Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nhìn lịch sử nước Đức từ bàn ăn một gia đình

Eugen Ruge sinh năm 1954 tại Nga trong một gia đình có cha người Đông Đức, mẹ người Nga. Không chỉ thừa kế di sản ký ức từ người cha vốn là một nhà sử học tiếng tăm, bản thân ông đã chứng kiến sự đổ vỡ và thống nhất của nước Đức giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20.

Thời nắng lịm, tác phẩm đầu tay với nhiều yếu tố tự thuật ra mắt năm 2011, lập tức khiến đông đảo độc giả và giới phê bình chú ý bởi khả năng của Ruge trong việc lưu trữ những tiếng nói lịch sử qua tự sự một gia đình.

Hay nói như Orhan Pamuk, tương tự việc bảo tàng lưu giữ những món đồ cổ, sức mạnh tiểu thuyết nằm ở việc chúng cho phép ta lưu cất những sắc thái, giai điệu của ngôn ngữ, những diễn đạt nghĩ suy thường ngày như bước nhảy ngẫu nhiên của tâm trí con người.

Kết cấu tiểu thuyết được xây dựng dựa trên nhãn quan của bảy nhân vật chính, bốn thế hệ trong một gia đình Đông Đức đã chứng kiến những biến cố trước và sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, với ba mạch truyện đan xen nhau.

Mạch truyện thứ nhất mở đầu bằng dấu mốc 2001 nơi diễn ra cuộc gặp giữa Alexander và người cha đánh mất tiếng nói. Mạch truyện thứ hai xoay quanh bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 90 của cụ Wilhelm vào ngày 1-10-1989, không lâu trước sự kiện bức tường.

Mạch truyện thứ ba rải rác các mốc thời gian theo trật tự tuyến tính từ năm 1952 đến năm 1995, ghi nhận quá trình trưởng thành của các nhân vật, một sự chuyển tiếp thế hệ.

Chuyển dịch giữa Mexico – Berlin và đặt bối cảnh trung tâm tại thị trấn Neuendorf, 500 trang tiểu thuyết mô tả những cuộc trốn chạy xuyên suốt 60 năm của các thành viên, nổi bật là màn tháo chạy của Alexander – thế hệ thứ ba.

Ám ảnh về quá khứ như một hố sâu, cộng thêm khối u hiểm nghèo, cuộc trốn chạy khỏi Đông Đức chính là cách anh chữa lành ung nhọt quá khứ, cũng như khối giấy vụn sử liệu mà người cha để lại.

Chạy để sống, anh nghĩ bụng, chạy để rũ hết bệnh tật, chạy đến lúc không còn lại cái gì của anh sất, ngoại trừ cái lõi, cái bản chất của anh, chạy đến lúc giữa da và gân không còn dư chỗ nào cho thứ mô độc địa nọ (tr.113).

Trong thời gian ở trại cải tạo, ông Kurt, cha của Alexander từng xem quyển sách của Krikhatzky là bằng chứng cuối cùng rằng đâu đó ngoài kia vẫn còn một thế giới khác.

Như một liệu pháp duy nhất, cuộc trốn chạy của các nhân vật không dừng lại ở sự tẩu thoát mà còn là cách họ tìm kiếm niềm tin để tồn tại.

Song song với sự trốn chạy, Eugen Ruge mô tả những cuộc dạo bộ như một giải pháp cho phép nhân vật hồi nhớ lịch sử đời mình. Giằng co giữa xê dịch và đứng yên, khi đối diện với lịch sử và sự quên, họ gục ngã trong niềm thất vọng khi bị cuộc đời xóa sạch mọi dấu vết, từ giọng nói, hình ảnh cho đến danh tính.

Xin hãy xem cuốn sách này như một mẩu cuộc đời: Hãy đánh giá nó! Đừng e ngại bày tỏ quan điểm của mình! Đừng ngại phán xét, thậm chí lên án các nhân vật – và, nếu cần, cũng đừng ngại ngần thay đổi các đánh giá đã có! Các bạn hãy đánh giá phát ngôn chính trị của họ, các hành vi, đạo đức của họ! Hãy đánh giá đất nước mà họ sống, các lý tưởng mà họ theo! Duy có một điều, tôi xin các bạn: Hãy rộng lòng thông cảm họ! Hãy thử thấu hiểu người khác. Bởi chính đó là điều phân biệt chúng ta với thú vật. (Eugen Ruge, Lời nói đầu Thời nắng lịm, 2013)

 

 

 

Bìa sách “Thời nắng lịm”. Nguồn: Nhà sách Nhã Nam

Trong Thời nắng lịm (*), Eugen Ruge tiến hành thâu tóm lịch sử nước Đức bằng việc miêu tả cận cảnh bàn ăn một gia đình. Lịch sử gia đình Alexander xoay quanh hai bàn ăn, được miêu tả bởi cái nhìn của bảy nhân vật, đã phơi bày trước ánh sáng mọi đối kháng, hằn học và những cuộc vùng dậy trong tư tưởng.

Tiếng nói của bảy con người xen lẫn nhau và bày ra một bàn cờ lịch sử bất phân thắng bại. Bốn thế hệ bám vào những câu chuyện về lý tưởng sống và quan điểm chính trị như một chất keo tương tác.

Cả bảy người đều muốn tìm kiếm quyền lực của tiếng nói cá nhân. Ở một gia đình nơi phụ nữ phô bày quyền lực trong căn bếp, đàn ông tỏ rõ uy quyền trên bàn giấy, không một ai đủ kiên nhẫn cảm thông cho kẻ khác.

Giọng nói của thế hệ trước bị gạch xóa bởi thế hệ sau, lý tưởng của một gia đình phai tàn qua các thế hệ đến khi lịm hẳn.

Mô tả sự kiện bằng cách luân phiên các giọng nói, với những câu văn ngắn, gọn, cùng giọng văn dửng dưng, hài hước Ruge phát huy lợi thế của một nhà biên kịch trong việc tạo nên nhịp điệu chặt chẽ, linh hoạt cho cấu trúc rất phức tạp.

Với cuốn tiểu thuyết đa dạng điểm nhìn này, không chỉ mỗi nhân vật đều có điểm mù, mà ngay cả người kể chuyện cũng không có điểm nhìn toàn tri. Những sự kiện tâm trạng liên tục ở trong trạng thái, khuyết trống với nhân vật này và được lấp đầy ở nhân vật khác.

Cuốn tiểu thuyết khiến chúng ta nhận thấy cả những gắn kết máu mủ lẫn sự đứt gãy liên tục của tương tác quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình.

Mỗi thế hệ trưởng thành và chết đi dường như chỉ co cụm trong thế giới của chính họ, cô độc ngay khi hiện diện bên rất nhiều người thân. Và đó cũng chính là hình dung về một nước Đức bấy giờ, với những con người đổ vỡ niềm tin ở tất cả.

“Giáo hoàng văn học Đức” Marcel Reich-Ranicki từng viết trong tự truyện của mình, văn học là cảm giác tồn tại của tôi. Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay này, Eugen Ruge dường như muốn minh chứng rằng, chỉ văn học mới có khả năng lưu giữ tiếng nói con người, hay cảm giác về sự tồn tại cá nhân mà những biên niên sử sẽ nhấn chìm.

Theo Quang Hà/ Tuổi trẻ Online