Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Chuyện vợ Việt-chồng Tây: Lấy chồng không phải để “ăn bám”

Đối với chị, tất cả vẫn như là một giấc mơ. Ảnh: nguoiduatin.vn

Khi theo chồng sang Pháp, chị Hương không biết tiếng quê chồng, cũng không thông thạo đường đi lối lại. Tuy nhiên, sau hơn một năm kiên trì, chị đã có thể nói, viết tiếng Pháp thành thạo và có một cơ ngơi ổn định.

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, tên tiếng Pháp là Huong Decourcell) lấy chồng và sang Pháp đã được 3 năm. Từ người không biết tiếng Pháp giờ chị đã thành một phiên dịch viên và mở được nhà hàng chuyên các món ăn Việt trên quê hương chồng.

Nói về mối lương duyên với người chồng ngoại quốc, chị Hương cho biết, trước đây chị từng có một đời chồng. Sau khi ly hôn, chị chọn cách về quê để cân bằng lại cuộc sống. Cô đơn, buồn chán, chị lên mạng tìm bạn nói chuyện và chị đã gặp được anh Sebastien người Pháp.

Đời sống - Chuyện vợ Việt-chồng Tây: Lấy chồng không phải để “ăn bám”

Chị Hương đã tìm được một người chồng ngoại quốc yêu thương mình.

Khi hai người gặp nhau, chị hoàn toàn không biết nói một từ tiếng Anh. May có một người bạn chị nói được vài câu, chị và anh Sebastien nói chuyện với nhau chủ yếu qua người bạn ấy. Lâu dần, họ có tình cảm, quý mến nhau và anh đã thổ lộ điều ấy với chị.

Anh chị yêu nhau được hơn 1 năm thì quyết định kết hôn. Ngày “theo chàng về dinh” chị không biết tiếng Pháp, không biết đường đi lối lại, cuộc sống thay đổi hoàn toàn khiến bản thân chị sốc. Nhờ sự động viên của chồng, chị Hương bắt đầu học tiếng Pháp.

Không muốn ở nhà để chồng nuôi, chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu xem người Việt ở Pháp đang cần những gì. Thứ duy nhất chị phát hiện ra chính là đồ ăn Việt, vì thế chị bắt đầu nghĩ tới việc làm món ăn Việt ở nhà để bán cho người Việt đang sinh sống tại Pháp. Khéo tay, làm đồ ăn ngon vì thế khách hàng của chị bắt đầu tìm đến ngày một nhiều.

Đời sống - Chuyện vợ Việt-chồng Tây: Lấy chồng không phải để “ăn bám” (Hình 2).

Chị Hương thể hiện tài năng của mình bên xứ người

  “Thông thạo tiếng Pháp giúp tôi rất nhiều trong việc kinh doanh. Cũng nhờ thế mà tôi quen được nhiều người, họ đã giới thiệu cho tôi làm phiên dịch. Tôi cũng muốn giúp đỡ những bạn người Việt lấy chồng Pháp khi họ chưa biết tiếng Pháp và mới sang xứ người.

Quả thực, ở Pháp công việc rất khó kiếm. Như bản thân tôi khi làm phiên dịch formation, họ cho tôi một tập tài liệu về tiếng Pháp, văn hóa Pháp. Sau đó tôi dịch ra và đi dạy lại những cô dâu mới sang Pháp, tôi phải dạy họ cả phong tục tập quán, văn hóa người Pháp. Cứ thế, tôi dần có nhiều mối quan hệ và khẳng định vị trí của mình hơn”, chị Hương chia sẻ.

Chị Hương kể, khi sang Pháp, chị dường như phải bắt đầu lại mọi thứ. Nhưng giờ chị đã nói được tiếng Pháp khá thành thạo, có một công việc trong xã hội, tự mở được cửa hàng. Điều này khiến chồng và những người bạn của chị đều khá ngạc nhiên. Vì có người sang Pháp đến tận 5 năm cũng không nói được tiếng Pháp và có công việc ổn định.

“Ở Pháp, xin bất kỳ việc gì cũng cần có bằng cấp chứng chỉ nên tôi đã vừa làm đồ ăn nhanh ở nhà vừa nỗ lực đi học để có bằng cấp. Tôi không ngại khó, ngại khổ mà chỉ sợ không có thời gian. Tôi chạy đua từng ngày một. Sau khi học xong bằng nấu ăn, tôi lại tiếp tục nung nấu mở một chuỗi cửa hàng cho người Việt tại Pháp. Nhờ sự hỗ trợ của ông xã, tôi đã làm được. Cửa hàng tôi có tên NON LA và được rất nhiều người Việt tìm đến.

Hiện tại tôi vẫn duy trì công việc dịch thuật. Tôi muốn mọi người biết về khả năng của phụ nữ Việt. Chúng tôi sang đây không phải để ăn bám chồng, có nhiều người cũng đã tạo lập được sự nghiệp riêng”, chị Hương tâm sự.

Nếu nhiều người nghĩ lấy chồng Tây không phải lo nghĩ về mặt kinh tế thì đó là quan niệm sai lầm. Bởi, tình yêu có bền chặt cần sự cố gắng, nỗ lực và vun đắp từ cả hai phía. Với chị  Hương cũng vậy, chị không muốn trở thành gánh nặng trong mắt chồng. Ngược lại luôn muốn để chồng, họ hàng, bạn bè của chồng bên trời Tây phải ngưỡng mộ, trầm trồ về nghị lực, khả năng của những người phụ nữ Việt Nam.

Theo Mai Hằng / nguoiduatin.vn