Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Dự luật mới về quyền hưởng Hartz IV: Công dân EU bị loại trừ

TBVĐ- Theo Dự luật mới đây do Bộ trưởng Lao động Andrea Nahles đệ trình, công dân EU chỉ được quyền hưởng Hartz 4 và trợ cấp xã hội, nếu đã làm việc tại Ðức từ 5 năm có đóng bảo hiểm xã hội, không hưởng trợ cấp.

Thay vào đó họ được quyền xin tiền một lần hỗ trợ khắc phục khó khăn (ueberbrückungsgeld) cho tối đa 4 tuần để đáp ứng nhu cầu trước mắt về ăn ở, sinh hoạt và sức khỏe cá nhân. Ðồng thời chính phủ Ðức sẽ giúp đỡ bằng cách cho vay một khoản tiền trang trải chi phí hồi hương, nếu họ muốn. Tại quê nhà họ có thể xin trợ cấp xã hội. Dự luật trên xuất phát từ một phán quyết của Tòa án Xã hội Liên bang gần đây. Theo đó công dân EU lưu trú ở Ðức từ 6 tháng có thể đệ đơn xin trợ cấp xã hội.

Theo luật hiện hành, công dân EU có khả năng lao động và đang tìm việc được lãnh Hartz IV như công dân Ðức. Tuy nhiên, những người thất nghiệp không đi tìm việc có thể bị từ chối. Những công dân EU không có quyền cư trú theo Bộ Luật Tự do đi lại do không có đủ tài sản riêng để tiêu dùng, cũng không được hưởng trợ cấp Hartz IV.Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền được tự quyết định có cấp trợ cấp xã hội (Sozialhilfe) cho họ hay không; trong trường hợp cư trú lâu hơn 6 tháng bắt buộc phải cấp vì họ đã ổn định cuộc sống. Công dân EU không còn sức lao động có thể hưởng trợ cấp xã hội, nếu đã lưu trú ở Ðức từ 3 tháng.

Tuy nhiên những công dân sang Ðức nhằm mục đích trên sẽ bị từ chối cấp. Theo án lệ Tòa án châu Âu C-67/14, quyền được hưởng trợ cấp xã hội phụ thuộc vào triển vọng tìm việc thành công. Nếu tại một quốc gia EU họ chưa từng làm việc hoặc bị thất nghiệp mà sau 6 tháng không tìm được việc mới, có thể khước từ không trợ cấp. Quyền tự do đi lại trong khối EU cũng như quyền được bảo đảm nhu cầu tối thiểu (Existenzminimum) theo hiến pháp Ðức gây khó khăn cho Dự luật mới đưa ra nhằm bác bỏ trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, công dân EU không bị ép buộc phải đến Ðức tìm việc làm, vì vậy họ không nhất thiết phải ở Ðức xin trợ cấp để chờ việc.

H.N