Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Dân chủ cho… chó

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com/

Năm 1989 tôi làm việc trong nhà máy lắp ráp ô tô Wartburg ở Halle/S. Khi phong trào cách mạng „hướng Tây“ của người Đông Đức lên đến đỉnh điểm, cứ tới 18 giờ (chờ hết giờ làm việc) là toàn bộ cán bộ, công nhân trong nhà máy xuống đường cùng dân các nơi đổ về, họ kéo nhau đến quảng trường trung tâm để biểu tình đòi tự do dân chủ, đòi thống nhất nước Đức.

Đứng bên đường nhìn đoàn người vác khẩu hiệu đi rầm rập, nhìn mặt ai cũng tươi roi rói, tôi nghĩ bụng: Dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc như cái anh DDR này là chót vót rồi, làm sao lại còn phải đòi cái dân chủ nào cao hơn nữa, khác hơn nữa? Ngày ấy, nhiều anh VN sang được Đức lao động, sướng quá nằm ngửa trên tấm đệm trắng như chưa bao giờ được thấy nó trắng như thế, êm như thế mà rên:

Thôi, đời mình đến đoạn này chết cũng được! Vậy mà dân Đức vẫn lắc đầu: Bên kia sướng hơn, tự do hơn!

Ở phân xưởng tôi có anh chàng kĩ sư người Đức tên Maik, do bị phân công trái nghề nên chẳng làm được việc gì ra hồn. Hắn ghét tôi lắm, vì một lần tôi dám cả gan chỉ cho hắn dập lá thép sao cho đúng bản vẽ. Một bữa, anh ta gửi thiếp mời đám cưới cho cả phân xưởng. Đúng ngày giờ, ông thợ cả dẫn các đại biểu mang muối, bánh mì và hoa đến dự. Tới nơi, hỡi ôi cửa đóng then cài „dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh“! Trước đó vài giờ, anh ta đã cùng người vợ chưa cưới đào tẩu sang Tây Đức qua con đường du lịch Rumani. Đó là một đảng viên cộng sản. Càng cận kề giờ G, càng nhiều đảng viên CS xin ra khỏi đảng. Trong ban giám đốc nhà máy, duy nhất có bà phó giám đốc, trưởng phòng nhân sự, đến phút chót vẫn giữ vững lập trường, còn lại xin ra hết. Phân xưởng tôi, ông trưởng ca Schulze cũng không xin ra. Đội lao động VN không ai xin ra. Các chi bộ nhận được chỉ thị từ trên, tạm dừng đóng đảng phí, sinh hoạt đảng. Khu vực Leipzig

– Halle, có văn phòng „Sứ vùng“ quản lí tất cả các đội lao động người Việt trong vùng. Mỗi Trưởng phòng Th. đào tẩu sang Tây Đức, trên phải cử Đội trưởng Ch. lên thay. Ở VN một số người nhân cơ hội cũng đào thoát sang Pháp, sang Đức…

Một hôm, tôi và anh Phùng phiên dịch gặp một đoàn biểu tình, họ làm tôi ngạc nhiên vì toàn là cảnh sát. Tôi không tưởng tượng được rằng, có cảnh sát đi biểu tình. Tôi bảo anh Phùng: anh đọc các khẩu hiệu xem họ nói gì. Anh nói đại ý: Họ muốn chính phủ mới phải ban hành các luật cụ thể để cảnh sát làm đúng phận sự. Lúc này ở Đông Đức, thực sự là nơi „thiên hạ đại loạn“: Một số lãnh đạo đảng nhà nước cũ bị bắt giữ để hầu tòa; những người từng làm việc cho cơ quan an ninh đang bị điều tra; lực lượng quân đội, công an mới hôm qua còn treo cờ Đông Đức, hôm nay đã treo cờ Tây Đức – thì vẫn tổ chức ấy, con người ấy làm việc, chỉ khác lá cờ; ngoài XH thì bọn „đầu trọc“ nổi lên chống người nước ngoài; người nước ngoài thì thành lập các băng đảng cướp lẫn nhau, lừa đảo, buôn bán hàng giả bất hợp pháp… Luật cũ đã bãi bỏ, nhưng luật mới vẫn chưa vào được đến đời sống xã hội. Thực sự, cảnh sát đang lo thân họ chưa xong, nói chi đến việc thi hành công vụ. Không làm thì bị sa thải, làm thì không biết làm như thế nào! Ngành cảnh sát làm việc mang tính chuyên nghiệp cao, tuyệt đối làm theo luật, chứ không làm theo chỉ thị của ai, nghị quyết của đảng nào cả. Nếu có vấn đề gì kiện cáo, họ lấy luật để cãi trước tòa… Vậy là họ biểu tình.

Hết cảnh sát thì đến bọn đầu trọc, bọn này cũng xuống đường đòi tự do dân chủ (?!). Khẩu hiệu của chúng tóm lại là: Bọn nước ngoài cút đi. Đây là tổ chức của đoàn thanh niên Đức Quốc xã, cánh tay đắc lực cho Đảng hậu duệ Hitler – NPD. Đảng NPD được hoạt động hợp pháp ở Đức, đảng này cũng tham gia bầu bán vào quốc hội. Họ đã có chút ít thành công trong cộng đồng chống người nước ngoài. Một lần tôi đem chuyện này ra thắc mắc với chú em rể là một kĩ sư người Đức, chú ấy nhún vai bảo: Đó là cái ngu của người Đức, nhưng nước Đức là một nước dân chủ!

Ở Đức, các đảng phái hay tổ chức xã hội hợp pháp nào muốn biểu tình, họ chỉ cần đến chính quyền địa phương đăng kí. Nếu được đồng ý, chính quyền sẽ điều xe cảnh sát đi theo chặn đầu khóa đuôi để giám sát và bảo vệ – giám sát biểu tình đúng luật, bảo vệ an toàn cho người trong đoàn biểu tình và người ngoài biểu tình, cùng tài sản xã hội. Vì vậy, khi bọn đầu trọc đăng kí biểu tình, thì đồng thời các tổ chức xã hội khác muốn chống lại chúng cũng đăng kí biểu tình, đúng chỗ đó, đúng thời gian đó. Cảnh sát sẽ đứng giữa để bảo đảm an ninh.

Cuối năm ngoái (2015), ở Halle có 2 đoàn biểu tình chống lại nhau: Một bên thì bênh người tị nạn; một bên thì chống người tị nạn. Hễ bên này có đại biểu lên diễn thuyết, thì bên kia la ó và cho mở nhạc hết cỡ để gây rối. Trước giờ biểu tình, cảnh sát đã bố trí xong lực lượng. Họ ngăn hai đoàn sang hai bên quảng trường bằng hàng rào sắt (không phải thép gai), các nhân viên cảnh sát đứng canh chừng ở giữa. Những kiểu biểu tình như thế này, nói chung rất ôn hòa. Nhưng những cuộc xuống đường của hai lực lượng cực hữu và cực tả thường làm cho chính cảnh sát cũng bị thương vong.

Một cuôc biểu tình bảo vệ động vật. Ảnh: Chí Vỹ

Quyền của con người quan tâm tới động vật cũng được người Đức luật hóa và thực thi rất dân chủ. Ngoài cơ quan bảo vệ động vật của nhà nước, xã hội Đức có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ… hoạt động trong lĩnh vực này. Một lần bạn tôi đến cửa hàng châu Á mua con cá chép về ăn. Người bán hàng không biết luật, cô ta bắt con chép 3 kg còn sống nguyên bỏ bào bịch nilon đưa cho khách hàng. Bạn tôi quẳng con cá vào sau cốp, lái xe đến giữa phố thì bị cảnh sát chặn phạt vì chạy quá tốc độ. Kiểm tra cốp xe, họ phát hiện vận chuyển cá mà không đập chết, phạt tiếp. Về đến nhà, anh bạn càu nhàu: Chả bù cho thời phát xít diệt chủng, giết người không gớm tay, bây giờ yêu đến cả cá, chim, bướm nữa!

Người Đức đặc biệt rất yêu động vật, nhất là vật nuôi trong nhà. Có bà khách đến làm móng, lần nào tôi cũng thấy vết cào xước hết hai cổ tay, vậy mà bà thích lắm, luôn miệng gọi con mèo là „cưng của tôi“. Ông hàng xóm đã phải ra hầu tòa vì bà làm đơn kiện ông đá „dã man“ con mèo của bà. Có bà thì gọi con chó của mình là „con“ và xưng là „mẹ“, nựng rồi hôn hít lên mõm nó như yêu trẻ nhỏ thật. Ăn chung nhau với chó một miếng dồi, đó là chuyện thường tình của những người siêu sạch sẽ ở xứ sở này. Tối qua trên truyền hình, người ta quay cảnh một cô gái bị cảnh sát bắt giữ trên phố. Lí do cô đã bán cho người qua đường một con chó con 2 tuần tuổi. Ở Đức, bán, mua, nuôi chó phải có nguồn gốc, có lí lịch rõ ràng. Việc tiêm chủng rất quan trọng, phải qua bác sĩ thú y. Chăm sóc chó trong nhà phải tử tế, không được hành hạ, bỏ đói. Chó ra ngoài với chủ, phải được buộc xích giữ an toàn. Thậm chí, phân chó ị ngoài bãi cỏ, chủ phải nhặt lên cho vào khu vực rác thải phù hợp…Tất cả đều có trong luật. Bạn tôi nuôi một con chó con làm cảnh, anh bảo: Một năm mất khoảng 500,- Euro cho các khoản chi bắt buộc theo luật. Nếu chó to thì khoảng 1000,- Euro. Trưa thứ 7 ngày 05.3.2016, hiệp hội bảo vệ chó của thành phố Halle/S tổ chức biểu tình đòi quyền dân chủ cho việc nuôi chó. Mọi thành phần xã hội đều tham gia, già có, trẻ có. Họ dắt theo các loại chó, mang theo các loại khẩu hiệu. Sau cuộc mít tinh ở quảng trường, họ diễu hành trên phố với 2 xe của cảnh sát hộ tống rất hùng dũng. Nhiều khẩu hiệu tôi không đọc được, nhưng có một khẩu hiệu to nhất, chữ in đẹp nhất được viết là: „Luật cho chó“.

Sang sáng thứ hai, trên ti vi người ta vẫn bàn luận với người bên bộ tài chính xem khoản tiền cần đóng „bảo hiểm ốm đau“ cho chó là bao nhiêu. Vậy đấy, khi con người đã giành được đầy đủ quyền dân chủ cho mình, họ bắt đầu nghĩ tới quyền dân chủ cho… chó.

Xã hội người ưu việt không dành riêng cho người !

Nguyễn Công Tiến (Cuộc thi viết về trải nghiệm lịch sử người Việt ở Đức – Thời báo Việt Đức)