Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những vụ bắt cóc người nước ngoài gây “ồn ào” tại Đức thời kỳ Chiến Tranh Lạnh

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, từ khi thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) năm 1949 đến giữa thập niên 60, đã có khoảng 400 người bị bắt cóc ngay trên địa phận nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Bà Susanne Muhle thuộc Viện Stiftung Berliner Mauer cho biết trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, từ khi thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) năm 1949 đến giữa thập niên 60, đã có khoảng 400 người bị bắt cóc ngay trên địa phận nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Điển hình là vụ Karl Wilhelm Fricke, một nhà báo người Đức, đã chạy trốn từ DDR sang Tây Đức vào năm 1949. Bài viết và tin tức của ông ngay từ đầu đã đi sâu vào đề tài chính trị Đông Đức. Ông trở thành “cái gai” trong mắt những mật thám Stasi bởi những bài lật tẩy chính phủ SED. Ông bị bắt đi vào ngày 1-4-1955, sau khi bị chính người quen lừa ông uống thuốc mê trong một căn hộ ở Berlin.

Ông bị đưa về Đông Berlin và bị bắt giam. Bộ Stasi cáo buộc Fricke đã trao đổi thông tin với một mật thám khác được gài trong Bộ Nội Vụ DDR. Ông Fricke không nhận tội. Trong một phiên xử ngầm năm 1956, ông bị cáo buộc đã tham gia tuyên truyền, xúi giục tẩy chay và nói xấu DDR, xử phạt 4 năm tù giam tại Brandenburg và Bautzen. Sau khi mãn hạn tù, ông vẫn tiếp tục nghề làm báo.

Một trường hợp khác là luật gia Walter Linse sống tại Tây Berlin đầu thập niên 1950. Ông từng điều tra những vụ sung quỹ nhà nước bất hợp pháp của DDR và trở thành “điểm ngắm” của Stasi. Vào ngày 8-6-1952, ông Linse bị bốn côn đồ lạ mặt lôi kéo lên một xe ôtô ngay trên đường phố thuộc khu vực đóng quân của Mỹ tại Berlin. Bọn chúng đã nổ súng bắn vào chân ông Linse để ông không thể kháng cự, sau đó đưa ông sang khu vực của Liên Xô đóng quân (DDR).

Vụ việc khiến dân Tây Đức vô cùng phần nộ, họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của nhiều chính trị gia nổi tiếng như Willy Brandt và Ernst Reuter. Dù vậy, kết quả họ đạt được đã không như mong đợi. Ông Linse bị đưa sang Liên Xô (cũ), bị kết án tử hình vào ngày 23-9-1953 và xử tử. Vào năm 2007, nhiều hồ sơ mật đã được công khai, trong đó có thông tin rằng, ông Linse đã từng tham gia những vụ sung quỹ các doanh nghiệp của người Do Thái.

Nhà soạn nhạc Isang Yun, người sống từ những năm 1950 tại Đức, cũng rơi vào một tình trạng tương tự. Đột nhiên vào sáng ngày 17-6-1967, ông nhận được cú điện thoại gọi đến nhà riêng tại Berlin Spandau. Người gọi cũng là người Hàn Quốc, đã yêu cầu ông phải đến trung tâm thành phố ngay. Yun đã bị bắt giữ và đưa về trại giam tại Seoul, cùng với ông còn có 16 người Triều Tiên khác bị mật thám Hàn Quốc bắt cóc. Lý do: Họ là gián điệp của Triều Tiên và đang chuẩn bị lật đổ Hàn Quốc.

Yun bị cáo buộc tội phản bội tổ quốc và xử phạt tù chung thân. Vụ việc dấy lên làn sóng tranh cãi chính trị gay gắt tại Đức. Các nhà ngoại giao HQ bị trục xuất khỏi Đức, sau đó, Đức cũng quyết định ngừng các khoản trợ cấp kinh tế. Các vụ biểu tình phản đối quốc tế đã giúp sức, buộc Hàn Quốc phải thả Yun vào năm 1969. Ông quay về sống tại Berlin và được chấp nhận vào quốc tịch Đức năm 1971.

Cẩm Chi

 

 

Nguồn:

https://www.google.de/amp/www.zeit.de/amp/politik/ausland/2017-08/trinh-xuan-thanh-geschaeftsmann-entfuehrung-generalbundesanwalt-berlin

http://www.sueddeutsche.de/politik/geheimdienste-agenten-die-in-deutschland-menschen-verschleppen-1.3615292