Site icon Thời báo Việt Đức

Angela Merkel – “Bà đầm thép” nước Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đương kim Thủ tướng Đức là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức vươn đến vị trí lãnh đạo cao nhất nền kinh tế thứ tư của thế giới.

Quá khứ “Cộng sản”

Thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Liên bang Đức Angela Dorothea Merkel sinh ngày 17/7/1954 trong gia đình của một mục sư và giáo viên – Horst Kasner và Gerlinda Kasner, tại Hamburg. Merkel trúng cử vào Quốc hội Đức từ bang Mecklenburg-Vorpommern, là chủ tịch Đảng CDU từ năm 2000. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức vươn đến vị trí lãnh đạo nước Đức thống nhất, và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Đức kể từ năm 1871. Tính đến năm 2006, bà là thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Thế chiến II.

Quá khứ và riêng tư cuộc đời của Angela Merkel vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn. Ít ai biết Angela với phần lớn tuổi trẻ của mình sống ở Đông Đức. Năm 1961, Angela đến trường và theo hồi ức của các giáo viên và bạn học, Angela là một cô bé dễ thích nghi, nhưng kín đáo. Mới học lớp 2, Angela đã tham gia nhiều phong trào, tự nguyện và không bị áp lực từ cha mẹ. Cô bé Angela tiếp tục các hoạt động xã hội của mình trong Liên minh Thanh niên Đức Tự do (SSNM) – nơi nữ Thủ tướng tương lai làm công tác tuyên truyền vận động.

Trong những năm đại học, Angela đã gặp nhà văn bất đồng chính kiến ​​Rainer Kunze; qua lời nhận xét cá nhân, nhà văn yêu thích cô. Theo Merkel, cô đã từ chối hợp tác với tình báo của CHDC Đức – Stasi, với lý do không có khả năng giữ bí mật. Bản thân Angela cũng thừa nhận sự ngưỡng mộ đối với nước Mỹ và giấc mơ Mỹ. Gần như việc đầu tiên mà bà Merkel làm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ là tới thăm California.

Trong một thời gian dài, chính trị đối với nữ Thủ tướng tương lai không phải là mối quan tâm hàng đầu. Năm 1978, Angela tốt nghiệp Khoa Vật lý Đại học Leipzig và làm việc tại Viện Hóa lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức, tham gia vào nghiên cứu trong lĩnh vực hóa lý thuyết và phân tích. Angela tham gia các hoạt động chính trị song song với công việc chính, đồng thời, giữ thái độ trung lập – không tham gia bất kỳ đảng phái nào và không tham gia phong trào đối lập.

Khởi đầu sự nghiệp chính trị

Cuối thời kỳ tồn tại của Đông Đức, sự nghiệp chính trị của Angela Merkel thực sự bắt đầu. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin là một động lực để nữ Thủ tướng tương lai hành động. Viễn cảnh Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức bị giải thể là rõ ràng, vì vậy Angela quyết định tham gia Đảng Đột phá Dân chủ mới được thành lập – một lực lượng chính trị đối lập ban đầu hướng đến các nguyên tắc xã hội dân chủ, nhưng sau đó đã chuyển hướng sang các lý tưởng cánh hữu hơn.

Và Merkel đã gặp may – nhờ việc sắp xếp lại nhân sự, bà được bổ nhiệm làm phó phát ngôn viên của chính phủ Đông Đức. Với cương vị của mình, Angela đã có mặt tại buổi ký kết Hiệp ước thống nhất hai nước Đức. Trong tương lai, Angela Merkel có một sự nghiệp phát triển chóng mặt. Đồng thời, bà không bị ngăn cản bởi việc là phụ nữ, quá khứ Đông Đức, hay rời xa chính trị bởi trình độ học vấn – điều có thể biến cả nhân vật triển vọng nhất thành người thừa.

Đồ họa: Trung Hiếu

Phẩm chất

Merkel được đánh giá là một người chính trực, một kiểu nhà lãnh đạo mới, luôn toát lên sự đồng cảm, ổn định và đáng tin cậy. Khi Helmut Kohl – người thầy chính trị của bà – vướng vào một vụ bê bối tham nhũng năm 1999, bà đã công khai lên án và kêu gọi từ nhiệm dù đã được ông bảo trợ một thời gian dài. Là người “điềm tĩnh”, “thực dụng” và “ngoại giao”, bà thường đóng vai trò là tiếng nói của lý trí và là người kiến tạo các thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận.

Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng thừa nhận rằng nữ Thủ tướng Đức có những quyền lực đặc biệt khi xử lý các cuộc khủng hoảng. Bà chèo chống nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ Eurozone, làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hy Lạp cũng như thuyết phục Nga và các quan chức hàng đầu của Ukraina đối thoại với nhau và khủng hoảng nhập cư.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng qua, bà đã phải vật lộn để tìm được sự đồng thuận với Hungary và Ba Lan về việc họ tuân thủ các quy định luật pháp của EU. Còn vài tháng ở nhiệm sở, bà vẫn là người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời, được coi là một lãnh đạo có lối sống giản dị và tiết kiệm…

Ngày 21/3/2020, truyền thông Đức đã chia sẻ hình ảnh Angela Merkel đi siêu thị mua đồ và bà cũng đứng xếp hàng chờ thanh toán như bao người dân khác. Nữ Thủ tướng Đức cũng là một đầu bếp tài ba, bà thích nấu súp khoai tây, bánh thịt bò xay và bánh mận. Khi đi chợ, Merkel vẫn giữ một thói quen mua sắm rất giản dị. Chồng bà – ông Sauer – cũng là một người tiết kiệm và thường bay trên các chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ.

Thành công

Khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm trách vị trí quyền lực nhất nước Đức vào năm 2005, nhiều người cho rằng Merkel quá thiếu kinh nghiệm và năng lực để trụ vững, tuy nhiên, bà vẫn giữ được ghế của mình. Các phương tiện truyền thông Đức gọi bà “die Mutti” – biểu tượng của sự ổn định thay vì “das Mädchen”, ám chỉ là “cô bé” non nớt. Merkel từng được coi là một nhà lãnh đạo “giải pháp tình thế” khi lần đầu tiên ngồi vào ghế lãnh đạo đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nhiều người đã đánh giá thấp khả năng của bà.

Nhưng Merkel cuối cùng đã lãnh đạo đảng CDU 18 năm cho đến khi từ chức vào cuối năm 2018 và chìa khóa thành công của bà nằm ở sự kết hợp độc đáo giữa xuất thân và năng lực cá nhân. Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Chủ tịch CDU, bà nói được dẫn dắt đảng này là “niềm vui” và “vinh dự” lớn lao. Nhà lãnh đạo Đức cũng ngân ngấn lệ khi rời khỏi bục phát biểu. Bài phát biểu xúc động của bà khi đó đã được các thành viên tham dự đại hội của CDU ở Hamburg hưởng ứng nhiệt liệt với tràng vỗ tay gần 9 phút để cảm ơn; nhiều đảng viên CDU đã đồng loạt đứng dậy, giơ cao các tấm biển với dòng chữ “Cảm ơn sếp”!

Cũng có những thời điểm bà Merkel không tìm kiếm một thỏa hiệp, đáng chú ý nhất là vào năm 2015 khi bà chào đón những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Syria và từ các nơi khác. Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học với quá nhiều người nghỉ hưu và không đủ lao động. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi bà đưa ra quyết định trái ngược với lời khuyên của mọi thành viên Nội các, Giám đốc cảnh sát liên bang và lực lượng biên phòng, với lí do “nếu Đức có thể cứu các ngân hàng, có thể cứu những con người” – “một việc nhân văn, đúng đắn cần phải làm”, khuyến khích các công dân Đức đồng cảm với những người tị nạn có hành động cụ thể.

Nhiều người chỉ trích, đặc biệt sau khi ước tính có khoảng 1,2 triệu người di cư đến Đức trong vòng một năm rưỡi sau đó. Nhưng di dân đang bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Theo Viện Nghiên cứu thị trường lao động và nghề nghiệp Đức, tính đến tháng 2/2020, 49% người tị nạn trong độ tuổi lao động đến nước này từ năm 2013 đã có việc làm; hơn một nửa trong số đó làm các công việc có tay nghề cao và hơn 2/3 là công việc toàn thời gian; 17% khác tham gia vào các chương trình đào tạo có trả lương và 3% tham gia thực tập có lương…

Di sản

Từng là nhà khoa học và Bộ trưởng Môi trường, Merkel cũng chú trọng vấn đề khí hậu ngay từ khi mới lên nắm quyền. Bà đã chủ trì hội nghị Khí hậu đầu tiên của Liên Hợp Quốc tại Berlin và thuyết phục các nhà lãnh đạo khác của G8 chấp nhận cắt giảm khí thải nhà kính. Merkel được coi một trong những nhà lãnh đạo chính trị thành công nhất thế giới. Trong thời gian tại vị, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này từng làm việc với 5 đời Thủ tướng Anh, 7 đời Thủ tướng Italia, 4 đời Tổng thống Pháp và 4 đời Tổng thống Mỹ.

Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới, và giữ vị trí này trong 13 năm tiếp sau đó. Năm 2015, bà được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm bởi vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Năm 2017, Angela Merkel tiếp tục đắc cử thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4 sau kỳ cuộc bầu cử 2017.

Bất chấp tỉ lệ ủng hộ đang ở mức cao hơn 70% (nhờ cách ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều nước châu Âu xung quanh gặp khó khăn), Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 5 và hầu hết các nhà bình luận đều tin bà sẽ kiên định với lời hứa đó. Nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm từng tuyên bố bà mong muốn dành nhiều thời gian hơn để nấu món bánh mận và súp khoai tây trứ danh của mình, ám chỉ bà không có kế hoạch đi diễn thuyết hay đảm đương một chức vụ nào khác. Tuy vậy, ngay cả khi Merkel có ý định rút lui hoàn toàn, bà sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến thế giới trong thời gian dài tới đây./.

 

Exit mobile version