Site icon Thời báo Việt Đức

30 năm bức tường Berlin sụp đổ (phần IV)

Ảnh: Trung Hiếu

NHÌN LẠI 30 NĂM NGÀY BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ

NHỮNG BIẾN CỐ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ SỤP ĐỔ CỦA BỨC TƯỜNG BERLIN

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh gần nửa thế kỷ, không nơi nào nóng bỏng hơn Berlin mà cụ thể là bức tường ngăn cách Đông Tây. Bức tường không còn nữa làm thế giới thở phào. Chiến tranh lạnh bắt đầu ở Berlin và nó cũng kết thúc ở thành phố lịch sử này. Bức tường sụp đổ sau 28 năm. Để hiểu bức tường sụp đổ như thế nào, chúng ta chỉ cần đọc lại ký sự ngày mồng 9 tháng 11 năm 1989 ở Berlin.

Điều gì đã xảy ra ngày 9.11.1989?
Sự kiện trong ngày
9 giờ: Ở Bộ nội vụ CHDC Đức, bốn sĩ quan họp để soạn thảo một bộ luật mới cho vấn đề đi lại. Đó là chỉ thị của Bộ chính trị. Bản thảo sơ lược trước đó hai ngày được Liên Xô gật đầu chỉ quy định ra khỏi CHDC Đức (qua một cửa khẩu riêng ở phía nam) mà không qua nước thứ ba như Tiệp Khắc – nhưng không được trở lại CHDC Đức. Trong một nghị quyết của hội đồng bộ trưởng, các sĩ quan quyết định quyền được rời khỏi CHDC Đức. Tất cả những điều cản trở liên quan đến việc xét đơn để một lần ra khỏi CHDC Đức, bị xóa bỏ. Trước sau như một, muốn đi phải làm đơn. Theo sáng kiến của đại tá Gerhard Lauter, trong văn bản người ta đưa vào một đoạn có hậu quả nghiêm trọng cho chế độ hiện hữu: „Đi ra nước ngoài với tư cách cá nhân có thể đặt đơn không cần đưa ra những điều kiện lý do (Nhân dịp gì, quan hệ bà con thân thích thế nào). Giấy phép sẽ được cấp sau một thời gian ngắn.“ Điều rõ ràng là: Tự do đi lại cho tất cả mọi người, đi trong trật tự, dài hạn và có làm đơn, có xét.
Quy định này có giá trị đến khi luật đi lại được phê chuẩn. Ngày thứ sáu, 10 tháng 11, lúc 4 giờ sẽ cho đăng công khai. Ngay trong ngày hôm đó, tất cả công dân CHDC Đức có thể đặt đơn xin thị thực ở những nơi có thẩm quyền. Văn bản này được chuyển thẳng cho BCH trung ương SED.

10 giờ: Ngày họp thứ hai của BCH trung ương đảng SED bắt đầu. Ở cấp tỉnh, bí thư thứ nhất thành phố Halle, Hans – Joachim Böhme, thành phố Cottbus Werner Walde và thành phố Neubrandenburg Johannes Chemnitzer bị hạ bệ. Đặc phái viên lâu năm về phụ nữ của Bộ chính trị đảng SED, Inge Lange, cũng từ chức.

12 giờ: Trong giờ giải lao của BCH trung ương, các ủy viên Bộ Chính Trị thông qua bản dự thảo luật đi lại do các sĩ quan soạn, sau đó gửi lên Hội đồng bộ trưởng.

15 giờ: Rà soát lại các điều khoản thực hiện cho luật đi lại trong Bộ nội vụ và bộ phận an ninh quốc gia.

16 giờ: Tổng bí thư Egon Krenz đọc dự thảo luật đi lại trong BCH trung ương đảng SED. Trong tay ông đã có quyết định của Hội đồng bộ trưởng và cả phần thông cáo báo chí.

17 giờ 30: Ông Krenz trực tiếp trao quyết định của Hội đồng nhà nước và thông cáo báo chí đính kèm cho ông Günter Schabowski. Trong những ngày này, ông ấy là phát ngôn viên của BCH trung ương đảng SED.

18 giờ bắt đầu truyền hình trực tiếp cuộc họp báo với Günter Schabowski (Bí thư thứ nhất thành ủy SED ở Berlin), trong đó ông thông báo kết quả cuộc họp của Bộ chính trị lúc ban chiều.

18 giờ 57, cuối cuộc họp báo, một nhà báo Italia tên là Riccardo Ehrman hỏi, liệu bản dự thảo luật đi lại này có phải là một sai lầm không. Schabowski thông báo ngay cho các nhà báo đang không tin vào sự kiện này rằng, kể từ bây giờ, ai đi sang miền tây cũng được. Rất nhiều người dân CHDC Đức theo dõi bản tin này qua truyền hình. Quy định trước đó chỉ dành cho những người sang CHLB Đức (không có quyền quay trở lại). Mục đích là để chặn đứng dòng người muốn đi qua đường Tiệp Khắc.

„Và vì thế hôm nay chúng tôi đã quyết định, mỗi công dân CHDC Đức đều có thể sang miền tây qua các cửa khẩu của CHDC Đức. …Tức là cá nhân muốn đi nước ngoài chỉ cần làm đơn xin, không cần phải khai báo lý do và quan hệ bà con thế nào. Giấy phép sẽ được cấp trong một thời gian rất ngắn. Theo tôi biết, điều này có hiệu lực ngay bây giờ.“
19 giờ 04: Trước khi các hãng thông tấn phương tây phát tin khẩn, ADN đã công bố chi tiết quyền tự do đi lại có hiệu lực „ngay lập tức“ được Schabowski công bố. Tít lớn được chọn một cách thận trọng và trung lập: „Phát ngôn chính phủ CHDC Đức nói về luật mới cho quyền đi lại“. Thông báo khoảng 20 dòng gói bốn điểm chính, đáng lẽ 4 giờ sáng ngày thứ sáu mới lên sóng.

19 giờ 05: Những câu văn này đã viết lên lịch sử. Hãng AP thông báo tin khẩn: „CHDC Đức mở cửa biên giới“. Lúc 19 giờ 41 hãng DPA thông báo: „Biên giới CHDC Đức …đã mở toang“. Thông tin của các hãng thông tấn phát tin nóng này vào giờ thời sự trong TV và đài. Chương trình „Tagesschau/ Tin tức trong ngày“ viết „CHDC Đức mở cửa biên giới“.
Ngay từ lúc 20 giờ 30, những người dân CHDC Đức đầu tiên đã tập trung ở cửa khẩu phố Bornholmer để xem điều gì xảy ra. Đối với những người chưa có thị thực hợp lệ, cửa khẩu vẫn đóng. Nhưng càng ngày càng có nhiều người kéo đến cửa khẩu.

Khoảng 21 giờ, đám đông đòi mở cửa biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Bộ đội biên phòng ở đây chưa nhận được lệnh mở cửa biên giới và đám đông đứng trước cửa khẩu hô lớn: „Mở cổng ra, mở cổng ra!“, gây nên cảnh náo động rối loạn.

Khoảng 21 giờ 10 họp quốc hội ở Bonn kết thúc và các đại biểu hát quốc ca nhân dịp có những quy định mới.
22 giờ 28: Trong chương trình truyền hình muộn „Aktuelle Kamera“ của đài truyền hình CHDC Đức có một tin nhằm phanh bớt sự tiến triển của tình hình. „Vì nhiều người hỏi nên chúng tôi thông báo cho quý vị biết quyết định về đi lại của Hội đồng nhà nước. Việc đi lại phải làm đơn và chờ cấp phép“, phát ngôn viên nhấn mạnh. Sở ngoại vụ và phòng đăng ký hộ khẩu vẫn mở „như thường lệ ngày mai“ và ra đi chỉ hợp lệ „sau khi làm đơn và được cấp phép“.

Khoảng 23 giờ hàng ngàn người chen lấn tiến về phía cửa khẩu phố Bornholmer Straße. Tình hình ở chỗ chắn ba-ri-e ngày càng nghiêm trọng. Không ai biết chắc chắn rằng, đó là tin đồn, một lời hứa hay một việc đã được quyết định. Lính biên phòng không biết làm thế nào. Khoảng nửa tiếng sau, một số đơn vị đã quyết định mở cửa. Bức tường sụp đổ. Ở các cửa khẩu khác giữa biên giới hai nước Đức cũng có hàng ngàn người Đông Đức tràn sang CHLB Đức và được miền tây chào đón nồng nhiệt.
0 giờ: Tất cả các cửa khẩu ở Berlin đều mở.

0 giờ 20: 30 000 lính của quân đội nhân dân CHDC Đức báo động trực chiến ở mức khẩn cấp. Trong đêm hôm đó không có thêm lệnh nào nên các đơn vị biên phòng tự chịu trách nhiệm cho đơn vị mình.

Từ 1 đến 2 giờ hàng nghìn người từ Đông và Tây Berlin vượt qua cổng thành Brandenburger Tor. Họ đi qua quảng trường Paris và qua cổng thành. Người ta ăn mừng nhảy múa trên bức tường, bức tường bê tông bị vài ngàn người chiếm. Khắp nơi trên quảng trường người ta nghe thấy tiếng động như những con chim gõ kiến. Họ dùng đục và búa phá phía tây bức tường. Người ta đi từng đoàn qua cửa khẩu để đến Kurfürstendamm và vui mừng nhảy múa đến sáng.

2 giờ: Tin của đài Radio DDR I có liên quan đến bộ nội vụ cho biết là có thể qua biên giới cho đến 8 giờ sáng hôm sau, nếu trình chứng minh thư. Đó là một „quy định tạm thời“. Lãnh đạo chóp bu của giới quân sự và chính trị không thấy xuất hiện trong đêm hôm đó.

Sau sự kiện lịch sử này, nước Đức tái thống nhất gần 1 năm sau đó, ngày 3.10.1990. Nếu người ta lấy ngày 9.11 (ngày tường đổ) làm ngày quốc khánh thì ý nghĩa biết bao nhiêu? Ai cũng hiểu điều này, nhưng các nhà chính trị rất tỉnh táo: Cũng ngày này năm 1938, phát xit Đức mở màn chiến dịch tiêu diệt người Do Thái rất dã man. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, quốc hội Đức đã chọn một ngày khác là ngày quốc khánh. Họ cũng không gọi đó là ngày Quốc khánh mà là „Ngày thống nhất nước Đức“.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước bắt tay nhau, hàng hóa tràn ngập khắp nơi, chuyển giao công nghệ làm cho đời sống của nhân dân các nước nghèo trên thế giới khá lên rõ rệt, trong đó có Việt Nam.

Là một trong những người được chứng kiến trọn vẹn bước ngoặt chính trị của dân tộc Đức trong những năm 80 và 90 thế kỷ trước, tôi cảm thấy mình được nhận một phần thưởng quá lớn về nhận thức. Đặc biệt trong năm 1989 tình hình nóng bỏng từng ngày làm cho tôi không còn tâm trí nào dành cho làm ăn mà suốt ngày theo dõi, hóng tin.

Tôi đã chứng kiến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và tự trách mình, đáng lẽ những điều như thế này tôi phải được học từ lâu rồi mới phải. Không nói với ai, tôi quyết định trang bị lại cho mình kiến thức mới về cuộc sống, về tự do, về trách nhiệm xã hội, về luật pháp, về quyền và nghĩa vụ công dân, về khai thác điều kiện để sống và học hành…

Bức tường đổ như xé toang bức màn sắt để người ta có thể nhìn ra khắp thế giới, để được đi đến nơi nào mình muốn, để thưởng thức văn hóa và ăn những món ăn rất lạ của một đất nước xa xôi nào đó mà trước kia mình chỉ biết qua sách báo. Một phần thưởng vô giá cho những ai được trực tiếp trải nghiệm.

Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

Exit mobile version