Brexit sẽ bị trì hoãn ít nhất đến ngày 30-6 sau khi các nghị sĩ Anh thông qua đề xuất gia hạn thực thi Điều 50 sau ngày 20-3, một nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh nước này rời EU mà không có một thỏa thuận nào.
Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, quốc hội Anh ngày 14-3 (giờ địa phương) đã nhất trí lùi ngày Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đến sau ngày 29-3 với nhiều kịch bản khác nhau.
Điều này cũng đồng nghĩa một cơ hội nữa đã được trao cho Thủ tướng Theresa May và thỏa thuận Brexit đã hai lần bị đánh bại của bà.
Theo các viễn cảnh được quốc hội đồng ý, nếu kế hoạch Brexit của Thủ tướng May lại bị bác bỏ ngày 20-3 tới, chính phủ sẽ phải tìm cách để thỏa thuận với EU về việc gia hạn thực thi Điều 50 sau ngày 29-3 với thời hạn chưa thể xác định.
Kể cả trong trường hợp thỏa thuận Brexit của bà May được thông qua, bà cũng sẽ phải lựa lời để nói với EU, xin hoãn việc rời khỏi khối này đến sau ngày 30-6 để chuẩn bị các thủ tục mang tính kỹ thuật.
Bất kỳ sự gia hạn nào cũng cần sự nhất trí của các thành viên EU khác. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ gặp nhau vào 21-3 tới, một ngày sau cuộc bỏ phiếu ở nghị viện Anh. Và nếu EU không đồng ý gia hạn trong trường hợp kế hoạch Brexit của bà May tiếp tục bị bác bỏ một lần nữa, London vẫn sẽ phải ra đi sau ngày 29-3 mà không đạt được thỏa thuận nào với EU.
Phát biểu ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết nước Anh sẽ phải chứng minh mọi yêu cầu trì hoãn Brexit, khẳng định các nhà lãnh đạo EU sẽ ưu tiên tránh làm ảnh hưởng tới các tổ chức thuộc EU trong quá trình xem xét giải quyết.
Một số nhà lãnh đạo EU đã nói rằng Anh phải ra đi trước khi một Nghị viện châu Âu mới được bầu ra vào tháng 5 và sẽ nhậm chức trong tháng 7, hoặc tham gia bầu cử EU để tránh bất kỳ thách thức pháp lý nào đối với tính hợp pháp của cơ quan lập pháp của khối.
Giới quan sát nhận định với một quốc hội luôn thể hiện sự chia rẽ sâu sắc tại một loạt cuộc bỏ phiếu trong tuần này, kịch bản Brexit không có thỏa thuận đến ngày 29-3 là vẫn hiện hữu.
Theo Bảo Duy / tuoitre.vn