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã luôn tranh cãi về việc có nên ứng xử với Trung Quốc như là một “nền kinh tế thị trường” hay không.

Từ cuối năm 2016, tức khoảng 15 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh tuyên bố họ là một nền kinh tế thị trường.

Đầu năm 2016, EU đã khởi động các cuộc thảo luận về quan hệ thương mại với Trung Quốc. EU tổ chức các cuộc tham vấn công khai, tập hợp hơn 5.000 ý kiến khác nhau về việc nên giải quyết các khiếu nại thương mại với Trung Quốc như thế nào.

Đến ngày 3-10, Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên EU và các nghị sĩ EU mới vượt qua những khác biệt về quan điểm, đạt được đồng thuận về những quy định thống nhất để giải quyết vấn đề.

Theo đó, trong việc áp thuế với hàng nhập khẩu, EU sẽ áp cách hành xử giống nhau với mọi thành viên WTO. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ chỉ bị chấm dứt trong trường hợp giá hàng hóa xuất khẩu của họ thấp hơn giá hàng bán trong nước.

Tuy nhiên EU cũng đặt ra một số ngoại lệ cho các trường hợp “có tình trạng bóp méo thị trường đáng kể” như sự can thiệp quá mức của Nhà nước. Ngoại lệ này rõ ràng có ý “ràng chân” nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vốn lâu nay bị xem là được Nhà nước chống lưng.

Cho tới nay Trung Quốc vẫn đang được đối xử như một trường hợp “phi thị trường” đặc biệt. Điều này có nghĩa các nhà điều tra EU có quyền quyết định rằng hàng hóa xuất khẩu của nước này bị phá giá nếu các mức giá đó thấp hơn giá hàng hóa cùng loại ở một nước thứ ba, như Mỹ chẳng hạn.

Năm ngoái Trung Quốc đã đệ đơn lên WTO khiếu nại Mỹ và châu Âu vì các hoạt động mà Bắc Kinh cho là bảo hộ thương mại.

Hiệp hội các nhà sản xuất thép EU (Eurofer) – cơ quan từng đệ trình rất nhiều đơn khiếu nại hàng nhập khẩu Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận vừa đạt được có ý nghĩa rất quan trọng.

Tuy nhiên theo họ, hiệu quả thực tiễn đến đâu thì sẽ còn phải chờ tới thời điểm sau khi luật mới chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.

Theo D. Kim Thoa / tuoitre.vn