Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người Đức và trách nhiệm công dân trước những điều ngang trái

„Ta phải làm gì cụ thể đây, để cuộc sống an bình hơn, nhân bản hơn?“

„Cũng có những lúc người ta căm thù số phận, có lúc chỉ ghét môt con vật nhưng thường là thù ghét con người. Dân da trắng ghét dân da đen, người bản xứ ghét người nước ngoài, cổ động viên đội bóng bị thua ghét cổ động viên đội thắng, kẻ nghèo ghét người giàu… Không có cảm xúc nào thể hiện rõ ràng hơn tính thù ghét. Thù ghét thể hiện ở điệu bộ, nét mặt, cái nhìn và đặc biệt trong cách ăn nói. Xúc phạm người khác người ta không chỉ sử dụng những từ chửi nặng nề nhất mà còn thể hiện trong cách nói“ (Andreas Brenner & Jörg Zirfas, các nhà triết học Đức).

Xung đột có thể xảy ra giữa hai người, giữa các nhóm người, giữa các đảng phái chính trị, giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo và thậm chí với chính mình. Giải quyết những mâu thuẫn này người ta có thể tìm được một giải pháp dung hòa nhưng cũng có thể vô vọng dẫn đến vũ lực, cố bảo vệ mục đích của mình. Trước hết chúng ta phải nhìn nhận rằng, mâu thuẫn luôn tồn tại và tồn tại hàng ngày trên trái đất. Chính vì thế xung đột là lẽ thường tình của đời sống.

Điều đáng nói là phải tìm được phương thức giải quyết để các bên liên quan tạm chấp nhận được. Nhưng giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực càng ngày càng gia tăng, chứa ẩn vô số nguyên nhân. Là một công dân của xã hội, bạn phải là người thể hiện „trách nhiệm công dân“, tức là phải hành động đúng thời điểm, kể cả khi có thể mình bị lạc lõng cô đơn, khi bạn thấy những điều ngang ngược diễn ra, chống lại những nguyên tắc cơ bản nhất của chung sống hòa bình. Không để cho việc „tự xử“ có đất phát triển.
Lòng dũng cảm để thực hiện việc này sẽ tăng lên nếu bạn được luyện tập. Tất nhiên bạn không thể đòi hỏi người khác làm được việc này ngay, nếu họ thấy quá sức và nếu ép, người ta sẽ mất ý chí.


Trên đây là những điều tôi giới thiệu sơ lược về cách dạy làm người trong nhà trường phổ thông ở Đức. Các em rất quan tâm và bàn luận thật sôi nổi với tất cả tâm huyết. Đó chính là nhựa sống để nuôi dưỡng Zivilcourage – trách nhiệm công dân.

Trên TV Đức, tôi từng được xem một đoạn Video về một người phụ nữ bị đạp bất ngờ sau lưng, bắn xuống gần chục bậc thang ở một ga U – Bahn Berlin. Kẻ đạp chị thản nhiên hút thuốc, tay cầm chai bia bình tĩnh đi vô cảm, còn đồng bọn thì cũng đứng xem như xem một chiếc lá bị cuốn ngoài đường. Đó là những chuyện trước kia hầu như không có ở đất nước này.
Cách đây ít tháng, một người đàn ông ở bang Bayern cũng phải trả giá bằng mạng sống vì thực hiện „nghĩa vụ công dân“ cao cả, khi cản đám côn đồ bắt nạt một cô gái. Ông là một người khỏe mạnh nên sau khi chết, gia đình quyết định hiến 5 bộ phận của cơ thể để y học cứu sống thêm 5 bệnh nhân hiểm nghèo khác.

Thế rồi những vụ ở Köln, ở Bochum, ở Kiel mới xảy ra gần đây đã đánh động lương tâm xã hội. Các nhà khoa học đặt câu hỏi cho tất cả mọi người: Phải chăng xã hội chúng ta đã trở nên hung hãn hơn, ứng xử giữa người với người thô thiển hơn, hiếu chiến hơn?

Những vụ như thế này xảy ra ở Đức chưa lâu, nhưng chắc chắn tội phạm là những người mất hướng, mất niềm tin, sống gấp ích kỷ và bất chấp. Mặc dù người dân Đức vẫn còn đủ lòng kiên nhẫn và sự độ lượng, nhưng giới hạn không còn xa. Hệ giá trị mà họ đã xây dựng hàng mấy thế kỷ nay không thể để phó mặc. Bộ nội vụ vào cuộc và tôi hy vọng, những hiện tượng như thế này chỉ thể hiện nhất thời và không có đất phát triển.

Tôi cũng hiểu, họ tốt quá cũng rất dễ chết, nhưng không thể vô cảm như vậy mãi được.

Ở nước Đức này, nếu bạn đậu xe không đúng quy định, người dân nhìn qua cửa sổ và gọi ngay cho cảnh sát đến phạt. Hai người bạn uống rượu với nhau và sau đó một người đi ô tô về nhà, người kia cản không được là gọi cho cảnh sát báo anh kia uống rượu lái xe. Khi cảnh sát phát trên TV một người bắt cóc trẻ em mà Camera ghi được ở một siêu thị tại Potsdam để tìm sự hợp tác của người dân, người mẹ tội phạm đến báo ngay cảnh sát, đó chính là con mình.

Tôi không hề có ý định so sánh hai đất nước, nhưng việc bảo vệ sinh mạng công dân là một giá trị phổ quát của mỗi đất nước. Nhà nước chưa làm nổi thì công dân phải góp sức cùng làm. Tất cả ý kiến của các bạn đều rất quý góp phần trả lời câu hỏi: „Ta phải làm gì cụ thể đây, để cuộc sống an bình hơn, nhân bản hơn?“

Nguyễn Thế Tuyền

*Bài viết được đăng lại với sự đồng ý của tác giả.