Site icon Thời báo Việt Đức

Ba yếu tố chính tác động tới giá khí đốt ở châu Âu

Hình ảnh minh họa được tạo bởi Dall E 3

Cho dù mùa hè kéo dài, đến cuối tháng 11, nhiệt độ mùa đông ở châu Âu sẽ giảm xuống và các máy sưởi bắt đầu hoạt động hết công suất. Khi đó, giá khí đốt bắt đầu tăng lên.

Trang Oilprice đã chỉ ra ba yếu tố sẽ tác động đến giá khí đốt của châu Âu trong mùa đông năm nay gồm: thời tiết, chiến tranh và chuỗi cung ứng. 

Năm ngoái, châu Âu đã may mắn trải qua mùa đông ôn hòa hơn bình thường. Năm nay, tình hình có vẻ khác. Hiện tại, các kho chứa của châu Âu đã đầy nhờ nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định từ Mỹ. Nhưng hiện tại khi mùa tiêu thụ cao điểm đã bắt đầu, nhu cầu sẽ tăng lên. Và mặc dù nguồn cung LNG dồi dào trên toàn cầu, giá vẫn có thể tăng vọt.

Nguồn cung dồi dào nêu trên là nguyên nhân khiến giá LNG giảm nhẹ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương của thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, trước các sự kiện có thể gây biến động giá cả đã được thể hiện rõ ràng sau khi giá chuẩn của châu Âu tăng vọt vì thông tin lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen bắt giữ một tàu chở hàng ở Biển Đỏ.

Trước đó một ngày, Houthi đã tuyên bố sẽ tấn công mọi tàu thuyền liên quan đến Israel. Nhiều người đã coi là động thái trên là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh ở Trung Đông có thể leo thang. Phản ứng của Israel là đổ lỗi cho Iran về vụ bắt giữ, trong khi Iran phủ nhận mọi liên quan. Cả hai bên đều sử dụng ngôn từ mạnh mẽ trong các tuyên bố tương ứng.

Sau tin này, giá khí đốt ở châu Âu tăng thêm khoảng 3%, trong khi giá khí đốt ở Mỹ thậm chí giảm đi một chút. Điều đó một lần nữa nêu bật sự khác biệt cơ bản giữa việc trở thành một nhà sản xuất hàng hóa tự cung tự cấp và một bên tiêu thụ phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ngay cả khi rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, một số nhân vật trong ngành khí đốt tin rằng giá LNG khó có thể tăng nhiều. 

Tuy nhiên, những người khác lưu ý rằng tin tức về tình hình vận chuyển đã trở nên khá quan trọng đối với tất cả các loại hàng hóa, trong bối cảnh khả năng di chuyển qua Kênh đào Panama đã bị hạn chế còn Kênh đào Suez trở nên rủi ro hơn do cuộc chiến Israel-Hamas.

Tình hình thiếu nước do hạn hán kéo dài ở kênh đào Panama đã đẩy giá cước vận tải cao hơn. Không phải tất cả hàng hóa LNG của Mỹ đều đi qua Kênh đào Panama, nhưng các chuyến hàng đến châu Á đều đi qua kênh này. Tuy nhiên, với những biện pháp hạn chế mới được áp dụng, một số khách hàng đã chọn thay thế tuyến Kênh đào Panama bằng tuyến đi qua Kênh đào Suez. Với việc tàu hàng vừa bị Houthi bắt giữ ở Biển Đỏ, các nhà nhập khẩu cũng có thể lo lắng về tuyến đường này.

Trong khi đó, những người mua LNG của Mỹ ở châu Á khác cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế vì vấn đề di chuyển bị hạn chế ở điểm huyết mạch quan trọng giữa Bắc và Nam Mỹ có vẻ như sẽ không được giải quyết nhanh chóng. Điều này cũng sẽ làm tăng giá cước vận tải, ngay cả khi nguồn cung LNG đang dồi dào.

Nói về nguồn cung, nó có thể rất dồi dào, nhưng như sự cố ngừng hoạt động của Freeport năm ngoái đã chứng minh rằng sự dồi dào không đủ để ngăn chặn tình trạng gián đoạn sản xuất và giá cả tăng đột biến. Tháng 6 năm ngoái, Freeport LNG đã xảy ra một vụ nổ khiến cơ sở này phải đóng cửa trong một thời gian. Freeport đã chiếm 1/10 lượng nhập khẩu LNG của châu Âu nên đã góp phần dẫn đến tình trạng gia tăng giá khí đốt vào mùa hè.

Khi thời tiết lạnh cóng của mùa đông sắp kéo đến, giá khí đốt có thể tăng cao hơn, ít nhất là ở châu Âu, đơn giản là do nhu cầu tăng đột biến. Sau khi xả kho dự trữ như vẫn thường thấy vào thời điểm này trong năm, giá toàn cầu có thể phục hồi tốt hơn. Thế nhưng, rủi ro tăng giá vẫn còn đó do những thách thức về vận chuyển và rủi ro gián đoạn ở Trung Đông.

Đức Trí/Báo Tin tức
Nguồn: baotintuc.vn

 

Exit mobile version