Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Không đưa con đi tiêm chủng sẽ bị phạt đến 2.500 Euro

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Từ ngày 1-6 năm 2017, phụ huynh của trẻ em đang học mẫu giáo sẽ bị phạt tiền nếu từ chối những lời khuyên tiêm chủng bắt buộc.

Thời báo Việt Đức kỳ này gửi đến độc giả một phán quyết liên quan đến việc đưa trẻ đi tiêm chủng. Theo đó, một cặp vợ chồng sống ly thân và cùng có quyền chăm sóc con chung tranh cãi về việc có nên đưa cô con gái gần 5 tuổi đi tiêm chủng hay không. Người mẹ hiện đang nuôi đứa trẻ cảm thấy không cần thiết phải tiêm phòng và lo sợ tiêm phòng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con. Hơn nữa, từ trước đến nay bà không tin tưởng vào bác sỹ cũng như ngành công nghiệp dược. Ngược lại, người bố muốn con được tiêm phòng tất cả các loại cần thiết. Do hai người không thể thống nhất nên phải viện đến tòa án quyết định. Tòa án Liên bang (BGH) đứng về phía người bố, phán người con phải được tiêm phòng tổng cộng 9 loại vắc xin, do „tiêm phòng là biện pháp bảo vệ sức khỏe cơ bản“ (án số: XII ZB 157/16, ngày 03.05.2017 của BGH).

Bị phạt đến 2.500 Euro

Theo dự luật mới, cha mẹ sẽ bị phạt đến 2.500 Euro nếu lờ đi những lần tiêm chủng của trẻ nhỏ. „Không ai được phép „bỏ qua“, bởi còn có nhiều người đang chết do bệnh sởi“, bộ trưởng bộ Y tế Hermann Gröhe (CDU) cho biết. “Vì vậy, chúng tôi đang đẩy mạnh quy định về tiêm chủng”. Trường học Kita được yêu cầu thông báo cho cơ quan y tế những trường hợp phụ huynh „từ chối“ những lời khuyên về tiêm chủng được đưa ra. Sau đó, cơ quan y tế sẽ đưa ra các biện pháp „trừng phạt“ bắt buộc.

Tháng trước, một người mẹ (37 tuổi) có 3 con đã bị chết do ảnh hưởng của bệnh sởi ở Essen. Năm ngoái, có 410 trường hợp bị nhiễm virus sởi, tăng nhiều so với 2015 (325 trường hợp). Ủy ban Thường vụ về tiêm chủng (STIKO) đưa ra khuyến cáo cho những người sinh sau năm 1970, do không được tiêm chủng, chỉ một lần, hay không nhớ rõ tình trạng tiêm chủng của mình, nên đi tiêm chủng lại.

Theo Luật phòng chống Präventionsgesetz có hiệu lực vào giữa năm 2015, cha mẹ phải chứng minh được con cái đã được tiêm chủng trước khi được nhập học ở trường. Trẻ em hay thanh thiếu niên chưa tiêm chủng sẽ không được đến trường.

Nếu không tiêm phòng, trẻ không được đi học

Trong những tuần gần đây, các bác sĩ và các chính trị gia đã nhiều lần yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề tiêm chủng. Nhà trẻ và trường học thường xuyên được các bác sĩ trong hiệp hội ghé thăm, kiểm tra tình hình tiêm chủng của trẻ. “Nếu không có tiêm phòng, sẽ không được đi học”, giám đốc hiệp hội các bác sĩ BVKJ, Thomas Fischbach cho biết. Hiệp hội ủng hộ ý định của bộ trưởng Grohe về vấn đề thắt chặt nghĩa vụ tiêm chủng. “Chúng ta không thể chấp nhận những khoảng trống trong tiêm chủng, điều mà đáng ra có thể ngăn chặn được dịch bệnh”, ông Thomas cho hay.

FDP đã kêu gọi ban hành đạo luật về tiêm chủng bắt buộc cho tất cả trẻ em lên dưới 14 tuổi. „Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải cản trở bởi nhiều rào cản trong Luật cơ bản Grundgesetz, quyền cơ bản bất khả xâm phạm thân thể (Grundrecht auf körperliche Unversehrtheit) và quyền giám hộ của cha mẹ (Sorgerecht)“, Bộ trưởng Y tế bang Bayern, Melanie Hulm (CSU) cảnh báo.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng đặt ra mục tiêu xóa sổ bệnh sởi tại châu Âu muộn nhất đến năm 2010. Tuy nhiên, mục tiêu không thực hiện được, do tỉ lệ tiêm phòng quá ít, trong đó có nước Đức. Theo Viện Robert-Koch-Stiftung, trẻ em ở Đức ít tiêm phòng hoặc được tiêm quá muộn.

 

Thanh Tùng