Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Chiếc quần cũ và sĩ diện của thanh niên Đức

Ảnh: Bảo Quốc

Các khu vực bỏ đồ cũ của người Đức thường có nhiều người, từ xuề xòa đến tinh tươm, từ trẻ đến già, lân la đến chọn lựa và khiêm tốn xách về cái họ cần.

Một người chị từng sống nhiều năm ở Đức, đã cho tôi rất rất nhiều ân huệ, dặn tôi trước khi tôi qua Đức rằng “Cố gắng qua học cái hay của họ”. Chị là một người tôi xem là chỗ dựa tinh thần, nên lời khuyên của một người từng trải như chị, tôi cho đó là phải lắm.

Qua Đức chưa lâu, nhưng tôi có thói quen cứ cuối tuần là tìm cách viết cho mình vài dòng những bài học về người Đức. Có khi tôi viết Facebook, có khi tôi viết vào sổ, hoặc có lúc viết vào lòng.

Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn câu chuyện mà có lẽ chính các bạn đã nghe nhiều (cả tôi cũng vậy). Nhưng hãy tin tôi, rằng khi bạn được chạm sờ vào câu chuyện, nó tuyệt vời hơn nhiều.

Câu chuyện thứ nhất là về “chiếc quần cũ”. Hôm trước tôi đi Efurt với một người anh, bắt gặp một nhóm thanh niên Đức đi ra từ chợ đồ cũ (mà Việt Nam hay gọi đồ xi-đa). Anh ấy chỉ tôi “Em thấy tụi nó mua được cái quần Jean cũ với giá rẻ, tụi nó mừng lắm”.

Đúng là như vậy, thanh niên Đức rất chuộng đồ cũ, giá cả phải chăng. Ở trường Ilmenau nơi tôi học, có một góc để đồ cũ. Sinh viên nào có đồ cũ không dùng cứ đến đó để lại: sách, quần áo, lò nướng, đèn học, … Nhiều sinh viên có thói quen cứ trưa trưa là lại khu đó để xem có gì mình dùng được thì xách về. Trật tự và ý thức.

Ảnh: Bảo Quốc

Ở đây cũng có ngày hội “Give and Take”, một ngày hội đồ cũ. Bạn đến đó mang theo những thứ mình không dùng, Ban tổ chức thu lại phân nhóm rồi cho các bạn thoải mái chọn lựa mang về. Có đứa ôm được cái kệ sách, cái túi xách… mừng như nhặt được tiền.

Mở rộng câu chuyện ra, tôi phải thừa nhận rằng mình ấn tượng bởi văn hóa đồ cũ ở Đức. Tôi nhớ khi còn ở Việt Nam, một người Thầy của tôi (nhiều năm học ở Đức), khi được cô trưởng khoa gửi cho ít quần áo cũ, Thầy phấn khởi lắm. Với tôi, một đứa từng mặc và dùng đồ cũ nhiều năm, tôi không bất ngờ; nhưng tôi tin nhiều người nhìn vào sẽ bảo “Việt Kiều sao dùng đồ cũ?” Qua Đức một thời gian, tôi hiểu hơn về hình ảnh của thầy mà ngày còn ở Việt Nam tôi gặp.

Các khu vực bỏ đồ cũ của người Đức (bên lề đường các khu nhà) thường có nhiều người, từ xuề xòa đến tinh tươm, từ trẻ đến già, lân la đến chọn lựa và khiêm tốn xách về cái họ cần, trước khi các xe thanh lý rác hay phế liệu tới dọn dẹp.

Anh chị tôi quen (ở Đức nhiều năm) mừng rỡ thông báo với tôi nhặt được một “cái nệm” ai vứt. Nó mới toanh. Còn bạn tôi thì khoe nhặt được mấy cái thùng cũ, tiếc hùi hụi khi ai đã nhặt mất mấy cái ghế sau một buổi học về nhà. Tôi mấy lần mò tới những “đống đồ bỏ đi” để tìm có gì xài được không, tiếc là số tôi không may mắn 😉

Chuyện thứ hai tôi muốn nói với các bạn là câu chuyện tiết kiệm. Tôi bị la mấy lần (và rất xấu hổ) vì khi ra khỏi phòng toilet đã vô ý quên tắt điện. Cũng có lần tôi bị nhắc là rửa bát dùng ít nước thôi vì “nước thải bên này tốn tiền lắm”.

Tôi càng xấu hổ vì mình từng là Đại sứ Môi trường sang Đức du khảo. Không phải tính cách tôi hoang phí (thanh minh), nhưng tôi chưa hiểu cách xài và đôi khi thiếu tỉ mỉ. Thế là từ việc rửa bát đến dùng bóng điện, tôi phải học cách người Đức để thích nghi.

Câu chuyện cuối cùng tôi kể các bạn là về sự thịnh vượng. Nước Đức là cường quốc số một châu Âu, là lãnh đạo của khối kinh tế hàng đầu thế thới. Họ giàu có không? Rất giàu! Họ có thể sống mà không cần nhặt đồ cũ? Có chứ. Họ có biết sĩ diện không? chắc chắn rồi.

Vậy:

Tại sao mua cái quần “xi-đa” mà mừng vậy?
Tại sao thích nhặt đồ cũ vậy?
Tại sao người Đức “ki-bo” vậy?

Là vì họ ý thức được năng lực và nhu cầu.

Nghe rất mơ hồ, nhưng để tôi kể các bạn nghe về một người bạn Đức. Cô ấy đi bán hàng ở một tiệm quần áo để kiếm tiền cho việc học và sinh hoạt.

Tôi hỏi “gia đình không cung cấp tiền cho bạn sao?” Cô ấy bảo “Có chứ, nhưng tôi không muốn phải xòe tay xin tiền của bố mẹ chỉ vì nhu cầu của bản thân”.

Tại sao lại không mua một cái quần cũ khi bạn cần nó và bạn chỉ có bấy nhiêu tiền?

Tại sao lại không nhặt một đôi giầy cũ về mang mùa đông khi bạn phải bỏ ra mấy ngày công lao động mới có thể mua một đôi?

Tại sao phải bật điện, dù không có người? Điều đó không giúp bạn giàu lên, hay nghèo đi, mà điều quan trọng là bạn không ý thức được định nghĩa của sự thịnh vượng. Một bao gạo, suy cho cùng cũng là sự cóp nhặt hàng triệu hạt gạo bé tí mà thôi.

Tôi không bao giờ đặt câu hỏi về “sĩ diện” khi nhắc đến chuyện “cái quần cũ”. Vì bạn biết đấy, nó không có ý nghĩa.

Còn tôi thì bây giờ đã luôn tắt đèn sau khi ra khỏi toilet.Tôi không muốn bị mắng nữa, vì tôi cũng có sỉ diện của mình, dù rằng tôi vẫn sẵn sàng mua một đôi giầy cũ khi mùa đông đang đến.

Ilmenau chiều cuối tuần (11-11-2016)

Nguồn: Facebook Đỗ Thiện

* Bài viết đã đăng trên trang Facebook cá nhân và được đăng lại trên Thời báo Việt Đức với sự đồng ý của tác giả.