Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thơ Việt ở Đức: không phải lúc nào cũng “nên thơ”

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Đừng nên quá khắt khe với những người làm thơ chỉ như các cầu thủ trên sân bóng của cộng đồng.

Nói đến thơ hẳn những người coi thơ như một thánh đường cao cả, thiêng liêng thì việc ra đời các hội thơ một cách dễ dãi làm cho thơ  bị hạ thấp thành ghép vần, ghép vè gì đó chứ không phải là thơ mang tính nghệ thuật cao sang của nó khiến cho họ cảm thấy thất vọng. Trong lần “Hội tụ thơ Việt” được tổ chức gần đây nhiều người chê bai cho rằng thơ nhạt và làm cho tiêu chí thơ ca bị hạ thấp, không còn là thơ nhưng lại mang một cái tên hoành tráng là “Hội tụ thơ Việt…”. Điều này làm dấy lên một cuộc bàn tán sôi nổi trên Facebook.

Kẻ chê cứ chê, người yêu thơ vẫn cứ chơi thơ. Khách quan mà nhận định thì thơ thực sự hay chưa có vì đến như nhà thơ Nguyễn Bính mà ông cũng tự thừa nhận, thơ ông chỉ có một số bài hay chứ không có bài nào tuyệt bích. Thế nên với người làm thơ trong cộng đồng dù cũng có vài người làm thơ nổi bật có vài bài hay thì nhiều bài không đạt tiêu chí như định nghĩa của thơ cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là họ giám đọc lên tâm tư của mình như một sự sẻ chia.

Hội thơ Việt ở Đức được ấp ủ thành lập từ lâu nhưng cho đến năm 2013 Ban Tổ Chức gồm một số nhà thơ trên nước Đức do ông Sa Huỳnh làm trưởng ban, nhà thơ Thế Dũng chủ biên đã mạnh dạn cho ra đời cuốn “Thơ Việt ở Đức”. Sau đó hội thơ mới gây được sự chú ý của cộng đồng. Cuốn sách vừa in xong chưa kịp ra mắt đã gây tranh luận ồn ào. Hay dở, hư thực nguyên nhân thế nào chỉ người trong cuộc mới rõ, nhưng có phần đáng tiếc cho cuốn thơ đầu tiên của người Việt ở Đức “chưa khai sinh đã hạ màn”. Dù vậy không vì thế mà người làm thơ ở Đức quên đi món ăn tinh thần tao nhã đó.

Theo như hội thơ vừa tổ chức ở Berlin vừa rồi thông báo thì hàng năm hội thơ sẽ được tổ chức luân phiên ở những tỉnh thành có hội văn học nghệ thuật sinh hoạt sôi nổi, qua đấy để giữ được hồn thơ trong mỗi tâm hồn người viết. Thiết nghĩ cuộc sống bộn bề lo toan lại sống xa quê hương đất nước, người yêu thơ có một sân chơi để gần gũi chia sẻ tâm tình và thể hiện niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật  cũng là điều nên có. Đừng nên quá khắt khe với những người làm thơ chỉ như các cầu thủ trên sân bóng của cộng đồng. Tự họ cũng biết với sân chơi này họ là ai nhưng không vì thế mà kìm hãm một sinh hoạt lành mạnh mang tính thể nghiệm chứ không phải là chuyên nghiệp như nhiều độc giả mong muốn.

Mai Anh Kiệt