Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tội ăn cắp tại Đức bị phạt như thế nào?

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Nhiều người Việt, dù vô tình hay cố ý, thường mắc tội “ăn cắp” khi đi mua sắm trong các siêu thị hay cả các trung tâm thương mại, làm xấu hình ảnh người Việt và mang họa vào thân.

Trộm cắp tại Đức (Diebstahl) được quy định chung trong điều 242 Bộ Luật Hình Sự (Strafgesetzbuch) là hành động phạm pháp và sẽ bị phạt tiền hoặc tù giam tới 5 năm. Không chỉ vậy, hành vi trộm cắp bất thành cũng sẽ bị khởi tố và xử phạt theo điều luật trên.

Các hình phạt với tội trộm cắp tại Đức

Trộm cắp vặt nói riêng hoặc lừa đảo, cưỡng đoạt của cải của cá nhân khác hoặc đoàn thể, doanh nghiệp nào đó nói chung là một trong những hành động phạm pháp thường xuyên xảy ra nhất tại Đức. Bộ luật Đức quy định các điều khoản xử phạt trộm cắp rất rộng, phân biệt từ các thể loại ăn trộm đơn giản đến phức tạp, bao gồm hình phạt cho trộm đào ngạch, khoét tường vào nhà (Einbruchdiebstahl), đến hình phạt nặng dành cho các băng đảng trộm cắp (Bandendiebstahl), trộm cắp, cướp đoạt bằng vũ khí (Diebstahl mit Waffen) cũng như cướp giật (räuberischer Diebstahl).

Trong trường hợp nặng nhất, tòa án có thể xử phạt tù tới 10 năm (theo điều 244 Luật Hình Sự). “Của cải” ở đây được hiểu là những đồ vật, vật dụng hữu hình, bao gồm cả thú nuôi trong nhà, gia súc, gia cầm… có chủ, nghĩa là thuộc sở hữu của ai đó. (Ví dụ rác thải hay thú hoang không được coi là “của cải có chủ”). Truờng hợp “ăn cắp” những thứ vô hình như tình cảm hay quyền lợi, dữ liệu,… không được gọi là “Diebstahl” và sẽ xét xử theo các luật khác. Hình phạt cho hành vi ăn cắp điện được quy định riêng trong điều 248c Luật Hình Sự.

Hành vi ăn trộm được cấu thành khi bên A – dù biết nhưng vẫn nổi lòng ham muốn, cố tình lấy đi vật gì thuộc sở hữu của bên B mà chưa được B đồng ý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu vì không biết, tưởng đồ của mình mà lấy nhầm phải đồ của người khác thì có thể được miễn tội – Tòa án sẽ xét xử tùy theo từng hoàn cảnh.

Theo điều 248a Luật Hình Sự, nếu của cải bị trộm ở đây là (một hoặc nhiều) vật không đáng giá, nghĩa là có giá trị dưới 50 Euro, thì đương sự bị mất trộm cần đặt đơn xin khởi tố. Bằng không, tòa án chỉ thụ lý xét xử khi vụ việc được công chúng đặc biệt quan tâm, chú ý. Trong trường hợp ví dụ trộm cướp đồng hồ đắt tiền trong một cửa hàng, nhưng khi bị bắt mới phát giác là đồ giả rẻ tiền, không đáng giá, thì đối tượng vẫn bị xử phạt theo luật dành cho các trường hợp trộm cắp nặng vì đã phạm tội khoét tường, xâm nhập vào địa phận của người khác.

Trộm cắp (vặt) trong các cửa hàng là hành vi ăn trộm phổ biến nhất và cũng có nhiều điểm đặc biệt cần lưu ý nhất. Theo luật Đức qui định, rất nhiều trường hợp đối tượng thậm chí đã phạm vào tội ăn trộm ngay cả khi chưa hề ra khỏi quầy tính tiền hay rời khỏi cửa hàng, ví dụ khi lấy đồ để vào túi riêng của mình hoặc mở hộp, tự động lấy ăn các món mà cửa hàng có bán v.v….

Trình tự xử phạt ra sao?

Thông thường, sau khi nhận được khiếu nại của người mất trộm, cảnh sát sẽ đến kiểm tra hiện trường, sau đó sẽ chuyển hồ sơ sang bên Viện Công tố. Bên cơ quan công tố sẽ có toàn quyền xử lý vụ việc, có thể là hủy bỏ, nhưng cũng có thể khởi tố ra tòa, gửi giấy mời nghi can cũng như các đương sự liên quan, thậm chí có thể đệ đơn xin tòa đưa ra ngay một hình phạt.

Khi ấy, việc mà một nghi can cần làm không phải là tự bào chữa cho mình, mà là giữ im lặng rồi tìm hoặc đến gặp luật sư riêng. Luật sư bào chữa sẽ đệ đơn xin xem xét hồ sơ, hoặc chấp nhận chịu phạt hoặc kháng án. Trong trường hợp kháng án, bên công tố sẽ xin mở phiên tòa xét xử và tòa sẽ đưa ra một án quyết cuối cùng mà bị cáo phải tuân theo.

Cẩm Chi