Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Việt Nam: Cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng “cải cách” con người

TBVĐ- Sau hơn 15 năm, sau bao lần “cải cách giáo dục” làm nóng các diễn đàn chính trị lẫn dư luận xã hội, thành quả vẫn là con số 0, nếu không muốn cay đắng nói rằng là thụt lùi so với bạn bè quốc tế.

Sau gần hai tháng kể từ ngày Bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT được ban hành, cải cách giáo dục vẫn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn trong và ngoài nước. Nội dung của Bản dự thảo lần này được rất nhiều người có chuyên môn góp ý với kỳ vọng sẽ tạo được một cú hích cho nền giáo dục nước nhà trước thềm “công nghiệp 4.0” – một xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu hiện tại trong công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, bản dự thảo chỉ là một “bản vẽ”, trong khi vấn đề của cải cách giáo dục Việt Nam còn nằm ở người “thi công” hay “kiến trúc sư” của nền giáo dục.

Cấp quản lý thiếu tầm nhìn

Đó chính là vấn đề đầu tiên của cải cách giáo dục Việt Nam. Còn nhớ lần gần nhất là vào khoảng đầu những năm 2000, cụm từ cải cách giáo dục một lần nữa được nhen nhóm sau gần hai thập kỷ cải cách thất bại trước đó, tức từ đầu những năm 1980. Những bộ sách giáo khoa mới tinh, được in bằng mực màu thơm phức được tung ra thị trường trong sự háo hức của phụ huynh lẫn học sinh. Đáng buồn thay, đó vẫn là những quyển sách nặng trĩu kiến thức rập khuông, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính cởi mở – thứ vốn không phải là mục tiêu của bất kỳ một nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới.

Cái cần nhất chính là “triết lý giáo dục” cũng bị các nhà lãnh đạo lãng quên, hoặc đành phải nói “triết lý giáo dục của Việt Nam chính là… không có triết lý gì”. Một nền giáo dục không có kim chỉ nam, thi thoảng chỉ bám víu vào vài ba câu nói của ông bà xưa để lại, nặc mùi nho giáo theo kiểu “tiên học lễ, hậu học văn” để dẫn đường. Ngay cả khái niệm thế nào là “lễ”, thế nào là “văn” để định hình rõ hơn triết lý giáo dục quốc gia cũng còn là một thách thức đáng kể với giáo dục Việt Nam trong suốt hơn 15 năm qua.

Mỗi “nhạc trưởng” của một nền giáo dục có nghĩa vụ phải xác định được triết lý giáo dục của đất nước họ, dù trở thành “anh hùng” hay “tội đồ” của lịch sử, thì đó là nhiệm vụ xuyên suốt mà họ phải làm để lèo lái con thuyền giáo dục đất nước. Trớ trêu thay, con thuyền giáo dục của Việt Nam mất lái trong nhiều năm qua, từ đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác. Có chăng một vài bộ trưởng để lại hiếm hoi những ấn tượng dân túy, kiểu như “chóng tiêu cực thi cử”, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ giáo dục mới đây còn mạnh dạng “thu gọn chương trình đại học xuống còn 3,5 năm theo tiêu chuẩn quốc tế”, nhưng thi hành một cách vô cùng “cơ học”. Đó là yêu cầu cắt bỏ chương trình đào tạo “theo chỉ tiêu” (ví dụ từ 140 tín chỉ xuống còn 120 tín chỉ), thay vì thảo luận xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp với một bộ chuẩn đầu ra dựa trên những yêu cầu xã hội về nguồn nhân lực trong trung và dài hạn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam vẫn đang thiếu vắng một kiến trúc sư trưởng ngành giáo dục – một người không chỉ biết đọc báo chí nước ngoài và nhìn giáo dục quốc tế như một tấm gương “sao chép” y nguyên, như kiểu “cắt chương trình đào tạo” hay “nhập khẩu sách giáo khoa” về cho học sinh nước nhà. Cái cần thiết là phải xác định được việc đào tạo sẽ xây dựng nên một con người như thế nào là cần thiết; tìm giải pháp kết hợp ba nhà: (i) nhà nước; (ii) nhà giáo/nhà trường; (iii) nhà doanh nghiệp để cùng thực hiện mục tiêu đào tạo đó. Tất nhiên, bài học từ quốc tế là điều vô cùng quý giá.

Ảnh minh họa: https://pixabay.com

Cấp nhà trường thiếu năng lực

Phải nói rằng, trong khi lãnh đạo thiếu tầm nhìn thì nhà trường tại Việt Nam cũng không khá hơn, khi chất lượng giảng viên thuộc hàng kém so với nhiều nước trên thế giới. Từ nhiều thập kỷ qua, việc trở thành một giáo viên phổ thông, thậm chí là giảng viên đại học là việc dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này cho thấy tư duy xem nhẹ giáo dục căn bản của Việt Nam. Không thể phủ nhận có rất nhiều nhà giáo kỳ cựu và lỗi lạc, nhưng bấy nhiêu vẫn là thiểu số so với nhu cầu thực tiễn, hoặc khi so với số lượng giáo viên thiếu trình độ – phần chìm của tảng băng trôi. Điều này không khó “định lượng” khi xem bảng xếp hạng về số lượng công trình nghiên cứu được công bố, trình độ ngoại ngữ “thực tế”, và cả phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Nặng tư duy “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”, điều mà lẽ ra chỉ nên hiểu trong mối quan hệ tình cảm, khiến giáo viên vẫn cứ đứng trên chiếc bục giảng và nhìn xuống học sinh như những người “truyền đạo” hơn là những người khơi gợi niềm yêu thích khoa học tiềm tàng trong trẻ. Giáo viên “tôi rèn” những em học sinh bằng cách lấy hết quỹ thời gian mà lẽ ra các em được đi du lịch, được vui chơi với bạn bè, được thể hiện năng khiếu yêu thích, được nghe những câu chuyện có thể khiến các em thay đổi thế giới quan một cách tích cực. Giáo viên bắt các em phải “ra một đáp số” trong khi lẽ ra các em phải được khuyến khích tranh luận đến tận cùng của chân lý ngay cả khi các em đang cầm trên tay một đáp số sai. Giáo viên yêu cầu (hoặc gợi ý) các em đến các lớp học thêm, thay vì để các em có thời gian thẩm thấu kiến thức nhỏ giọt, cảm nhận kiến thức đang hiển hiện xung quanh cuộc sống của mình, cảm thấy yêu thích những buổi đến lớp chứ không phải ngán ngẫm đến nổi xé sách vở ngay sau khi môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết thúc.

Xin không lạm bàn về “bản vẽ” cải cách giáo dục mà Bộ GD-ĐT công bố, chỉ xin nhắc lại rằng một “bản vẽ đẹp” không phải là bản vẽ có sự cóp nhặt thô bạo từ giáo dục Mỹ, Anh, châu Âu hay Nhật Bản. Đó phải là một “bản vẽ dành cho học sinh Việt Nam” – đặc thù và hiệu quả. Muốn có bản vẽ ấy và thực hiện được bản vẽ ấy hoàn hảo, phải “cải cách” con người – năng lực, linh hoạt, khéo léo và có tầm nhìn.

Văn Hồng

(Bài viết đã đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 06.2017)