Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Kịch bản kinh hoàng khi Bavaria đòi ly khai khỏi Đức

Bất chấp các Hiến pháp hiện hành quy định về ly khai, thêm vùng của Đức cũng muốn đòi độc lập.

Một kịch bản tương tự Catalan đang manh nha xuất hiện ở Đức. Một bang có tiềm lực kinh tế lớn thứ 2 ở Đức là Bavaria đang có ý định ly khai khỏi quốc gia này.

Kinh tế của một mình bang Bavaria là 576 tỉ euro, bằng khoảng 1/6 GDP của cả nước này năm 2016. Bavaria chỉ đứng sau bang Bắc Rhine-Westphalia về kinh tế.

Chính đảng của bang này là Đảng Bavaria đã liên tục kêu gọi độc lập cho Nhà nước Bayern tự do.

Chủ tịch Đảng Bavaria, ông Florian Weber đang đặc biệt chú ý theo dõi cuộc trưng cầu dân ý tại Catalan, điều mà có thể mang tính quyết định tới cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai của bang này ở Đức.

Theo thăm dò mới nhất do YouGov tiến hành, 32% người Bavaria ủng hộ một Bavaria độc lập. Chỉ vài năm trước đây, chỉ số này là 21%. Chính khách Đức hy vọng sẽ có ngày, số lượng người ủng hộ độc lập chiếm đa số.

Ông Weber nhắc đến Biên bản tổng kết Hội nghị về an ninh và hợp tác Châu Âu mà Tây Ban Nha và Đức đều ký: “Ngay từ những năm 1970, quyền tự quyết của người dân đã được ghi nhận trong biên bản này. Người Catalan cũng như người Bavaria là những dân tộc riêng biệt — một thực tế không thể nghi ngờ. Do đó họ đều có quyền tự quyết”.

“Khi Catalan trở nên độc lập, đó sẽ là một mô hình cho các diễn biến sự kiện của chúng tôi” – ông Weber nhấn mạnh.

Chỉ trích cách cảnh sát Tây Ban Nha đàn áp người dân Catalan bỏ phiếu trưng cầu dân ý, ông Weber gọi đây là “hành động phản dân chủ và không thể chấp nhận”.

Bang Bavaria cũng như Catalan đều chịu phụ thuộc vào pháp luật liên bang của Nhà nước Đức và Nhà nước Tây Ban Nha về việc tách độc lập.

Tại Đức có Luật Cơ bản, quy định không có chỗ cho những nguyện vọng ly khai của từng vùng. Quyết định của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức thông qua vào đầu năm 2017 đã nhắc tới điều này. Ở Cộng hòa Liên bang Đức – một nhà nước dựa trên quyền lực cấu thành của người Đức- các bang không phải là ông chủ của Luật Cơ bản. Vì vậy, những nỗ lực bày tỏ nguyện vọng ly khai của từng vùng sẽ vi phạm trật tự Hiến pháp.

Ông Weber không chấp nhận cách tiếp cận này: “Trung ương ngày càng nắm nhiều quyền hơn — trong lĩnh vực văn hoá, trong giáo dục phổ thông, trong chính sách tài khóa. Đây là cách làm sai”.

Ông Weber cũng cảnh báo về tình hình lục đục ở EU không riêng gì tại Tây Ban Nha, hay Đức.

“Một Châu Âu chỉ hòa bình khi các quốc gia có thể thực hiện quyền tự quyết”- ông nói.

Thực tế, các kịch bản ly khai trên toàn châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra như Anh, Bỉ, Italy và đây không phải là vấn đề của riêng nước nào. CNN mới đây cũng kê ra danh sách các vùng lãnh thổ có thể đi theo kịch bản ly khai như ở Catalan.

Venice và Lombardy (Italy)

Đây là 2 vùng đất giàu có của Italy và đã tuyên bố về dự định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 22/10 tới để giành thêm nhiều quyền lực tự trị hơn.

Phong trào ly khai ở đây đều phát triển mạnh mẽ và người dân cho rằng tiền thuế của họ đang được chi cho các vùng lãnh thổ nghèo hơn ở phía Nam Italy hơn là tái đầu tư phát triển vùng.

Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp của Italy đã ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của 2 vùng này.

Venice chỉ trở thành một phần của Italy vào năm 1886. Năm 2014, Venice tổ chức cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc về vấn đề độc lập và có 2,1 triệu người (chiếm 89%) bày tỏ đồng ý.

Nam Tyrol (Italy)

Nam Tyrol nằm ở phía Bắc của Italy nhưng ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Đức.

Số người nói tiếng Italy vào khoảng 510.000 người, chiếm 25% tổng dân số.

Dù đã trở thành tỉnh tự trị từ năm 1972 nhưng Nam Tyrol vẫn bày tỏ ý muốn tách khỏi Italy và sáp nhập trở lại Áo.

Vùng này trước đây thuộc về Đế quốc Áo- Hungary, nhưng đã được cắt cho Italy sau khi Thế chiến I kết thúc.

Flanders và Wallonia (Bỉ)

Bỉ là quốc gia bao gồm 3 cộng đồng sử dụng ngôn ngữ khác nhau.

Flanders là cộng đồng nói tiếng Hà Lan nằm ở phía bắc, trong khi Wallonia ở phía nam nói tiếng Pháp, và còn có cộng đồng nói tiếng Đức ở vùng viễn đông. Phong trào đòi độc lập đã manh nha hình thành tại các vùng này.

Tại Flanders, các tổ chức chính trị như Liên minh Flemish mới, một nhóm theo chủ nghĩa dân chủ bảo thủ chiếm đa số ở Quốc hội Bỉ đã ủng hộ việc ly khai.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, vấn đề ly khai của Flanders chắc chắn sẽ được tiếp tục nhắc tới.

Scotland (Anh)

Mặc dù Scotland đã được Chính phủ Anh đồng ý cho tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 7/2014 nhưng phe đòi ly khai đã thua trong cuộc bỏ phiếu, với 55% người mong muốn ở lại Anh.

Nhưng hiện thời đảng ủng hộ ly khai lớn nhất Scotland, đảng Quốc gia Scotland (SNP), vẫn nung nấu mong muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý khác để giành quyền tự chủ.

Lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon, gần đây đã tiếp tục kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.

Tuy nhiên, đảng của bà đã mất một số ghế quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm nay. Điều này cho thấy người dân Scotland có vẻ không còn quá mặn mà với ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập.

Theo Ngọc Dương/ baodatviet.vn