Site icon Thời báo Việt Đức

30 năm bức tường Berlin sụp đổ (phần III)

KHI BỨC TƯỜNG LÀ BỨC MÀN SẮT TỒN TẠI 28 NĂM

Sau khi bức tường được dựng lên, tình hình cực kỳ căng thẳng. Chẳng ai biết tương lai sẽ đi về đâu và luôn phải sống trong lo sợ. Ví dụ ngày 19.6.1963, tổng thống Mỹ Kennedy thăm Berlin nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày lập cầu hàng không cứu Tây Berlin. Người ta chào đón tổng thống bằng 21 phát đại bác thì dân chúng vô cùng hoảng sợ, cho là quân Nga tấn công.
Cảm giác của những người sống ở Đông Berlin cũng chẳng khác gì, họ sợ tang tóc của chiến tranh phủ lên gia đình họ. Nhìn bức tường bê tông sừng sững họ thầm nói với chính mình: Thôi thế là hết!

Họ nhìn tương lai mù mịt nên tìm mọi cách tẩu thoát. Có người chui qua ống cống thoát nước, có người nằm im trong cốp ô tô vài tiếng khi qua cửa khẩu, có người dùng dây trèo qua bức tường, một số kỹ sư làm khinh khí cầu đợi đêm thuận lợi bay qua, có người ném cho vỡ đèn canh gác rồi bơi qua sông và đặc biệt có người đào hầm thông từ nhà mình xuyên qua bức tường để đến với thế giới tự do.

Thôi thì đủ kiểu vượt biên, miễn sao sang được Tây Berlin. Chỉ tính từ tháng 8 đến hết năm 1961 đã có hơn 50000 người đến được đích họ mong muốn, năm 1962 hơn 21000 người. Kể từ ngày thành lập hai nước Đức năm 1949 đến khi bức tường sụp đổ, hơn 2 triệu người đã bỏ Đông Đức ra đi (Ende einer Utopie – Jens Schöne / Berlin Story Verlag).
Hình ảnh nổi tiếng nhất là hình ảnh anh công an Conrad Schumann 19 tuổi mặc quân phục, ôm súng nhảy qua hàng rào dây thép gai để sang miền tây.

Không phải ai đi tìm tự do cũng gặp may. Ngày thứ sáu 17 tháng 8 năm 1961 chàng trai 18 tuổi Peter Fechter trèo qua tường gần Checkpoint Charlie thì bị lính biên phòng phát hiện. Không một lời cảnh báo, họ bắn luôn. Anh ta bị thương nặng và ngã xuống bên này bức tường, thuộc lãnh thổ CHDC Đức. Tiếng kêu cứu kéo dài 45 phút của anh không được ai quan tâm. Công an Tây Berlin tìm cách ném hộp băng cứu thương cho anh và tiếng hô cứu người vang dội phía bên kia bức tường. Nhưng nó như một viên đá ném xuống ao bèo. Anh đã chết trước sự chứng kiến của nhiều người bên kia bức tường mà họ không làm sao cứu anh được. Hơn một tiếng sau, những người mặc quân phục mới đưa xác anh đi. Hình ảnh này lập tức được truyền đi toàn thế giới.

Ở Đông Đức người ta đặt tên cho bức tường này là “Bức tường chống phát xít, bảo vệ nhân dân”. Tên thì hay thế nhưng thực tế nó là công cụ giam hãm nhân dân. Anh Fechter chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân bị chết vì bức tường. Còn ở Tây Đức, người ta gọi đây là “Bức tường ô nhục!”

Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Kennedy ở Tòa thị chính Schöneberg ngày 26.6.1963, ông khẳng định thái độ của Mỹ sẽ ủng hộ Tây Berlin đến cùng, khẳng định bảo vệ giá trị tự do cho Tây Berlin. Câu cuối cùng ông nói bằng tiếng Đức “Ich bin ein Berliner /Tôi là một công dân của Berlin“. Câu nói nổi tiếng đó đã làm tăng thêm quyết tâm chịu đựng của dân chúng, chờ đến ngày tươi sáng hơn.

Hồi đó, ai có người thân ở Tây Berlin hay Tây Đức thường bị an ninh hỏi thăm. Những người này bị coi là có lý lịch xấu, ảnh hưởng lớn đến sự tiến thân. Ai cũng mơ thoát khỏi nơi đây. Những người sống gần biên giới hai nước thường tìm cách bắt sóng đài và TV của Tây Đức.

Để câu chuyện dịu hơn, tôi xin chép lại một chuyện tiếu lâm của dân CHDC Đức về khao khát vượt biên của họ:
Ở một trường phổ thông vùng Đông Berlin CHDC Đức, thầy chủ nhiệm cho biết tuần tới nhà trường đón đồng chí Erich Honnecker đến thăm (Tổng bí thư đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức). Em nào xung phong đọc một bài thơ để chào mừng đồng chí ấy. Michael xung phong. Thây giáo rất hài lòng và bảo em đọc thử trước lớp.

Em đọc:
Meine Katze hat Jungs bekommen
Sechs an der Zahl
Fünf sind Kommunisten
Einer ist noch neutral

Mèo nhà em đẻ con
Tất cả là sáu chú
Năm là cộng sản còn
Một thì chưa ngã ngũ

Tuyệt vời, thầy giáo khen Michael.
Một tuần sau, đồng chí Erich Honnecker đến thăm trường. Thầy giáo tự hào nói to: “Ai trong số các em có thể đọc một bài thơ để chào mừng đồng chí Tổng bí thư của đảng nhỉ?“. Michael lại giơ tay. Thầy bảo: „Thật tuyệt vời, em bắt đầu đi!“

Michael:
Meine Katze hat Jungs bekommen
Sechs an der Zahl
Fünf sind schon im Westen
Einer ist nicht normal

Mèo nhà em đẻ con
Tất cả là sáu tập
Năm đã vượt biên còn
Một điên điên chập chập

Thầy giáo tá hỏa: Michael, tuần trước em đọc hoàn toàn khác cơ mà, sao hôm nay em lại đọc thế?
Michael: Dạ thưa thầy, tuần trước mèo mới sinh nên chưa mở mắt ạ!

Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

Phần IV: NHỮNG BIẾN CỐ LIÊN QUAN ĐẾN BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ

Exit mobile version