Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người Việt tiễn biệt cha đẻ tầu Cap Anamur

Ảnh: Bùi Hồng

TBVĐ- Trung tuần tháng 06.2016, hàng ngàn người Việt khắp nước Đức tới thánh đường St. Aposteln tại Köln, dự lễ tưởng niệm Tiến sĩ Rupert Neudeck, cha đẻ tầu Cap Ananmur, từ trần ngày 31.05.2016 tại bệnh viện, sau ca phẫu thuật tim lần thứ 3, hưởng thọ 77 tuổi.

Từ một cậu bé chạy tị nạn

Sinh ngày 14.5.1939 ở Danzig-Langfuhr nay thuộc Ba Lan, năm 1945, lúc lên 6 tuổi, Rupert Neudeck theo mẹ, chị và 2 em trai chạy nạn tới tại Hagen, Đức, sinh sống. Năm 1958, tốt nghiệp trung học, ông vào Đại học ngôn ngữ và văn hóa Đức. Năm 1961, ông gia nhập Dòng Tên (SJ.), nhưng ít năm sau ông ra khỏi Dòng và tiếp tục học đại học Münster. Năm 1970 ông thành hôn với bà Christel Neudeck, cư trú tại thành phố Troisdorf sinh được 2 gái, một trai. Năm 1972, ông bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại đại học Münster. Rồi làm phóng viên cho Đài phát thanh Công giáo Köln. Năm 1976 làm nhà báo tự do. Năm 1977, làm biên tập viên chính trị cho đài phát thanh Deutschlandfunk.

Rupert Neudeck làm nên lịch sử Cap Anamur

Lịch sử tầu Cap Anamur (có nghĩa lộng gió, lấy từ tên một mũi đất bờ Nam Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra Địa Trung Hải) khởi đầu năm 1979, lúc thảm nạn thuyền nhân ở Biển Đông chấn động thế giới lên đỉnh điểm. Tháng 4.1979, từ Pháp trở về, thấu hiểu tính mạng mong manh của người chạy nạn mình từng trải, cảm kích phong trào nhân đạo ở Pháp cứu vớt người vượt biển, Rupert Neudeck cùng vợ, và Heinrich Böll thoạt đầu thành lập tổ chức dân sự Ủy ban Một con tàu cho Việt Nam để quyên tiền cho dự án của Pháp. Tiếp đó, thêm nhà văn Martin Walser, dân biểu Quốc hội Norbert Blüm, chuyển sang thành lập hội Ein Schiff für Vietnam, một dự án hoàn toàn Đức, tiền thân của tổ chức dân sự Komitee Cap Anamur / Deutsche Notarzte e. V – Ủy ban Cap Anamur / Bác sỹ cấp cứu Đức thành lập sau này vào năm 1982.

Thành công bất ngờ. Vào một ngày Neudeck vào phòng thu hình của kš giả Franz Alt, nay là giám đốc đài   truyền hình Baden-Baden, chỉ vào hình ảnh những con thuyền tị nạn lênh đênh bất định giữa biển khơi hỏi Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi nhìn thảm cảnh như vậy mỗi ngày?. Ông Alt trả lời: Tôi có thể làm được gì? Tôi chỉ là người làm công việc truyền thông. Neudeck tuyên bố, Tôi sẽ cầm cố căn nhà chúng tôi đang ở…. Cảm  kích,  ông Alt  quyết  định chớp nhoáng, dành cho Neudeck 2 phút kêu gọi nhân dân Đức quyên góp cho dự án Ein Schiff für Vietnam.

Trời không phụ lòng người, chỉ 3 ngày sau, số tiền quyên góp lên tới 1,3 triệu Đức mã. Ủy ban Cap Anamur lập tức cho mua sửa đổi một con tàu đang nằm ụ ở cảng Kobe Nhật thành một bệnh viện cứu thương di động, quốc tịch Đức, dài 108 mét, rộng 17 mét. Còn chính phủ Liên bang và các tiểu bang cam kết đón nhận vô điều kiện tất cả thuyền nhân.

Ngày 9.8.1979, tầu Cap Anamur I nhổ neo rời hải cảng Kobe Nhật trực chỉ Biển Đông tìm vớt thuyền nhân Việt Nam, trở thành ngày sinh nhật Cap Anamur, cột mốc trong sự nghiệp nhân đạo cao cả của Neudeck. Từ tháng 2.1980 – 5.1982, tàu Cap Anamur I, với 29 chuyến hải hành, mỗi chuyến kéo dài từ 2 đến 3 tuần lễ, cứu được 9.507 thuyền nhân Việt Nam từ 191 ghe ngoài biển Đông, và 225 thuyền nhân do 3 tàu hàng khác cứu vớt chuyển qua. Nhưng nan giải bất ngờ ập đến, khi chính quyền Đức thay đổi chính sách, từ chối nhận tiếp người tỵ nạn. Ngày 25. 6.1982 tàu Cap Anamur I bị buộc ngừng hoạt động trở về cảng Hamburg, mang theo 287 thuyền nhân Việt Nam.

Không nản, tới 3.3.1986, Ủy ban Cap Anamur cho ra đời tầu Cap Anamur II, từ tháng 3-6.1986 cứu vớt được 888 thuyền nhân Việt Nam trên 18 chiếc ghe. Lần cuối, vẫn do chính quyền Đức từ chối tiếp nhận tỵ nạn, tầu Cap Anamur II phải trở về cảng Hamburg, mang theo 357 thuyền nhân Việt Nam, có 2 phụ nữ mang thai, 93 trẻ em, bé nhất mới 2 tháng tuổi.

Kiên trì và chuyển hướng, tháng 4.1987, tầu Cap Anamur III, tránh Đức, cho mang quốc tịch Pháp, do Ủy Ban Cap Anamur và tổ chức Medicins Du Monde mỗi bên chịu một nửa tốn phí, từ Tân Gia Ba chạy thẳng ra biển Đông. Tới tháng 6.1987,  Cap Anamur III cứu được 905 thuyền nhân Việt Nam từ 14 ghe. Nhưng rồi, cũng như ở Đức, tàu Cap Anamur III phải ngừng hoạt động, chuyến cuối cùng cập cảng Rouen, Pháp, ngày 22.7.1987, với 229 thuyền nhân Việt Nam. Trước tình hình các quốc gia phương Tây từ chối nhận thuyền nhân và nạn hải tặc gia tăng tàn bạo, chừng 80% bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết chết, Ủy Ban Cap Anamur lập tức phát động chiến dịch nhân đạo mới bảo vệ họ, gửi khẩn cấp 2 tàu Cap Anamur IV và V ra biển Đông cứu vớt. Tầu Cap Anamur IV mang quốc tịch Monaco, tầu Cap Anamur V quốc tịch Đan Mạch, cứu vớt được hàng trăm  thuyền nhân Việt Nam.

Tổng cộng 10 năm, Cap Anamur đã chăm sóc y tế được 35.000 người, cứu được đưa vào trại tỵ nạn, đạt con số kỷ lục nhân đạo thế giới xưa nay. Cap Anamur trở thành biểu tượng của tình người, một dấu chỉ của lòng ước ao xóa bỏ những bất công trên thế giới này và không bỏ rơi những con người bất hạnh nhất trong những người xấu số.

Chương trình cứu vớt Thuyền Nhân Việt Nam của Cap Anamur chấm dứt, nhưng sự nghiệp nhân đạo của Ủy ban Cap Anamur vẫn tiếp tục đến ngày nay, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh và thiên tai tại Philippines, Kenia, Syrien, Ruanda, Kongo… Neudeck vẫn hoạt động không mệt mỏi, sáng lập thêm một hội thiện nguyện khác mang tên Grünhelme – Mũ Xanh, Cả 2 hội hiện đang hoạt động cứu trợ nhân đạo tại 60 quốc gia trên thế giới.

Rupert Neudeck được bầu chọn vào danh sách Unsere Besten

Ông được trao nhiều giải thưởng, huân chương cao quý – một phần cùng với vợ, bà Christel: Huân chương Hiệp sĩ của Cộng hòa Somalia 1978; Huy chương công dân anh dũng Theodor-Heuss 1985; Giải Nhân quyền – Bruno-Kreisky 1991; Giải Erich-Kảstner của Dresden 1998; Giải Frankfurter Walter-Dirks-Preis của Frankfurt 1999; Giải Marion Dönhoff Preis 2003; Tiến sĩ danh dự Đại học Münster 2005; Giải Xã hội châu Âu 2006; Steiger Award 2007; Huân chương công trạng tiểu bang Nordrhein-Westfale 2007; Tiến sĩ danh dự Đại học Prizren Kosovo 2011; Bắc Đẩu Bội tinh hạng Chavalier 2012. Gần nhất, tháng 4.2016, cựu nghị sĩ hạ viện Wolfgang Thierse vinh danh ông bà Neudeck 40 năm dấn thân cho người tị nạn.

Tang lễ được tổ chức đơn sơ theo ý nguyện

Được tổ chức ngày 8.6.2016, tang lễ cử hành tại Troisdorf rất đơn sơ trong vòng gia tộc thể theo ý nguyện của người quá cố, không hoa, không nến, không kèn, không trống, và được con cái, người thân đưa quan tài ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trước mộ ông, hiện chỉ vỏn vẹn một cây Thánh giá và vài ba cây cỏ dại như ông muốn.

Lễ tưởng niệm chan hoà nước mắt

Được tổ chức ngày 14.6.2016, do Đức Hồng Y Woelki đứng chủ lễ, cùng 12 linh mục gốc Việt. Một bức hình ông thật lớn để trên Cung Thánh cùng một bó hoa của nhà thờ. Buổi lễ tưởng niệm chan hòa nước mắt chật cứng người Đức và người Việt tham dự, những thiện nguyện viên, bác sĩ, y tá từng làm việc trên tàu, cả những người nổi tiếng không được chính thức mời, như cựu thủ hiến tiểu bang, cựu phó thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội, chủ tịch các đảng phái. Bao người Việt sau khi làm lễ, tới trước chân dung ông Neudeck, xếp hàng lần lượt lạy tạ, sụt sùi nước mắt. Nhiều người theo tập quán Việt, đưa phúng viếng phong bì, bà Neudeck đều từ chối và xin chuyển cho hai hội thiện nguyện của chồng.

Hồng Y Woelki phát biểu, sự ra đi của Neudeck chỉ là một sự tạm dừng vì sứ mạng của ông dường như vô tận không bao giờ chấm dứt. Hai hội thiện nguyện của ông vẫn còn đó. Tầu Cap Anamur gắn liền với sự nghiệp nhân đạo của ông, trở thành huyền thoại trong lịch sử nước Đức.

Thanh Lương (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!