Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Ký ức nước Đức sau 50 năm

Lễ đón đoàn học sinh học nghề tại trường Bưu điện trung ương Đức ở Königs Wusterhausen hôm 13.06.1967. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày này 50 năm trước, mình và hàng trăm thanh niên Việt Nam từ khói lửa của chiến tranh đến được nước Đức sau 11 ngày trên chuyến tàu hỏa liên vận quốc tế từ Bằng Tường, qua Bắc Kinh, Moskva, Warzava, đến Berlin.

Mấy trăm thanh niên Việt Nam, gầy gò vì thiếu ăn, tóc tai bù xù bởi mấy tuần trên tàu, quần áo kaki, giày vải bỡ ngỡ nhìn xuống sân ga Ostbahnhof đầy hoa và người. Quân nhạc cử các bài ca cách mạng làm cho không khí rất hào hùng. Các cô gái Đức xinh đẹp, mặc áo xanh của đoàn thanh niên FDJ, ôm hoa đến tặng các chiến sỹ Việt Nam hôi như cú. Khổ cái hồi đó ai ở VN sang cũng được coi là anh hùng, là Partisan (Du kích).

Rồi mấy trăm người được khoảng chục chiếc xe bus Ikarus chở về hội trường chính phủ (Haus der Ministerien), có xe cảnh sát dẫn đường phía trước và hộ tống phía sau. Dân hai bên đường cũng đoán ra là đón đoàn “du kích quân” đánh Mỹ từ VN sang.

Tại hội trường, mình chỉ biết hai bên chủ khách phát biểu gì đó mà mình không để ý. Vì bụng đói, mình chỉ nhìn mâm hoa quả kẹo bánh bày trên bàn và cứ liếc nhìn xem anh Sỹ đội trưởng có cho phép ăn hay không. Rồi cơm gạo nấu sống nhăn với quế, có mùi sữa cùng món thịt gulasch được bày ra. Tuy lạ miệng nhưng bọn mình ăn như quên mất biển trời.

Sau đó tụi mình chia tay nhau, mỗi đội đi về một địa phương của nước CHDC Đức, tiền đồn phía cưc tây của phe XHCN. Đội của mình 25 người được ngành bưu điện Đức nhận đào tạo về kỹ thuật truyền hình. Các đội khác cùng cơ quan Tổng cục bưu điện VN cử đi thì được đào tạo về sản xuất cáp, dây điện và các loại biến thế. Có đội của bộ CN nặng cử đi được gọi là đội Bọ xít, vì được Đức đào tạo về công nghệ bô-xit, nhôm v.v

Trường kỹ thuật bưu điện trung ương Đức ở Königs Wusterhausen, cách Berlin 30 km về phía tây nam là tổ ấm mới của 25 đứa mình trong gần 4 năm sau. Những người Đức ở đó yêu quý tụi mình thực sự, có ông bà coi chúng mình như con và mình coi họ như mama, papa.

Trong đoàn mình chỉ có vài đứa là học sinh phổ thông, còn thì đều từ cán bộ có công lao được đi học nghề ở Đông Âu. Các anh chị đó, đảng viên có, đoàn viên có, luôn nhận được chỉ thị phải thay mặt đảng và nhà nước làm công tác tuyên truyền và đối ngoại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước nên các anh chị rèn tụi mình ghê lắm, những đứa trẻ luôn muốn tìm hiểu cái mới. Nhưng dù sao, sau 4 năm chung sống với nhau, tình cảm cũng dần gắn bó.

Mặc dù đã có 11 ngày ăn uống no đủ trên tàu hỏa Trung Quốc, Liên Xô, nhưng tụi mình vẫn suy dinh dưỡng nặng. Mình lúc đó cao 1m67 mà chỉ nặng có 47kg. Buổi tối đầu tiên mama Inge Henk đi cặp nhiệt độ cho cả bọn và phát hiện ra là hầu hết chúng mình không có thân nhiệt trên 36°c như người thường mà đều dưới 36°. Các bác sỹ Đức đến tìm hiểu tại sao và họ phát hiện ra là đứa nào cũng đầy giun. Thế là tất cả phải uống thuốc xổ giun (mua tận bên Anh bằng ngoại tệ cứng) ba, bốn ngày liền.

Mấy hôm sau thì mình sinh nhật, chẳng biết làm gì để mời bạn bè và các anh chị trong đoàn (mình thuộc loại ít tuổi nhất). Anh Tửu ở cùng phòng bảo: tao thèm ăn trứng luộc. Mai, hơn mình một tuổi, ở cùng nhóm tam tam (3 người một phòng) cũng nói vậy.

Thế là mình ra phố, bỏ ra mấy Mark Đông Đức mua một túi xách trứng và hai chai Maggi. Tối đến, cả đội được một phen phủ phê. Buổi sinh nhật trứng luộc đó cũng là một kỷ niệm không thể quên.

Thọ Nguyễn

* Bài viết đã đăng trên trang Facebook cá nhân và được đăng lại trên Thời báo Việt Đức với sự đồng ý của tác giả.