Thiếu nữ Yazidi từng bị IS bắt cóc làm nô lệ tình dục kinh hoàng khi đối mặt với kẻ thù cũ ở Đức và buộc phải quay về Iraq.
Ashwaq mới 14 tuổi khi các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xông vào thôn xóm quê hương ở miền bắc Iraq, khu vực người dân tộc thiểu số Yazidi sinh sống vào mùa hè năm 2014, theo BBC.
Chúng bắt hàng nghìn phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục, bao gồm Ashwaq, và bán em cho một gã có tên Abu Humam với giá 100 USD. Ashwaq trốn thoát sau ba tháng bị cưỡng hiếp và đánh đập, em sau đó tới Đức cùng mẹ và anh trai.
Vài tháng trước, vào đầu năm 2018, cô nghe thấy ai đó gọi tên mình trên phố, ngoài một siêu thị. “Khi đó tôi đang trên đường quay lại trường học thì một chiếc xe dừng ngay cạnh tôi. Y ngồi ở ghế trước, hỏi tôi bằng tiếng Đức: ‘Mày có phải Ashwaq không?’ Tôi sợ đến run người, nói: ‘Không, anh là ai?”
“Tao nhận ra mày, mày là Ashwaq. Còn tao là Abu Humam đây”, y trả lời. Humam bắt đầu dùng tiếng Arab để đe dọa Ashwaq. “Tao biết mày. Tao biết mày sống ở đâu, sống cùng ai. Tao biết mọi thứ về cuộc đời mày ở Đức”, y nói.
Ashwaq hoảng sợ, cô tâm sự “không thể ngờ chuyện này lại xảy đến trên đất nước Đức”. “Tôi đã rời bỏ quê hương và gia đình sang Đức, muốn quên đi nỗi đau bị đánh đập và vết thương tâm hồn. Tôi không thể ngờ rằng chờ đợi mình ở đây lại là kẻ đã mua tôi từ tay IS, mà y lại biết mọi điều về cuộc sống của tôi”.
Công tố viên liên bang Đức cho hay 5 ngày sau, Ashwaq đã trình báo sự việc này với cảnh sát. Cô kể lại mọi thứ với điều tra viên, bao gồm những trải nghiệm kinh hoàng tại Iraq. Cảnh sát lập hồ sơ về nghi can, yêu cầu Ashwaq liên lạc với họ ngay nếu gặp lại Humam. Ashwaq đã đề nghị cảnh sát kiểm tra camera an ninh của siêu thị, nhưng họ không làm thế.
“Tôi đã đợi cả tháng trời”, Ashwaq nói, nhưng không nhận được tin tức nào.
Sợ sẽ gặp lại Humam, đồng thời muốn đoàn tụ với 4 chị em gái đã được giải cứu từ tay IS, Ashwaq quay lại miền bắc Iraq. Cô chấp nhận rời bỏ thị trấn Schwäbisch Gmünd ở miền nam nước Đức – nơi Ashwaq từng hy vọng sẽ bắt đầu lại cuộc sống ở đây.
“Những ai chưa từng trải qua sẽ không thể hiểu nổi cảm giác của tôi. Một bé gái từng bị IS cưỡng hiếp, sẽ không thể tưởng tượng nổi bé gái ấy thế nào khi gặp lại gã kia lần nữa”, Ashwaq nói.
Frauke Köhler, phát ngôn viên tòa án tối cao Đức cho biết cảnh sát đã cố xác định vị trí của Abu Humam bằng cách sử dụng ảnh dựng từ mô tả của Ashwaq nhưng không tìm được y.
Khi họ liên lạc lại với cô vào tháng 6 năm nay thì Ashwaq đã rời đi Iraq. Tuy nhiên, các nhà hoạt động ở Đức cho biết vụ của Ashwaq không phải cá biệt. Düzen Tekkal, nhà hoạt động kiêm sáng lập viên của tổ chức Hawar.Help có trụ sở tại Berlin vận động cho quyền lợi người Yazidi đã được nghe kể nhiều vụ tương tự, chuyện về người tị nạn Yazidi nhận ra thành viên IS ở Đức.
Bản thân Ashwaq cũng được những thiếu nữ Yazidi khác trốn thoát khỏi IS kể lại chuyện tương tự. Tuy nhiên, không phải vụ nào cũng được trình báo với chính quyền.
Quay lại khu vực tự trị của người Kurd, Ashwaq sống trong trại tị nạn dành cho người Yazidi. Cô bé vẫn muốn đi học tiếp, dù bản thân và gia đình cũng muốn rời khỏi đất nước. “Chúng tôi lúc nào cũng sống trong tâm trạng sợ hãi sẽ gặp lại IS”, bố của Ashwaq nói. Nhưng chuyện gặp phải ở Đức đã ảnh hưởng sâu sắc tới cô.
Giống như nhiều gia đình Yazidi khác, cả nhà Ashwaq đang nộp đơn xin tị nạn ở Australia trong chương trình đặc biệt dành cho phụ nữ từng là nạn nhân của IS.
“Dù thế giới này có bị phá hủy, tôi cũng không muốn quay lại Đức nữa”, Ashwaq nói.