Đức có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép chạy xe ở tốc độ không giới hạn (ở một số đoạn trên autobahn). Trên đường ít khi nhìn thấy cảnh sát. Ấy vậy nhưng, như trong bài đầu đã kể, giấy phạt vẫn đến, kèm theo ảnh chụp. Bắn tốc độ xe ở Đức cũng lắm chuyện…
Lái xe ở Đức chịu khó bật radio thì sẽ có thông báo về vị trí của những đèn chụp (tốc độ) bất thường, có lẽ bởi chủ trương ở bên này là ngăn chặn sự vi phạm luật pháp hơn là trừng phạt sau khi phạm luật. Số điện thoại nóng gọi không mất tiền của nhiều làn sóng trực 24/24. Lái xe nào vừa bị chụp hoặc may mắn chạy đúng tốc độ mà tinh mắt nhìn thấy đèn đặt bên đường thì cứ gọi đến thông báo rằng ở khúc đường nào, km thứ bao nhiêu có đèn chụp, thế là nhiều người khác cũng biết.
Tôi đang chạy ngon lành mà xe ngược chiều nháy đèn là y như rằng phải cẩn thận, vì chỉ sau vài km là gặp đèn chụp “phục” bên đường.
Có lần tôi và thằng Peter bạn tôi đi quét vôi thuê ở Hamburg bị chụp. Peter có vẻ không hài lòng, nhân lúc chủ nhà đi vắng chưa vào được nhà, mặc trời mưa nó chạy xe quá vài chục mét trước cái đèn. Cứ đứng ngoài trời mùa đông như thế gần hai tiếng, thấy xe nào chạy hơi nhanh nó lại ra hiệu giảm tốc độ bằng cách khép hai ngón trỏ và ngón cái lại. Mật độ xe đông như thế, tôi chắc hôm ấy Peter làm nhà nước thất thu không ít.
Đấy là trong thành phố, trên đường cao tốc ngoài đèn chụp còn có xe cảnh sát chạy rong ruổi. Đấy chính là những đèn chụp và máy quay di động. Những đoạn đường không hạn chế tốc độ thì không nói làm gì. Có những đoạn quy định 130km mà có ông phóng tới hơn 200km/h thì họ đuổi theo.
Cũng có lần tôi sang Hà Lan đón ông em rể, khi quay về là ban đêm, đang chạy ngon lành nhìn vào gương bỗng thấy lập lòe rồi hiện dòng chữ Đề nghị ngài chạy chậm lại, rồi rẽ phải, rồi rẽ trái. Cứ thế họ điều khiển mình đến một cái sân rộng, có đèn sáng.
Một chàng cảnh sát đứng ngoài, một em cảnh sát xinh đẹp hiện ra như trong phim chào rồi ra hiệu cho diễn viên phụ (là mình) kéo kính xe xuống, hỏi giấy tờ và nhắc nhở: – Từ từ, đừng manh động. Sau đó họ mời xuống xe chống hai tay vào tường kiểm tra hết túi quần túi áo rồi bắt mở cốp xe xem từng ly từng tí. Ngạc nhiên, tôi hỏi thì hóa ra dạo ấy người ta hay chở Marijuana (bồ đà) từ Hà Lan vào Đức nên mới kiểm tra kỹ thế chứ không phải vì chạy xe quá tốc độ.
Đấy là xe nhỏ, xe tải hay xe khách còn có những quy định khắt khe hơn. Để bảo đảm đủ sức khỏe và tỉnh táo tránh gây tai nạn, mỗi xe được gắn một bộ phận ghi chép lịch trình hoạt động của xe (Tachograph). Máy này ghi lại toàn bộ từ khởi hành, giờ nghỉ, tốc độ, tuyến đường, các điểm dừng…v.v… kiểu như một thứ hộp đen của ô tô.
Tất cả được lưu trong một chíp điện tử kẹp chì và cứ 28 ngày thì cho ra một biên bản hành trình. Cảnh sát và các đơn vị chức năng có thể kiểm tra các số liệu này bằng máy đọc riêng. Tài xế xe nào quên hoặc giả vờ quên biên bản này thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà phải nộp phạt 75 hoặc 250 ER.
Những bác tài chuyên nghiệp một ngày không được chạy quá 9 tiếng (tuy nhiên trong tuần có hai ngày được chạy đến 10 tiếng) và cũng không được lái liên tục quá 4,5 tiếng mà buộc phải nghỉ ít nhất 45 phút (liền hoặc chia làm hai lần, thời gian này không được tính vào thời gian nghỉ ngơi trong ngày).
Trong trường hợp vi phạm thì không chỉ lái xe mà cả chủ (công ty) cũng bị phạt theo, mức phạt còn nặng gấp ba lần người lái. Chẳng hạn chỉ được phép chạy 9 giờ một ngày nhưng do tắc đường hoặc định tăng năng suất hoặc mát máy quá mà bác quên chạy lên đến quá hai giờ, tức là thời gian chạy xe trên 11 tiếng trong ngày thì cứ mỗi 30 phút tiếp theo bác phải trả tiền phạt 60 ER và chủ bác phải trả 180 ER.
Thời gian nghỉ không đủ cũng vậy. Nếu như trong 4,5 tiếng phải nghỉ cho đủ 45 phút mà bác lại chỉ nghỉ có 30 phút thì bác phải nộp phạt 30 ER, chủ nộp 90 ER cho sự tích cực ấy. Còn nếu lái xe hăng hái nghỉ thiếu từ phút thứ 16 trở lên thì cứ mỗi 15 phút bác phải nộp phạt 60 ER và chủ lái nộp 180 ER.