Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức sẽ thu gom rác nhựa trên biển

Ảnh minh họa: pixabay.com

Nhiều doanh nghiệp Đức đang cùng nhau xây dựng một hệ thống thu gom và tái chế rác thải nhựa trên biển nhằm cứu các đại dương đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.

Một mạng lưới gồm khoảng mười doanh nghiệp Đức đang xây dựng hệ thống thu gom, tái chế nhằm dọn rác nhựa trên biển trên phạm vi toàn thế giới và dự kiến chính thức đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm 2018.

Trong dự án này, nhiều con tàu cũ được cải tạo lại và có trang bị lưới vớt nhựa sẽ chạy vào những vùng biển chứa nhiều rác nhựa nhất để thu gom chúng. Sau đó lượng rác thải này sẽ được tái chế hoặc tạo ra năng lượng trên một con tầu chuyên dụng. Để tìm được nơi nào có nhiều rác nhựa nhất trên biển, các nhà khí tượng học sẽ tính toán dựa trên cơ sở hướng gió, sóng biển và mưa. Nhóm điều phối dự án gồm mười doanh nghiệp này hi vọng sẽ có một số  hãng vận tải tàu biển của Đức tham gia dự án vì hiện tại một số hãng vận tải biển có tình trạng dư thừa công suất, và thay vì tháo dỡ tàu cũ người ta có thể cải tạo chúng để phục vụ hệ thống bảo vệ môi trường biển.

Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục. Ví dụ, dọc bờ biển Brazil, từ Rio de Janeiro đến São Paulo mỗi năm có tới 70.000 tấn rác nhựa bị vứt xuống biển và phải huy động 9 con tàu để thu gom rác và một tàu chuyên dụng để chế biến lượng rác thải này.

Có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung quốc, Indonesia, Philippin và Việt nam nặng nề nhất.  Đức cũng bị ảnh hưởng của rác thải nhựa trên biển, tuy nhiên so với các nước châu Á thì không nhiều bằng, lượng rác thải nhựa trên biển hàng năm của Đức “chỉ khoảng” 20.000 tấn ở vùng biển Bắc và biển Baltic.

Chính phủ Liên bang Đức khuyến khích, hỗ  trợ  dự án này. Đức là quốc gia có nền kinh tế tái chế chất thải phát triển ở trên đất liền. Đức có thể phát triển hệ thống bảo vệ môi trường biển và có khả năng góp phần quan trọng vào việc chống rác hóa biển.

Theo Xuân Hoài (lược dịch theo “Tuần kinh tế” Đức) / tiasang.com.vn