Việc tìm ra một “hậu Brexit trong mơ” vẫn chưa thể thực hiện được khi cả Anh và EU đều không chịu từ bỏ lập trường của mình trong các vấn đề gai góc.
Các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu và Anh hôm qua (23/7) đã không thể thống nhất được một số vấn đề còn tồn đọng trong vòng đàm phán mới nhất về hậu Brexit. Điều này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về việc hai bên sẽ chịu thiệt hại kinh tế sâu rộng nếu không đạt được thỏa thuận vào cuối năm.
“EU luôn nhất quán lập trường rằng, mối quan hệ đối tác kinh tế với Vương quốc Anh phải được xây dựng dựa trên một sân chơi bình đẳng mạnh mẽ và một thỏa thuận công bằng về nghề cá. Điều này có nghĩa là với việc từ chối từ chối các điều kiện về cạnh tranh công bằng và một thỏa thuận cân bằng về thủy sản, Vương quốc Anh đang khiến cho việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai bên vào thời điểm này trở nên không thể”, nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier nhận đinh.
Cũng theo nhà đàm phán này, những vướng mắc trên cho thấy EU và Anh lại tiếp tục trải qua một vòng đàm phán “tồi tệ” tương tự như vòng đàm phán trước. Việc tìm ra một “hậu Brexit trong mơ” rốt cuộc vẫn chưa thể thực hiện được khi cả hai bên đều không chịu từ bỏ lập trường của mình trong các vấn đề gai góc nhất như nghề cá hay những điều kiện về cạnh tranh công bằng.
Ở phía bên kia, nhà đàm phán chính của Anh về Brexit David Frost cũng phải thừa nhận, hai bên vẫn còn khác biệt quá lớn.
“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, vận tải, hợp tác an sinh xã hội, tham gia các chương trình của EU. Mặc dù vậy, các bên vẫn còn những khác biệt đáng kể. Chính vì thế chúng tôi phải tiếp tục cố gắng trong 1, 2 tháng tới”.
Hiện vấn đề khúc mắc giữa hai bên là Anh đang tìm kiếm một Thỏa thuận thương mại tự do tương tự như một hiệp định mà EU vừa đàm phán với Canada. Trong khi EU muốn đảm bảo cả hai bên đều tuân theo các quy tắc bình đẳng trong hàng loạt vấn đề bao gồm: quyền của người lao động, môi trường và các khoản trợ cấp của chính phủ trước khi tiến tới một thỏa thuận thương mại với Anh thì London muốn giành lại quyền kiểm soát đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của mình, nơi chịu sự chi phối theo các quy tắc của EU trong suốt hơn 40 năm qua.
Nếu chính phủ Anh và EU không đạt được một thỏa thuận trước ngày 31/12 thì có nghĩa là hai bên sẽ phải giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với hàng loạt các quy định nghiêm ngặt và thuế quan sẽ đánh cao hơn đối với hàng hóa đến và đi từ EU.
Do thỏa thuận giữa Anh và EU cần sự phê chuẩn của Quốc hội các nước và vùng lãnh thổ thành viên EU, nên các bên cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 10. Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, việc đàm phán giải quyết tất cả các bất đồng để đi đến một thỏa thuận toàn diện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai, gần như là không thể.
Theo các chuyên gia phân tích quan hệ Anh – EU, điều này dẫn đến khả năng cao nhất, từ nay đến hạn chót, hai bên chỉ có thể đạt được một thỏa thuận hạn chế, có tính chất tạm thời để có thêm thời gian đàm phán cho một thỏa thuận có tính chất lâu dài./.
Theo Vũ Anh Tuấn / vov.vn