Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Một số điều sinh viên/du học sinh tại Đức cần biết

Đồ họa: Trung Hiếu

1. Các “phiên bản” tiếng Đức

Nói được tiếng Đức đã quá tốt rồi, nhưng hiểu được tiếng Đức còn … quan trọng hơn nữa!!

Trước khi sang Đức du học (hoặc sinh sống), hẳn các bạn cũng từng phải học hoặc đã được làm quen với tiếng Đức. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ rằng ngoài “kiểu” tiếng Đức mình được học còn có những “phiên bản” sau:

– Tiếng Đức thông dụng hàng ngày … của tầng lớp trung niên & cao tuổi Đức (lịch sự và nhiều ví von, nhiều ẩn dụ!)

– Tiếng lóng của thanh niên (ngày nào cũng có thêm … từ mới và nhiều từ ngoại nhập)

– Tiếng Đức địa phương/thổ ngữ (Dialekt) mà dường như mỗi vùng hoặc thậm chí thành phố (ví dụ Berlinerisch, Kölnisch) đều có …

– Tiếng Đức “tổng hợp” của cả 3 loại trên

– Tiếng Đức văn phòng (của các quan chức, trong thư từ công sở, ngân hàng …)

– Tiếng Đức hàn lâm (khi các bạn chính thức vào trường ĐH nghe giảng, đọc các đề tài nghiên cứu, khi trao đổi với các giáo sư; “phiên bản” này nhiều … uẩn khúc và chú thích dài dòng, nhiều … câu phụ, nhiều từ … nghe vậy mà không phải vậy!!)

– Tiếng Đức trên đường phố khi người Đức nghĩ: “có lẽ bạn là người nước ngoài và có lẽ bạn sẽ không hiểu tiếng” – chỉ cần nhìn thấy hình dáng một người nước ngoài thì nhiều người Đức sẽ … tự động chuyển sang nói “phiên bản” này, đặc biệt tại những thành phố lớn và khu du lịch!! Họ nói rất chậm, rất to, nhưng sẽ khiến bạn nghi ngờ: “Chả có nhẽ tiếng Đức … đơn giản thế thôi?” Biểu tượng cảm xúc wink Ví dụ một câu trả lời mà bạn có thể nhận được sau khi hỏi đường: “Du Altstadt? Du gerade, Postplatz, ein Haus gelb, du links, laufen laufen laufen, ungefähr 300 Meter, rechts …” – và tất nhiên là còn kèm biểu cảm … tay chân!!

2. “Tự túc là hạnh phúc”

Khác với nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, nghe nói là trường tư ở đó sẽ cử người đến giúp bạn về mọi mặt, thậm chí nếu bạn vắng mặt ở nhiều buổi học, họ sẽ cử người đến hỏi thăm bạn …

Ở Đức thì không như vậy. Dù bạn có học ở trường tư hay trường nhà nước thì bạn cũng phải tự đôn đáo để lo mọi khoản từ tìm nhà, tìm việc làm thêm, đến nộp giấy tờ, thủ tục, đăng ký hộ khẩu, xin học bổng/trợ cấp … Nếu bạn không có chương trình học riêng thì trong nhiều ngành, bạn sẽ phải tự lập thời khóa biểu, tự học, tự đếm điểm để đăng ký các môn học sao cho đủ, thậm chí nếu thấy đủ điểm cũng phải tự đi đăng ký thi cử … Đến cuối mỗi học kỳ, có môn học chỉ cần viết bài kiểm tra là xong, một số môn khác bạn phải thuyết trình trước lớp và nộp bài luận văn …

3. Lập kế hoạch trước

Chính vì mọi cái đều phải tự túc như vậy nên bạn cũng phải học cách lập kế hoạch trước cho việc học và cả làm thêm trong mỗi học kỳ. Thậm chí, sinh viên Châu Á, Châu Phi … còn phải dành khá nhiều thời gian để đến Sở Ngoại Kiều nữa. Các bạn không thuộc khối EU sẽ nhận thị thực sinh viên (Studentenvisum), vì thế các bạn chỉ được cấp giấy phép lao động cho 120 ngày/năm, nghĩa là 240 lần “nửa ngày” (Halbtag). Trong mỗi học kỳ, sinh viên chỉ được phép làm thêm 20 giờ/tuần. Tuy nhiên, các bạn có thể yên tâm rằng mức chi phí sinh hoạt ở Đức so với Mỹ, Anh thì không quá cao. Bạn cũng không nên làm chui, vì một khi bị bắt thì cái bạn mất không chỉ là tiền nộp phạt cao, mà còn tất cả mọi cố gắng của bạn!

Cần lưu ý một điểm nữa là thời gian bạn bỏ ra để viết bài luận không phải ngắn ngủi, chỉ cần vài giờ hay vài ngày là xong, mà thậm chí kéo dài cả tháng nghỉ giữa kỳ, và có khi không chỉ viết một bài, mà 2-3 bài. Bạn sẽ phải dành nhiều giờ để học và ghi chép trong thư viện của trường vì nhiều trường ĐH Đức không cho sinh viên mượn sách về nhà. Ngoài ra, bạn cần lên kế hoạch cho việc chi tiêu và nghỉ ngơi nữa, bởi nếu bạn không có đủ thời gian rèn luyện cơ thể hợp lý, bạn sẽ mệt mỏi, chán nản và tụt lại đằng sau rất nhanh!

Hãy ghi nhớ một điều: Mọi cái đều nằm trong tay bạn!

4. Sử dụng mọi nguồn thông tin

Sống và học tập tại Đức nói riêng và nước ngoài nói chung, chính là thời gian để bạn học cách rèn luyện thành người sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội. Có lẽ sẽ có những khoảnh khắc bạn cảm thấy cô đơn vì không có ai chỉ bảo hay giúp đỡ bạn khi cần thiết, thậm chí bạn sẽ còn thấy tuyệt vọng khi mỗi lần bước chân ra đường là phải … uốn lưỡi để nói một ngôn ngữ khác, có khi một chuyện nhỏ cũng phải giải thích nhiều lần người ta mới hiểu, không được thỏa sức “chém” … Mà nhiều khi có chuyện gì cần hỏi lại không biết hỏi ai cho đúng, bắt đầu từ đâu?? Các bạn đừng lo lắng, chỉ cần nhớ là thời nay, việc đi du học không còn là chuyện hãn hữu và bạn không phải người đầu tiên hay cuối cùng, càng không phải người duy nhất. Nhiều câu hỏi và thắc mắc của bạn chắc chắn đã có người từng đặt ra, và các trang mạng dành cho sinh viên thì nhiều vô vàn, ví dụ như trang: http://www.toytowngermany.com/forum/

Trước khi bạn phải chạy bôn ba khắp nơi hoặc không muốn làm phiền ai đó quá nhiều thì có thể thử tra hỏi trên mạng, trong các trang diễn đàn sinh viên hoặc gọi điện trực tiếp cho nhà chức trách (ví dụ khi cần biết đi gia hạn phải nộp những giấy tờ gì).

5. Chuyện nhỏ như … con thỏ!!

Cuối cùng thì vẫn còn những điều vô cùng nhỏ nhặt nữa mà các bạn nên để tâm học hỏi, một trong số đó là ý thức công cộng. Có một phương châm mà các bạn cần học thuộc lòng là: “Người Đức không làm điều gì mà không có lý do và không có logic”(!!) Từ chuyện đặt máy bán vé tự động trên tàu, xe bus, thậm chí giờ còn có các máy tính tiền tự động trong siêu thị để giảm mức lao động mà vẫn đạt sự kiểm soát tối đa. Từ việc mỗi tiểu bang có ngày nghỉ hè, nghỉ lễ riêng không trùng lặp để tránh tắc đường giao thông …

– Từ khi bước chân xuống sân bay, đứng tại nhà ga hay đi siêu thị hay bất cứ đâu ở Đức, bạn cũng sẽ nhận thấy một điều là họ rất sạch sẽ, sạch mọi ngóc ngách. Vì thế vứt rác hay khạc nhổ nơi công cộng là điều cấm kỵ!! Thông thường, dù bạn ở bất cứ nơi công cộng nào trên nước Đức, bạn chỉ cần đi lại trong phạm vi 100-200 mét vuông là đã có thể nhìn thấy sọt rác rồi, thậm chí là có nhiều sọt rác để các bạn phân loại nữa. Hãy vứt rác đúng nơi quy định nhé!

– Nói chung người Đức sợ ồn ào, nhất là ở những nơi công cộng. Không nên gọi nhau í ới, không nên nói chuyện rầm rộ như chốn không người, không nên ăn uống sụp soạp, càng không nên … khạc nhổ bừa bãi!! Một điều không nên nữa là không mặc bộ đồ ở nhà hay đồ ngủ ra đường – ở Đức người ta có ít nhất 4 bộ quần áo thay mặc hàng ngày gồm: một bộ để đi làm, đi học, một bộ thoải mái hơn để đi chơi, ăn uống với bạn bè, một bộ mặc ở nhà và một bộ ngủ.

– Các bạn sinh viên khi viết luận văn cần làm quen với cách trình bày mà hầu như từ thời tiểu học, học sinh Đức đã được học từng li từng tí, ví dụ: trang đầu tiên chỉ viết tiêu đề, trang thứ 2 viết mục lục, các bài luận phải có Lời nói đầu (Einleitung), sau mỗi dấu câu phải để cách ra một chỗ rồi mới viết tiếp, khoảng cách giữa mỗi dòng cũng phải rộng khoảng 1,5 cm để còn có chỗ cho giáo sư chấm bài, phải có dẫn chứng cụ thể từ các nguồn đáng tin cậy và có giá trị v.v…

Cẩm Chi

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!