Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người Việt chuộng hàng hiệu thứ 3 thế giới, xu hướng có tạo thành đẳng cấp?

Ảnh: Trung Hiếu

Hãng tin CNBC cho biết, trong cuộc thăm dò của Nielsen thực hiện tại 58 quốc gia, Việt Nam có tỷ lệ người tiêu dùng chuộng hàng hiệu cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Xài hàng hiệu: xu hướng đang trở thành tự nhiên

Việc người Việt Nam đang khao khát sở hữu các mặt hàng xa xỉ không phải là điều đáng ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều mối liên hệ với các nước phương Tây đang ngày càng phát triển.

Thực tế, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam có nhiều yếu tố khiến việc mong muốn sở hữu các sản phẩm xa xỉ tăng lên. Các yếu tố có thể kể đến bao gồm tỉ lệ tăng trưởng GDP ấn tượng, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập và mức sống ngày càng tăng một cách đáng kể…

Thích dùng hàng hiệu cũng là một tâm lý khá tự nhiên, tuy nhiên, có lẽ nhiều người đang xem trọng việc sở hữu hàng hiệu một cách quá mức. Dù sở hữu chúng có thể xem là chuyện rất phấn khởi, nhưng việc đó không nên được đặt lên hàng đầu trên những chuyện khác như tiết kiệm cho tương lai, tích lũy vốn sống, phát triển bản thân…

Khảo sát của Hãng Nielson cho thấy: 56% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho sản phẩm hàng hiệu hơn là những nhãn hàng ít nổi tiếng dù chức năng như nhau. Điều này cho thấy rằng, khi khao khát có được các sản phẩm hàng hiệu, người ta dễ dàng bỏ qua thực tế rằng đó có thể không phải là cách tốt nhất để tiêu tiền.

56% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm hàng hiệu

Ở các nước phương Tây, mọi người thường sẽ cân nhắc nhiều khi mua một sản phẩm hàng hiệu, trong khi ở Việt Nam việc này lại có ý nghĩa thể hiện địa vị và đẳng cấp. Họ thường mua hàng hiệu với tâm lý chứng tỏ mình giàu có và muốn gây ấn tượng với mọi người.

Ảnh: Trung Hiếu

Tiền nào của đó, nhưng đừng làm quá

Nhiều người thích mặc quần áo tốt và thường mua những món có thương hiệu chất lượng để sử dụng lâu bền. Họ mua những đôi giày giá lên đến 500 USD nhưng có thể sử dụng hàng chục năm mà vẫn trông như mới, tiền nào của đó, giá trị sử dụng cũng quan trọng không kém giá tiền.

Hầu hết người phương Tây có thu nhập trung bình chỉ chuộng hàng hiệu một lúc nào đó vào dịp đặc biệt. Họ không quá lãng phí tiền bạc vào các món hàng hiệu, mà muốn để dành tiền cho những dịp tốn kém kiểu khác như đi nghỉ dưỡng 1-2 lần/ năm.

Mặc dù xét trên khía cạnh nào đó, sở thích hàng hiệu là biểu hiện của ý thức vươn lên, muốn thể hiện bản thân của con người và là tâm lý hết sức tự nhiên, tuy nhiên, với một số người, khao khát được thể hiện mình bằng hàng hiệu là làm quá. Ví dụ, đối với sinh viên, họ không nên bắt cha mẹ sắm sửa cho mình cái điện thoại đời mới nhất hay bộ quần áo thời thượng mắc tiền, khi mà cha mẹ đã đủ gánh nặng vì học phí của họ rồi.

Nhưng điều đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh có tiền lại sẵn lòng để con cái mình “tỏa sáng” với quần áo mắc tiền và thiết bị hiện đại để chúng có được cảm giác giàu sang, thay vì dạy chúng tiết kiệm đến khi có thể tự mình mua được.

Nên quan tâm ít hơn đến bề ngoài

Nhiều ý kiến cho rằng hàng hiệu không giúp quyết định vị trí trong xã hội của chúng ta. Giá trị của một người dựa vào nhiều thứ quan trọng hơn vật chất, ví dụ như cách họ hành xử, đối xử với người khác. Chúng ta nên đánh giá về giá trị một con người dựa trên nhân cách của họ hơn là thứ họ mặc hoặc sở hữu.

Tại một số quốc gia, những người thường sử dụng hàng hiệu là người nổi tiếng, người giàu có hoặc bất cứ ai có đủ tiền mua. Hàng hiệu thường được xem là thước đo về đẳng cấp, vì vậy khiến nhiều người bị “áp lực” và luôn phải tìm cách sở hữu những món đồ này. Có rất nhiều người dù không giàu, nhưng lại sống rất tiết kiệm để dành tiền mua hàng hiệu chỉ vì muốn được người khác ngưỡng mộ hoặc tin là họ giàu có.

Nguyên nhân là vì rất nhiều người nghĩ rằng giá trị của họ chỉ phụ thuộc vào thứ đồ họ sở hữu hoặc vẻ ngoài của mình. Đôi khi họ không chịu chấp nhận bản thân và cố theo đuổi một thứ gì đó xa xỉ để cảm thấy tự tin. Họ quá quan trọng ngoại hình và luôn phải cố gắng tỏ ra “sang chảnh”. Họ sợ người khác đánh giá về đẳng cấp, sự giàu nghèo hay khinh thường mình.

Bên cạnh đó, truyền thông cũng có ảnh hưởng rất lớn trong việc tạo nên cách nghĩ này. Có rất nhiều quảng cáo được xây dựng để khiến bạn nghĩ rằng sử dụng một sản phẩm nào đó sẽ giúp thay đổi ngoại hình hoặc vị thế. Tuy nhiên, đó chỉ là những chiêu trò marketing vì mục tiêu lợi nhuận (vụ bê bối của thương hiệu tơ lụa cao cấp Khaisilk là một ví dụ), bạn cần hiểu rằng điều này rất không thực tế và cần được loại bỏ.

Đẳng cấp đến từ bên trong

Thời trang là thế giới rộng lớn và bất tận. Nếu cứ cố gắng bỏ tiền ra mua hàng hiệu chỉ để hợp thời, hợp mốt, bạn sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn.

Paris là một trong những kinh đô thời trang của thế giới, tuy nhiên, người Pháp ăn mặc vẫn rất đơn giản chứ không quá phụ thuộc vào việc bắt kịp với xu hướng. Họ yêu thích sự thoải mái hơn là quan tâm đến giá cả một món đồ vì họ hiểu rằng giá trị của bản thân không phải do vật chất quyết định.

Có một bộ phận người Việt Nam ăn mặc khá cầu kỳ nhưng không tinh tế và thiếu thẩm mỹ. Có những người đi vào quán ăn bình thường nhưng lại diện son phấn, váy, giày như thể đi dự tiệc. Trong khi đó, đến một buổi lễ trang trọng lại mặc áo thun, quần jean.

Nét đẹp và đẳng cấp đến từ văn hóa và thần thái của chính bạn chứ không phải vì bạn mang trên mình một món hàng hiệu. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người vẫn cảm thấy xài đồ đắt tiền, đặc biệt là hàng hiệu, là “biểu tượng” của sự giàu có.

Thiết nghĩ, trước khi quan tâm đến đẳng cấp, mỗi người nên tự xây dựng “thương hiệu” cho bản thân. Bởi vì, cho dù xài hàng hiệu đắt đến mấy nhưng hành xử thô lỗ, thiếu chuẩn mực thì bạn cũng không thể có được sự tôn trọng từ người khác.

Theo Hiểu Minh / dkn.tv