Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nước Nhật và “Đạo chó”

Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Bạn đừng ngạc nhiên khi bắt gặp chó ở Nhật mang dây đeo Chanel hay diện một chiếc áo có logo Gucci sành điệu, đeo ba-lô và mặc… bỉm.

Trước khi đến Nhật công tác, tôi được bạn bè nhắn nhủ rằng nước Nhật theo “đạo chó” – cách nói vui về sự cuồng chó ở Nhật. Đến khi được tận mắt chứng kiến cách người Nhật yêu thương chó như cưng chiều con cái, tôi mới thật sự hiểu… quan điểm của bạn mình.

Một lần tham quan công viên Hitachi, tôi nhìn thấy một gia đình có chó con được chở bằng xe giống xe nôi em bé, rất đẹp và đắt tiền. Chưa hết ngạc nhiên, tôi còn gặp khá nhiều hình mẫu gia đình “hoàn hảo” gồm: một người đàn ông, một phụ nữ và 1 – 2 con chó. Hai người sẽ bế chó trên tay như bế em bé, giơ hai ngón tay kiểu Victoria và chụp ảnh selfie khắp nơi trong công viên.

Nếu bạn đến Nhật, đừng ngạc nhiên khi bắt gặp chó mang dây đeo Chanel hay diện một chiếc áo có logo Gucci sành điệu, đeo ba-lô và mặc… bỉm.

Nghĩ lại cũng thấy ngộ ghê. Ông bà ta nuôi chó thấy khỏe re, ăn xương xẩu gì dư thì vứt đó, để nó nằm phè trước hiên nhà, quát vài tiếng khi nó sủa quá to khiến khách sợ, mặc kệ nó đào giun đào dế ngoài vườn. Nhà thành phố thì “tới giờ” là dắt chó ra đường… đi vệ sinh (chứ không phải đi dạo). Còn kiểu người Nhật nuôi chó thì thật hết hồn.

Những giống chó được yêu thích nhất tại Nhật là Chihuahua, Husky, Akita, Shiba… với mức giá khá cao là 1.000 – 3.000 USD.

Nếu muốn nhận nuôi một chú chó ở Nhật, bạn cần phải làm tỉ tỉ việc như: Khi vừa đem thú cưng của mình về nhà, bạn được yêu cầu phải đăng ký giấy nhận nuôi, tiêm chủng định kỳ, báo cáo cho chính quyền nếu chuyển nhà hoặc đổi chủ chó, gắn chip dưới da để chó không bị thất lạc, chứng minh rằng căn hộ của bạn có đầy đủ tiện nghi cho chó phát triển và phải cách âm tốt.

Đối với giống chó dữ thì phải làm giấy tờ đảm bảo chúng không cắn người và được trông giữ cẩn thận…

Đọc tới đây có ai đã “tắt thở” chưa?

Nếu chưa, thì tiếp nhé… Chó nhức đầu, stress là được thay đồ cho đi dạo (chủ phải luôn đem theo bao nilông và dụng cụ hốt phân chó để chúng không làm bậy trên đường), đi salon cắt tỉa lông móng hay nhuộm màu lông cho sành điệu, đi spa massage thư giãn, mua đồ chơi cho chơi, mua bim bim phô mai ăn bổ sung năng lượng, tráng miệng bánh su kem matcha.

Mỗi ngày chủ phải đều đặn xức nước hoa, bôi thuốc chống muỗi, có sữa tắm dầu gội riêng, cho uống sữa bằng bình sữa bột…

Ước tính, tổng giá trị ngành công nghiệp thú cưng Nhật Bản đã đạt tới 10 tỉ USD, bao gồm các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, thời trang, đưa chó mèo đi nghỉ dưỡng ở các khu du lịch… Thật đúng là… con dại cái mang!

Dù tốn kém mệt mỏi vậy, nhưng ngày càng có nhiều người Nhật lười kết hôn hoặc gia đình không muốn sinh con nên nuôi chó làm bạn, thương chó như con cháu trong nhà.

Có một chị người Việt từng chia sẻ, gần nhà chị có một bác nuôi con chó, một hôm thấy bác buồn thiu, hỏi ra thì con chó nhà bác ấy bị… ung thư, đang ốm nặng sắp chết, ai nghe cũng sụt sùi thương cảm. Khi chó mèo chết đi, người Nhật làm lễ tang cho nó khá trang trọng và gửi tro cốt vào nghĩa trang dành riêng cho chó mèo để thể hiện sự yêu quý chúng.

Tình yêu động vật của người Nhật thật đáng trân trọng. Thế nhưng việc quá yêu thú cưng và bỏ qua nghĩa vụ duy trì nòi giống khiến tỉ lệ sinh giảm mạnh, dân số già hóa, thiếu hụt lực lượng lao động, nhiều người già chỉ sống với những con thú cưng, không có ai chăm sóc, rồi chết trong cô độc ắt hẳn cũng khiến chính phủ Nhật phải kêu trời!

Đặng Phương Anh / theo TTC

Nguồn: tuoitre.vn