Theo báo chí Anh, các băng nhóm tội phạm người gốc Việt ở Anh đang dùng các tiệm làm đẹp để buôn bán phụ nữ, rửa tiền.
Tuần trước, cảnh sát Anh ập vào một tiệp làm móng ở Southmead, Bristol, sau khi nhận được các cuộc gọi thông báo về tình trạng tệ hại của một phụ nữ bị cầm giữ bất hợp pháp ở đây.
Tại đó, họ bắt giữ ba phụ nữ tuổi 46, 24, 21 cùng một thanh niên 18 tuổi tình nghi hoạt động buôn người và nô lệ. Thanh tra Mike Ray cho biết người phụ nữ là nạn nhân đã được đưa đến một nơi an toàn.
Anh phải ra luật
“Cô ấy đang nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chuyên hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nô lệ hiện đại. Ưu tiên của chúng tôi là bảo đảm các nạn nhân được an toàn, trong lúc một cuộc điều tra toàn diện đang được tiến hành để xác định nhóm tội phạm” – thanh tra Ray xác nhận.
Cô gái bị ép “làm việc” trong căn phòng kín bưng phía sau tòa nhà của một tiệp làm đẹp cùng một người bạn trẻ tuổi khác.
Vụ án đó là một trong nhiều trường hợp khiến Bộ trưởng Nội vụ Theresa May (nay là Thủ tướng Anh) công bố một dự thảo luật về nô lệ hiện đại. Văn bản này chính thức trở thành luật ngày 26-3-2015.
Chính quyền London khi đó tuyên bố rằng đạo luật sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất đến các băng nhóm tội phạm, rằng “nếu các anh dính líu đến hoạt động buôn người bẩn thỉu này, các anh sẽ bị bắt, bị truy tố và sẽ phải ngồi tù”.
Tuy nhiên, các tiếp cận của Chính phủ Anh sau đó đối với “nô lệ hiện đại” lại khiến nhiều người gãi đầu.
Những tiệm móng “bình phong”
Tháng 12-2016, có đến 97 cô gái làm việc trong một tiệm làm móng của người gốc Việt bị bắt vì các vi phạm về nhập cư. Phần lớn họ là người Việt Nam, số còn lại đến từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.
Các cô gái là nạn nhân của buôn người được nhà chức trách hứa hẹn sẽ giúp đỡ, trong khi những người khác không có giấy tờ hợp pháp thì bị trục xuất.
Chính quyền London nhanh chóng gọi đây là một chiến thắng trước nạn nô lệ hiện đại, nhưng các nhà vận động chống nô lệ lại tỏ ra bối rối.
“Tôi nhớ mình có đọc báo và tự hỏi tại sao những phụ nữ này lại bị bắt vì tội vi phạm nhập cư, sao không phải là đám chủ của họ bị bắt vì các tội danh nô lệ hiện đại” – ông Jakub Sobik thuộc tổ chức Anti-Slavery International (Chống nạn nô lệ quốc tế), đặt câu hỏi.
“Điều đó thật khó hiểu. Nó cho thấy có vấn đề trong công tác phòng chống tội phạm nô lệ hiện đại, vốn thường xuyên bị chính phủ nhìn qua lăng kính nhập cư. Các tiệm làm móng – đặc biệt là những tiệm chủ người gốc Việt – vẫn đang được các tay buôn người sử dụng làm bình phong nhằm bóc lột nạn nhân” – ông Sobik nhận xét.
Không phải ở tất cả tiệm làm móng của người Việt đều xảy ra tình trạng bóc lột, nhưng thực tế là các cơ sở này thường xuyên xuất hiện trong các nghiên cứu của chúng tôi
Ông Jakub Sobik thuộc tổ chức Anti-Slavery International
Lợi nhuận khủng từ trồng cần sa
Trong một báo cáo năm 2014, Anti-Slavery International nhận định Việt Nam là quốc gia có số nạn nhân trẻ em bị buôn người nhiều nhất tại Anh, chủ yếu là để trồng cần sa.
Lợi nhuận từ cần sa có thể lên đến nhiều triệu USD, tiền này sau đó được rửa thông qua các doanh nghiệp sở hữu bởi các băng nhóm tội phạm, ví dụ như tiệm làm móng, trước khi được chuyển về Việt Nam theo dạng tiền mặt.
Các nguồn tin cảnh sát Anh tiết lộ không có gì ngạc nhiên khi một sự gia tăng đột biến trong sản lượng cần sa trùng hợp với sự gia tăng số lượng các tiệm làm móng.
Một số trẻ em người Việt không có giấy tờ tùy thân được nhà chức trách tại Anh phát hiện thường khai rằng các em được dặn tìm đến tiệm làm móng gần nhất khi đặt chân đến bất cứ thị trấn hay thành phố nào của Anh.
Những đứa trẻ này sau đó bị chuyển đến làm việc trong một trang trại trồng cần sa bất hợp pháp hoặc một tiệm làm móng khác.
Cho đến nay tình hình vẫn không có gì thay đổi.
“Ở Anh, các tiệm làm móng của người gốc Việt là một vấn đề lớn. Không chỉ là nơi tiếp nhận nạn nhân buôn người, chúng còn là mặt tiền của các hệ thống tội phạm lớn hơn: ban ngày làm móng, ban đêm là nhà thổ, đôi khi còn dính líu đến các mạng lưới ma túy – đặc biệt là các trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh – trong vai trò rửa tiền. Các băng nhóm gốc Việt dường như đã chiếm được một miếng lớn của thị trường cần sa Anh. Chúng thường xuyên chuyển lậu người Việt sang để làm việc cho chúng, đa phần là trẻ em dưới 18 tuổi” – ông Sobik chỉ rõ.
Trả ít tiền và bóc lột
Một cuộc điều tra gần đây của báo New York Times (Mỹ) phát hiện ra thợ làm móng thường xuyên bị chủ trả ít tiền, bóc lột không thương tiếc và phải chịu đựng một số hình thức bạo hành khác.
Số lượng các tiệm làm móng ở thành phố New York đã tăng hơn 3 lần trong 10 năm qua lên hơn 2.000!
“Nước Anh cũng không khác biệt. Trò lừa đảo thường là: người dân ở Việt Nam được chào mời một công việc ở nước ngoài với mọi chi phí ăn ở, vé máy bay được chi trả. Sau đó, họ đặt chân đến Anh với số nợ có thể lên đến 10.000 USD và bị giam giữ trong các tiệm làm móng. Họ được yêu cầu phải ở yên đó cho đến khi trả hết nợ, và đôi khi còn lâu hơn, trong điều kiện sinh hoạt tồi tàn” – ông Sobik cho biết.
Cơ quan Chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) trong báo cáo năm 2017 nhận định quy mô thật sự của nạn nô lệ hiện đại không ngừng tăng theo từng năm và xu hướng sẽ còn kéo dài. Năm 2014, Bộ Nội vụ Anh ước tính nước này có khoảng 10.000 – 13.000 người là nạn nhân của nạn buôn người.
Ông Sobik cho rằng chính phủ Anh cần phải tách bạch hai chiến lược quốc gia về nhập cư và nô lệ hiện đại nếu họ muốn đạt được một kết quả nào đó.
“Đừng nhìn vào hộ chiếu của nạn nhân, cứ giúp họ đi. Nếu anh muốn truy tố mấy tay buôn người, anh cần các nạn nhân đứng trước tòa làm chứng chống lại chúng. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra nếu các anh gom mọi người lại vì vi phạm nhập cư rồi trục xuất họ. Chúng tôi biết khoảng 1/3 các nạn nhân bị tái buôn người, do đó cần phải làm nhiều hơn cho họ. Họ cần sự giúp đỡ và ủng hộ lớn hơn” – ông Sobik tỏ ra phẫn nộ.
Bộ Ngoại giao Anh khẳng định thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế, họ cam kết sẽ chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại đến năm 2030.
Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi liệu nó có thật sẽ bị nhổ tận gốc không, nếu như ở ngóc ngách nào cũng hiện diện loại tội phạm này.
Theo Minh Trung / tuoitre.vn