Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nỗi oan „Thị kính“: Tiếng Đức ú ớ và 2 lọ kem

Ảnh minh họa: https://pixabay.com

TBVĐ- Cô bán hàng hét toáng lên, đòi dừng lại Stop, xông tới lôi từ dưới xe lên 2 lọ kem, bảo chưa tính tiền. Ông Ng mặt thần ra chẳng hiểu mô tê gì, tiếng Đức cũng chẳng đủ để hỏi. Lập tức bảo vệ tới mời ông ra bàn sẵn cạnh đó làm việc.

Ngày 15.7.2015, ông Ng. nhận được giấy mời Vorladung của cảnh sát khu vực: „Chiểu theo Điều §242 Luật StGB, ngài bị cáo buộc vi phạm luật pháp, tội ăn cắp ngày 11.07.2015  tại siêu thị tạp hóa Drogerie X, ở Y. Đề nghị ngài có mặt tại đồn cảnh sát Z lúc 10 giờ ngày 24.07.2015, mang theo giấy này. Chúng tôi sẽ thẩm vấn và nghe ngài trình bày đối với cáo buộc trên. Khi đi mang theo giấy tờ tùy thân. Nếu không thể đến được, đề nghị ngài báo kịp thời cho chúng tôi. Nếu ngài đang ở nơi khác, xin thông báo cho chúng tôi biết. Nếu tới lịch trên ngài không có mặt, cũng không báo lại kịp thời, chúng tôi coi như ngài không muốn giải trình. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai công việc không có ý kiến ngài“.

Ngoài phong bì đề người gửi Cảnh sát khu vực Polizeirevier, ông Ng. thấy là lạ, bụng nghĩ, mình có tội tình gì liên quan đâu mà gửi đến. Mở phong bì thấy một tờ giấy vẻn vẹn mấy dòng chữ trên, lại không biết tiếng Đức, chẳng hiểu mô tê gì, không thèm bận tâm, ông Ng ném luôn vào đống giấy loại như bao quảng cáo lọt vào thùng thư ông.

Tới ngày 20.07.2015, ông nhận được bức thư của siêu thị X gửi tới đòi tiền Zahlungsaufforderung, số 4431381. Nội dung: Ngày 11.07.2015, tại siêu thị X chúng tôi ở Y, ngài bị bắt quả tang tội ăn cắp. Đối với tội này, chúng tôi đã niêm yết ngoài cửa, ai phát hiện được sẽ thưởng. Tính theo trị giá hàng ngài ăn cắp, mức tiền thưởng đó là 25 Euro. Cách tính này dưạ theo án lệ AZ VI ZR 254/77. Yêu cầu ngài  chậm  nhất  tới  ngày 30.07.2015 chuyển số tiền trên vào tài khoản siêu thị chúng tôi…. Tương tự như lần nhận được thư cảnh sát, ông Ng thấy tên người gửi đề siêu thị X thì coi luôn đó chỉ là quảng cáo, dù con số 25 Euro in đậm nằm riêng 1 hàng giữa tờ giấy, cũng chẳng làm ông mảy may suy nghĩ.

Đến lịch hẹn 24.07.2015, cảnh sát khu vực không thấy ông Ng tới, lập tức viết lệnh điều tra gửi ông: „Ngài bị tố cáo, ngày 11.07.2015, lúc 08 giờ 55 tại siêu thị X đã lấy một lượng hàng trị giá 18,50 Euro, không trả tiền. Hành vi này thuộc tội trộm cắp Diebstahl chiểu theo Điều §242,  đoạn 1, Luật  StGB.  Theo Điều §163a Luật StPO, ngài được cơ hội cho ý kiến đối với cáo buộc trên. Ngoài ra, ngài có thể đệ đơn xin nộp tiền để đình chỉ vụ điều tra. Nếu sau 2 tuần, ngài không trả lời theo mẫu đơn kèm theo, chúng tôi coi như ngài từ chối đệ đơn cũng như cho ý kiến“.

Lệnh điều tra cũng giải thích rõ: „Trong vòng 5 năm qua ngài chưa có tiền án tội này, cũng chưa có tiền sự được đình chỉ điều tra (quy định tại Điều „153, 153a, Luật StPO), nên với lần đầu này, ngài được đình chỉ điều tra, nếu ngài điền theo mẫu đơn đính kèm theo, ký tên gửi lại trước ngày 11.08.2015, với điều kiện ngài phải nộp 38 Euro tại đồn cảnh sát, hoặc chuyển khoản vào Qũy Sở Tư pháp, trước ngày trên“. Ông Ng nhìn 2 tờ giấy đúp đầy tiếng Đức, xoay ngang, xoay dọc thấy mấy con số ngờ ngợ, nhưng rồi cũng như lần nhận thư cảnh sát trước ném luôn vào đống giấy loại.

Bẵng đi một tuần, đến ngày 04.08, ông Ng lại nhận được bức thư thứ 2 từ siêu thị X. Lần này, dòng tít ghi to đùng chữ Mahnung ít nhiều ông quen nên chột dạ. Sau đoạn 4 dòng mở đầu một văn bản mẫu Mahnung, là dòng số hóa đơn, ngày viết hóa đơn, hạn trả và tổng số tiền 25 Euro, toàn bằng con số nên ông biết chắc dính tới tiền bạc. Nhìn kỹ tên siêu thị đòi tiền, ông mới giật mình nhớ tới vụ việc gần tháng trước đó, khi ông tới mua sắm. Làm nghề bồi bếp, đầu tắt mặt tối, ít giao du, chẳng biết tin ai để chia sẻ, ngại bị hiểu nhầm, lần chần mãi tận cuối tháng trước, ông Ng mới mang hồ sơ tìm đến văn phòng tư vấn. Tới lúc này thì mọi lịch hẹn đều quá hạn, từ trả tiền siêu thị X tới đệ đơn đồn cảnh sát, chuyển tiền phải nộp…

Tưởng thế là xong

Ngày 11.07.2015, như thường lệ, ông Ng dậy sớm, lo cơm nước cho con cái đi học xong, tất tả tới siêu thị X mua sắm vặt vãnh những đồ dùng trong nhà cả tuần bận bồi bếp không có thời gian. Đẩy xe mua hàng vào quầy, nhặt nhạnh đủ thứ vặt vãnh từ giấy vệ sinh, nước tắm, đến xà phòng giặt, kem dưỡng da, đầy gần nửa xe. Xong xuôi ông đẩy ra băng chuyền tính tiền, sắp hàng. Tới lượt, ông hốt tất cả lên băng chuyền thành đống, mặc cô nhân viên bán hàng cứ bấm giá, đầu đang bận lẩm nhẩm mấy công việc bồi bếp phải giải quyết hôm nay. Số hàng bấm tiền xong, hệt như khi bốc lên ông quờ tay hốt tất cả vào xe.

Đúng lúc đó cô bán hàng hét toáng lên, đòi dừng lại Stop, xông tới lôi từ dưới xe lên 2 lọ kem, bảo chưa tính tiền. Ông Ng mặt thần ra chẳng hiểu mô tê gì, tiếng Đức cũng chẳng đủ để hỏi. Lập tức bảo vệ tới mời ông ra bàn sẵn cạnh đó làm việc. Chục phút sau cảnh sát đến. Họ làm việc với nhau, đếm hàng, đối chiếu bông tính tiền và lập biên bản. Ông bực mình từ chối trả tiền 2 lọ kem dư ra đó, kệ họ mang trở lại quầy hàng. Lầu bầu đẩy xe hàng ra ô tô. Tưởng cùng lắm chỉ làm mình bực bội, và một khi đã trả lại hàng là xong, tới mức mọi giấy tờ gửi tới từ cảnh sát đến siêu thị ông không thể nào nghĩ được có gì đó dính dáng tới mình. Nào ngờ sự thể lại oan ức tới nông nỗi này, như nỗi oan khiên Thị Kính…

Cái sẩy nảy cái ung, giờ ông đành phải ngậm ngùi đối mặt với quan sự mà lý ra ông đã tránh được !

Thanh Lương

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!