Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nước Đức và EU dưới thời Merkel 4.0

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Đức không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước Đức mà còn là yếu tố then chốt định hình tương lai của Liên minh châu Âu (EU) trong 4 năm tiếp theo.

Bà Markel đã một lần nữa giành chiến thắng, đúng như các thăm dò và dự đoán trước đó. Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ cho lần này đã thấp hơn hẳn lần bầu cử nhiệm kỳ trước.

Sự thay đổi trong nội bộ nước Đức

Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của bà giành chiến thắng với 34,5% tổng số phiếu bầu, nhưng đây là sự suy giảm đáng chú ý từ con số 41% trong lần bầu cử năm 2013, nếu không muốn nói là thấp nhất trong lịch sử bầu cử của CDU/CSU kể từ năm 1949. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vẫn duy trì ở vị trí thứ 2 với chỉ xấp xỉ 21% số phiếu bầu và tuyên bố sẽ đứng về phía đối lập.

Điều bất ngờ nhất là sự xuất hiện trở lại của Đảng Sự lựa chọn Thay thế (AfD) ở điện Bundestag sau hơn 6 thập kỷ với hơn 13% tỷ lệ ủng hộ từ cử tri. Đảng này vốn nổi tiếng với quan điểm dân tộc cực hữu chống lại người nhập cư, EU và cộng đồng chung Euro. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) năm 2013 không có mặt ở quốc hội, do tỉ lệ ủng hộ chỉ suýt chạm mức 5% quy định, nay cũng đã giành được ghế với số phiếu ủng hộ tăng gấp đôi. Christian Lindner, lãnh đạo của FDP còn thẳng thừng phản đối các đề xuất cải cánh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron như ý tưởng tự do lưu chuyển tài chính nội khối.

Là lãnh đạo của CDU/CSU, bà Merkel là một chính trị gia theo đường lối bảo thủ. Bà được đánh giá cao trong các nhiệm kỳ vừa qua nhờ cách xử lý khôn khéo đối với cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu, đưa nước Đức thoát khỏi sự hỗn loạn trong cuộc khủng hoảng kinh tế và thúc đẩy GDP tăng trưởng, hạn chế can dự vào các mối quan hệ đối đầu lân cận như giữa Mỹ và Nga hay cả xung đột tại Ukraine. Đối với nhiều người Đức, bà đại diện cho sức mạnh và sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Tuy nhiên chính chính sách mở cửa với người tị nạn đã đẩy bà Merkel vào tình thế đối đầu với sự giận dữ của người dân Đức và cả EU. Dù đã cắt 75% người tị nạn so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2015, thúc đẩy việc trục xuất người tị nạn bất hợp pháp ra khỏi nước Đức và cả ra “tối hậu thư” cho người tị nạn, nhưng thắng lợi của SPD và đặc biệt AfD cho thấy uy tín của bà Merkel đã suy giảm mạnh.

Đây là lần đầu tiên kể từ thập niên 50, Đức sẽ có 6 chính đảng cùng hoạt động ở quốc hội. Kết quả này không những là một bước ngoặt lớn trong thời kỳ nước Đức thời hậu chiến. Nó còn cho thấy mức độ chia rẽ sâu sắc trong xã hội Đức với tỷ lệ hài lòng không còn cao về bà Merkel và những mong muốn có một sự thay đổi lớn sau hơn một thập niên lãnh đạo của bà. Năm 2016, Berlin đã đạt kỷ lục về thặng dư thương mại với trên 297 tỷ USD, vượt qua kỷ lục của Trung Quốc, chiếm 8,5% GDP. Để duy trì con số này trước một nước Đức đang có nhiều bất đồng sẽ là một thách thức không hề cho trong nhiệm kỳ lần này của bà Markel. Ngoài ra, sự phức tạp của các vấn đề chính trị, nhập cư, việc làm và phúc lợi xã hội sẽ đặt ra các yêu cầu thành lập liên minh trong quốc hội nếu bà Markel muốn nhanh chóng có được sự đồng thuận trong các chính sách, nhưng các tín hiệu hợp tác dường như vẫn còn xa vời từ các đối thủ còn lại.

Liên minh châu Âu có thể hội nhập chặt chẽ hơn

Với vai trò là đầu tàu của EU và ngày càng can dự tích cực vào nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, cuộc bầu cử này còn có ý nghĩa quyết định số phận của EU trong tương lai.

Về kinh tế và chính trị, việc bà Merkel tái đắc cử có thể báo hiệu cho một kỷ nguyên mới với sự hội nhập kinh tế và chính trị ngày càng chặt chẽ trong khu vực, đặc biệt xét đến việc bà ủng hộ lời kêu gọi cải cách trong EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra. Đầu năm nay, ông Macron và bà Merkel đã nhất trí về nguyên tắc về lập ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu, Quốc hội Eurozone, ngân sách chung Eurozone, và tăng cường đầu tư công trong khu vực, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn trong nỗ lực cải cách.

Cùng với Pháp, bà Markel có thể góp phần củng cố EU trước nguy cơ tan rã cũng như cuộc khủng hoảng nợ công, và cải thiện mối quan hệ trục trặc với Mỹ của Donald Trump. Đây là thử thách trước mắt mà liên minh cầm quyền mới phải vượt qua. Đức và Pháp cũng có thể khôi phục trục Đức – Pháp, vốn từng là động lực cho chương trình nghị sự của châu Âu trước kia.

Ngoài ra, Đức đã đề xuất cải cách hệ thống quỹ liên kết, theo đó các nước thành viên EU không đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh này về quy định luật có thể mất quyền tiếp cận nguồn tài trợ. Ông Bernhard Mattes, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Đức, nói rằng giới doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Đức đang kỳ vọng vào những cải cách mới.

Về quốc phòng, Đức có thể đẩy mạnh hơn đề nghị các quốc gia đang “cháy túi” sáp nhập một phần quân đội của mình vào quân đội Đức trong khuôn khổ thực hiện “Khái niệm Hợp nhất các quốc gia” (Framework Nation Concept- FNC) của NATO. Theo cách này, từng bước một lực lượng của châu Âu sẽ được hình thành, trong đó lực lượng nòng cốt là quân đội Đức.

Nhưng tương lai của EU vẫn rất còn nhiều mảng tối

Bà Merkel sẽ trở thành một trong số ít những nhà lãnh đạo Đức (cùng với ông Helmut Kohl và Konrad Adenauer). Tuy nhiên, so với Helmut Kohl, người đặt nền móng cho sự hình thành liên minh châu Âu với Hiệp ước Maastricht 1991, rõ ràng việc tập trung vào lợi ích nước Đức hiện tại mới là mục tiêu quan trọng nhất đối với bà.

Mặt khác, Liên minh châu Âu đang vấp phải nhiều tín hiệu tiêu cực: Sự ra đi của Anh sau Brexit; sự suy yếu của Ý sau thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp; xu hướng gia tăng sự chống đối đồng euro hay chí ít là làm lơ trước những gánh nặng đảm bảo bản sắc EU của các nước thành viên, tiêu biểu như Ba lan, Hy Lạp hay ngăn chặn Brexit phiên bản Pháp, Hà Lan, Thụy Điển v.v đang dần trở nên bất khả thi.

Ngoài ra, thách thức còn đến từ làn sóng các chính đảng dân túy đang nở rộ như Đảng Tự do Hà Lan, Mặt trận quốc gia Pháp, AfD tại Đức và có thể là Đảng Tự do áo trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới; hay các đảng này chuyển sang cực hữu tiến bộ như Đảng Fins ở Phần Lan, Ukip ở Anh.

Thiếu vắng sự ủng hộ truyền thống từ Mỹ cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện các nước thành viên EU đang ủy thác an ninh của mình cho Mỹ kể từ gần 60 năm qua trong khuôn khổ NATO. Việc Mỹ giảm cam kết đối với châu Âu đang khiến châu lục này đặc biệt lo ngại trước các báo động về nguy cơ an ninh.

Việc một phần ba người dân Đức vẫn tin tưởng vào bà Markel cho thấy tài năng và khả năng lãnh đạo của bà hơn một thập kỷ nhiều biến động của Đức và thế giới. Nhiệm kỳ lần này của bà có vẻ sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách hơn trước, nhưng tạm thời, chúng ta hãy nên trân trọng và nhìn lại những gì bà đã cống hiến và đem lại cho sự phát triển của nước Đức và liên minh châu Âu, ít nhất là tại thời điểm này, và hy vọng vào một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn.

Phú Trần

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 10.2017