Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Trẻ em ở Đức – Những “con tàu” đi chệch đường ray

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Có lẽ, nếu cần một đức tính nào nhất trong công cuộc làm cha mẹ, không gì thích hợp hơn là một chữ “nhẫn”.

Tiếng Đức có một câu rất hình tượng: “Pubertät” – tuổi dậy thì. Ngày xưa bố mẹ mình hay bảo đó là “cái tuổi ẩm ương” – ngang ngạnh, nổi loạn, là con tàu đi chệch hướng. Trong khi nhiều phụ huynh chỉ biết than trời, “cứ như là tôi đã mất đi đứa con thân thuộc của mình”, thì cũng có những phụ lạc quan hơn “Hãy kiên trì. Hãy yêu thương nhiều hơn nữa. Rồi một lúc nào đó mọi cái lại quay trở lại như cũ. Đứa trẻ nổi loạn sẽ hết nổi loạn”.

Cha mẹ Đức dạy con “cái tôi”

Nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi Pubertät tậm sự. “Tôi có ba đứa con. Đứa đầu đột nhiên lầm lì ít nói, cả ngày ru rú trong nhà. Đứa thứ hai như một “con thú hoang” vùng vẫy đến mức cả nhà thường xuyên náo loạn. Đứa thứ ba, tôi đã chờ đợi quả bom tấn dội xuống đầu thì may sao, lại chỉ là một cơn sang chấn nhẹ. Mọi cái bây giờ đều gần như về quỹ đạo cũ, khi chúng còn là những đứa trẻ bé bỏng nhưng cảm thông hơn”.

Ở Đức, nơi mà xã hội hoàn toàn cởi mở, để cho trẻ con được tự do bày tỏ và thoải mái phát triển tính cách cũng như thiên hướng, thì mỗi đứa trẻ là một “cái tôi” to đùng. Có người ví von trẻ con ở Việt Nam không bao giờ lớn, thì ngược lại ở Đức, mọi đứa trẻ đều biết nó là một cá thể độc lập và quyền hạn của chúng đến đâu.

Đến tuổi đi học, chúng được phát những đồng Taschengeld (tiền tiêu vặt) đầu tiên. Chúng sẽ học cách chi tiêu những đồng tiền ấy như thế nào theo đúng quyền lợi và trách nhiệm. Thứ dành mua kẹo, thứ tiết kiệm để mua quà sinh nhật cho bạn bè hay cho gia đình. Chỉ là những đồng tiền lẻ ít ỏi, nhưng quan sát cách mà người Đức dạy con khi mua đồ, thấy họ hết sức tôn trọng ý kiến của đứa trẻ, dù khi đó nó mới chập chững biết đi.

Ví dụ, một bà mẹ người Đức dẫn con vào của hàng mua hoa. Đứa bé chỉ tay vu vơ vào bông hoa sặc sỡ, nở toe toét trước mặt. Bà mẹ hướng sự chú ý sang bông hoa khác mà bà cho là đẹp và tươi hơn. Đứa bé nhất định chọn bông hoa “của nó”. “Thôi được. Mình sẽ lấy bông ấy. Và con sẽ trả bằng tiền của con nhé”, người mẹ đồng ý để con lựa chọn.

Đó chính là sự nhượng bộ đầu tiên của cha mẹ. Sự nhượng bộ rất cần thiết để giúp con hình thành “cái tôi” bản ngã. Đứa bé gật đầu cái rụp dù chưa đủ lớn để tính toán xem phải chi bao nhiêu và còn bao nhiêu trong gia tài bé nhỏ sau khi mua bông hoa ấy. Nhưng nó biết đó là bông hoa “của tôi”, “tự tôi mua” bằng tiền “của tôi”. “Cái tôi” bao hàm cả sự tự tôn, nhận biết và sự tự chịu trách nhiệm về mình.

Hệ thống giáo dục kiểu Đức

Đây chính là lúc con tàu rất dễ đi chệch khỏi đường ray. Các bậc cha mẹ hơn lúc nào hết phải nhận ra sự thay đổi đó và hơn cả sự chấp nhận, họ phải tự thay đổi mình để đi cùng con trên một con tàu khác với một lộ trình hoàn toàn không định trước.

Có thể gọi Pubertät là thời kỳ khó khăn nhất của công cuộc làm cha mẹ. Khi đứa con mới đây còn ngọt ngào đáng yêu như một viên kẹo đường, bất ngờ bỗng biến thành viên kẹo chảy nước, lười biếng, nằm ườn trên giường, khi thì lầm lì bất cần, lúc lại nổi khùng và thách thức.

Trẻ bỏ gia đình đi tìm sự đồng cảm

“Con càng lớn nỗi lo càng lớn”, không có nghĩa là mọi lo âu đều tăng theo cấp số nhân. Nhưng phải thừa nhận, tại thời điểm này, cha mẹ thật sự cần tỉnh táo và dành cho con sự quan tâm hơn bao giờ hết. Đây đôi khi thật sự là một cuộc chiến với không ít gia đình. Phụ huynh không được chuẩn bị tâm lý để chờ đón một sự thay đổi đột ngột từ chính con mình. Xung đột khiến chúng ta lúng túng và chúng ta cực đoan. Đôi khi trong cuộc chiến, phần thắng không hề thuộc về ai.

Bạn của con gái tôi, cháu S. mới chưa đầy 15 tuổi, sau rất nhiều tranh đấu và dàn xếp của các tổ chức và cơ quan chức năng, mới đây đã chọn trại thanh thiếu niên thay vì gia đình. Ở tuổi Pubertät, em nhận ra mình đã không nhận được sự quan tâm, đồng cảm cũng như thương yêu đúng mực từ cha mẹ. Phải tìm một chốn xa lạ làm tổ ấm. Nhưng ở đây, sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái vốn đã lỏng lẻo đã trở nên rệu rã. Và Pubertät chính là lúc thích hợp nhất để phóng đại mọi sự mất cân bằng.

Cũng theo một cách như thế, một đứa trẻ khác, cô bé M., cũng chọn trại thanh thiếu niên làm gia đình vào năm 16 tuổi vì không chịu nổi quan niệm sống khác biệt và sự áp đặt của phụ huynh. Không ai ngờ một cô bé xinh xắn, học trường chuyên, có cha mẹ thuộc hàng “trí thức”, lại có thể bỏ gia đình ra đi. Nhưng khác với cháu S., một đứa trẻ không tự ý thức, thì M. bây giờ đã là một cô gái thành đạt, tốt nghiệp đại học, có một công việc đáng mơ ước. Em hạnh phúc khi rời gia đình.

Đâu là sự lựa chọn đúng đắn

Có người bạn tâm sự đứa con đầu của chị không thích nhận mình là người Việt Nam. Trong khi đứa con khác lại rất hãnh diện khi mặc áo dài và mang nem đến lớp cho các bạn. Hẳn không thể đổ lỗ hoàn toàn do giáo dục. Vâng, tôi thừa nhận đó là một sự may rủi. Nhưng yêu thương là gì, nếu không phải là sự chấp nhận lẫn nhau?

Ta chấp nhận con cái ta như chính chúng đã chấp nhận ta. Chấp nhận trong sự thỏa hiệp để yêu thương nhiều hơn nữa, bởi con cái chính là phiên bản của chúng ta. Một phiên bản hoàn hảo hay khiếm khuyết cũng đều do chúng ta tạo ra. Chúng ta chỉ có thể sửa chữa mà không thể loại trừ hay thay đổi được chúng.

Bạn đang có con ở tuổi Pubertät? Hãy nín thở thật sâu và chờ đợi. Dù đột nhiên nó trở nên lạnh lùng khép kín, hoặc phá phách, dối trá tinh quái dù không ác ý, hay ủy mị đầy cảm thán và trầm cảm bất thường, thì ngay từ lúc này, hãy chăm chút, gần gũi và chia sẻ với con bạn nhiều hơn nữa.

Và cũng đừng quên rằng, một gia đình không hòa thuận, bố mẹ không yêu thương nhau là cách tích cực nhất đẩy con bạn vào vòng xoáy của cơn bĩ cực mang tên Pubertät. Đồng hành, sẵn sàng vô điều kiện, nhưng ở những thời điểm nhất định, chúng ta phải “nhượng bộ” con cái chúng ta. Nhượng bộ để đồng hành và chờ đợi, chứ không phải nhu nhược, càng không phải là sự bẻ gẫy. Có lẽ, nếu cần một đức tính nào nhất trong “công cuộc làm cha mẹ”, theo tôi, không gì thích hợp hơn là một chữ NHẪN.

“Tôi chọn con cái nên tôi đã cố thu xếp chuyện vợ chồng thật ổn thỏa dù giữa hai chúng tôi có không ít những bất hòa”. Một phụ huynh tâm sự. “Tôi lùi cuộc ly dị lại vì con tôi đang ở thời điểm nhạy cảm. Nhưng sau biến cố đó, vợ chồng tôi cũng nhận ra chúng tôi cần nhau, vì yêu thương đôi khi cũng cần được thử thách”, một nữ nha sĩ tâm sự về những gì đã xảy ra với gia đình cô mười năm trước, đó là khi vợ chồng lục đục đúng lúc con cái bước vào tuổi dậy thì.

Yêu thương, yêu thương và kiên trì bởi tình yêu không có sự chọn lựa. Sẽ đến lúc nào đó đứa con ngỗ nghịch sẽ vụng về nói với bạn: “Cám ơn Mama vì đã sinh ra con và yêu thương con nhiều đến thế.”

Và đó là thù lao lớn nhất mà ta xứng đáng được đãi đằng. Cho dù bạn không đủ hoàn hảo để cho ra những phiên bản hoàn hảo nhất.

Kiều Thị An Giang