Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người Hồi giáo ở Đức và nỗi lo hậu bầu cử

Ảnh minh họa: pixabay.com

Sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn mới vì nước Đức (AfD) trong cuộc tuyển cử mới đây làm dấy lên những lo lắng về các chính sách liên quan tới người tị nạn Hồi giáo. Hầu hết đều cảm thấy bất an khi nghĩ tới tương lai trước mắt, với khả năng bị trục xuất có thể xảy ra.

Theo kết quả bầu cử công bố hôm 25/9, Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel dẫn đầu với 32,5% số phiếu. Đứng thứ 2 là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Martin Schulz (20,8%) và về ba là Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), được 13%.

Với số phiếu bầu trên, AfD đã vượt qua mức 5% theo quy định để giành gần 90 ghế tại Quốc hội Liên bang Đức (Budestag). Đây là kết quả gây sốc đối với cử tri Đức, đặc biệt những người ủng hộ châu Âu và chính sách về người tị nạn của bà Angela Merkel. Thay vì tập trung phân tích nhưng chính sách mới của Đức, truyền thông nước này đã dành rất nhiều “diện tích” để mô tả về AfD và những hiệu từ việc đảng cực hữu này giành ghế trong Quốc hội. Nói như bình luận của một số nhà phân tích châu Âu, bà Merkel đã “thắng mà như thua”.

Được thành lập từ năm 2013, AfD ban đầu có chủ trương phản đối các gói cứu trợ của chính phủ cho những nước đang đầm đìa trong nợ nần, như Hy Lạp. Tuy nhiên dần dần, cùng với làn sóng người tị nạn vào châu Âu ngày một tăng, AfD đã chuyển hướng sang bài người nhập cư. Những người đứng đầu đảng này có quan điểm chống hoàn toàn chính sách nhập cư của bà Angela Merkel, đã giúp cho khoảng 1,5 triệu người, chủ yếu từ Syria, Iraq…được ở lại Đức từ năm 2015 đến nay. Tuyên ngôn vận động bầu cử của AfD là “Hồi giáo không thuộc về nước Đức”. AfD đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành để phản đối người nhập cư trong suốt thời gian vừa qua.

Theo DW, chiến thắng của AfD vì vậy đang tạo nên nguy cơ đối với người tị nạn Hồi giáo ở Đức, gồm việc khó khăn hơn trong xin quy chế tị nạn, cũng như sẽ có thêm nhiều người bị trục xuất.

Kabir Usmani, đến từ Afghanistan và đã xin tị nạn tại thành phố Frankfurt của Đức cho biết, đã mất ngủ cả đêm sau khi nghe thông báo về kết quả bầu cử. “Tôi rời Afghanistan vì lo lắng cho cuộc sống của mình, nhưng ở đây tôi vẫn chưa hết phải sợ hãi. Tôi sợ chính phủ (Đức) sẽ trục xuất tôi trở lại Afghanistan”-Kabir nói. Đơn xin tị nạn của Usmani đã bị giới chức Đức từ chối, cho dù Usmani đã ở Đức được 3 năm.

Theo DW, dù bị mất khoảng 8% phiếu bầu so với cuộc bầu cử năm 2013, bà Angela Merkel vẫn rất dũng cảm khi tiếp tục bảo vệ chính sách về người  nhập cư, khi cho rằng quyết định mở cửa đối với người tị nạn, phần lớn từ Iraq, Syria và Iran trong năm 2015 là đúng. Tuy nhiên, chính sách của bà Merkel đối diện với mối nghi ngơ ngay từ chính các thành viên trong đảng. Cùng với sự xuất hiện của AfD trong Quốc hội, các quyết sách của bà Merkel liên quan đến người tị nạn trong tương lai sẽ khó khăn hơn. Thậm chí, không loại trừ khả năng Đức sẽ phải siết chặt hơn quy chế dành cho người tị nạn.

“Tôi rất lo lắng với tương lai của mình. Để được sự ủng hộ từ các đảng cánh hữu, các đảng chính trị Đức có thể sẽ phải siết chặt quy định với chúng tôi”-Wafa Khan Wafa, một người Afghanistan khác đang ở gần Cologne nói.

Theo một chuyên gia giấu tên thuộc viện nghiên cứu ở Bonn (Đức), một số chính sách đối với người nước ngoài ở Đức có thể thay đổi do kết quả bầu cử vừa qua. Nhưng điều này là bình thường, như việc Mỹ có những thay đổi nhất định sau khi ông Donald Trump đắc cử. “Cho tới khi bà Merkel và các chính trị gia dân chủ vẫn đang nắm quyền quyết định, thì hệ thống (giá trị dân chủ) vẫn được bảo vệ. Nhưng vấn đề rất quan trọng đối với người tị nạn, là họ cần thích ứng với các giá trị văn hoá Đức, như vậy họ sẽ dễ được chấp nhận hơn ở cộng đồng mới”-chuyên gia trên cho biết.

An Quốc (Theo DW, Reuters)
Nguồn: nongnghiep.vn