Site icon Thời báo Việt Đức

Bảo vệ con khỏi bị bắt cóc lạm dụng như thế nào? (Phần 1)

Ảnh minh họa: pixabay.com

LTS: Mới đây khi tư vấn qua điện thoại, một nữ quý độc giả nấc lên nghẹn ngào tới mức phải ngừng giữa chừng, hẹn lịch gặp tại văn phòng. Sau bao năm tháng đoạn trường xa cách, chồng chị phải vượt qua bao trắc trở mới có thể đón được 2 mẹ con sang Đức. Khi đó con gái đầu lòng đã bước vào lớp 5 trong nước. Cả nhà đoàn tụ, hạnh phúc, sung sướng tưởng như trời đất đã ban hết cho mình. Nhưng cuộc đời thật khó cho ai tất cả, hai mẹ con lạ nước lạ cái, tiếng Đức bập bõm, tất tận người chồng đều phải cáng đáng. Bán quần áo ngoài quầy, chồng phải hướng dẫn hàng năm trời vợ mới quen. Xong, chiều lại tất tả vội vã về kèm con học tiếng Đức, mặc dù nó đã phải học tụt một năm. Dần dà, cả nhà cũng vượt qua được nỗi lận đận ban đầu, hài lòng với cuộc sống bình lặng nơi thôn dã, gói gọn trong gia đình; thân tình với bà con lối xóm người Đức. Con gái tới tuổi dậy thì, trở thành thiếu nữ, phổng phao, căng tràn sức sống. Nhưng rồi, một ngày tai hoạ bỗng đổ ụp xuống. Chị được Sở Thanh thiếu niên tới tận quầy hàng báo tin, con gái bị cha cưỡng hiếp, đã được họ đưa tới chỗ bí mật an toàn. Họ đề nghị chị gửi cho con tư trang, sách vở đồ dùng học tập. Chị bị bất ngờ, thất thần, không còn hiểu trời đất gì nữa, bởi đã phó thác thân phận cho chồng, tin tưởng tuyệt đối. Quen phụ thuộc chồng, chị không biết phải làm gì khi điều vô lý lại là sự thực. Đóng cửa hàng, chị cuống cuồng chạy về nhà, tra hỏi chồng với tưởng tượng Sở thanh thiếu niên nhầm lẫn. Chồng một mực bác bỏ. Nhưng trước sự thực đứa con chị qúy hơn cả mạng mình bị mất tích, chị đau đớn tột cùng, không thiết ăn thiết ngủ gì nữa, chỉ biết đập đầu lạy trời vái đất khóc lóc thảm thiết. Chồng chị chẳng còn cách nào đành tránh mặt bỏ đi. Hai ngày sau, con gái mới gọi điện về nức nở kể hết mọi tình tiết uất hận cho mẹ. Hành vi loạn luân của bố xảy ra khi con gái đi học về, nóng nực, cởi quần áo vào buồng tắm. Bố vẫn có mặt ở nhà như mọi bận. Nhưng lần này, bố bất thần đẩy cửa phòng tắm, người trần truồng đòi bố con tắm chung. Với nữ tính nhạy cảm, sợ hãi, con gái phản kháng, vùng chạy. Trong cuộc giằng co, may sao con gái giật kịp chiếc áo khoác tắm, vắt sau cánh cửa, choàng vội lên người, thoát ra ngoài chạy một mạch đến thẳng Sở Thanh thiếu niên. Mặc cho mẹ khóc lóc kêu con trở về đã có mẹ, van xin con ở đâu để mẹ đến đón, con gái nhất mực từ chối, con sẵn sàng chết chứ không thể nhìn mặt bố, và ra điều kiện, chỉ khi mẹ bỏ bố, thì con mới nhận mẹ. Một gia đình sau bao gian nan, đang tràn đầy hạnh phúc, bổng tan nát, thê lương, gây nên vết thương lòng không thể chữa, đeo đuổi cả cuộc đời.

Nhằm trả lời câu hỏi, phải bảo vệ con khỏi bị bắt cóc lạm dụng thân thể như thế nào, những tổng kết kinh nghiệm của các chuyên gia dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ phòng tránh, đặc biệt đối với những thảm nạn không thể nào ngờ, quá sức tượng tưởng, như trường hợp nữ qúy độc giả trên!

Bảo ban con thường xuyên: Hãy giải thích cho con những nguy cơ tiềm ẩn khi tiếp xúc với người lạ. Tùy độ tuổi và sự hiểu biết tình dục, hãy cho con biết nên tin vào cảm giác của mình, lắng nghe xem bản thân có muốn hay cảm thấy thoải mái không. Con phải biết rằng mình được phép và phải nói “Không” khi cần.

Dạy con phản kháng: Con phải học cách phản kháng. Nếu bị tấn công, hoàn toàn có thể đấm đá xung quanh để tư vệ, cả khi chống lại người lớn.

Bảo con hét to: Hãy dạy con phải hét to khi bị bắt nạt.

Luyện cho con biết cách bỏ chạy: Bỏ chạy luôn là cách tốt nhất, hơn bị rơi vào tay kẻ xấu do đa số người lớn luôn mạnh. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp kẻ tấn công có vũ khí. Hãy cho con biết sợ hãi không có nghĩa là hèn nhát. Trái lại, bỏ chạy trong những tình huống này lại rất quan trọng.

Chỉ cho con cách tìm hiểu đường đi: Hãy cùng con tìm hiểu đường đi học. Không được đi qua khu vực vắng người, nếu có lối đi khác có dân cư. Đường đi học nên cùng một lộ trình. Điều này cũng giúp việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Hãy quan sát cả đường vòng và đường thay thế trong trường hợp khẩn cấp.

Hướng dẫn chỗ cầu cứu: Hãy tìm ra những “chỗ cầu cứu”. Đó là các trạm điện thoại khẩn, cửa hàng, quán ăn, nơi con có thể chạy tới kêu cứu. Hãy cùng con đến những địa điểm đó và nói chuyện với người bán hàng, chủ quán về ý định này. Qua đó, con sẽ ít ngại ngùng hơn khi cần giúp đỡ.

Hạn chế để con một mình: Nếu có thể, hãy đưa con đến trường hoặc sắp xếp để những đứa trẻ trong khu vực gặp nhau tại một địa điểm rồi cùng đi học.

Không để con đi đường vòng về nhà: Hãy cho con biết, sau khi tan học phải về nhà ngay, trừ khi có thỏa thuận khác.

Cho con làm quen bạn bè, hàng xóm: Hãy làm quen bạn học của con và những đứa trẻ hàng xóm. Qua đó có thể đánh giá được con chơi với những đối tượng nào. Khi đó, sẽ dễ dàng nhận biết khi người lạ tìm cách tiếp cận con.

Không để chơi một mình: Hãy cùng con tìm hiểu khu vực xung quanh nhà. Không nên để con chơi ở những nơi cha mẹ cảm thấy không an toàn. Cho con biết không nên chơi khi chỉ có một mình. Hỏi chuyện con: Hãy nói chuyện với con về các sự kiện bất thường như có người lạ nào bắt chuyện hay không? Người đó muốn gì? Tội phạm hình sự thường xây dựng mối quan hệ lâu dài để có niềm tin từ đứa trẻ.

Cấm con không bao giờ đi với người lạ: Một quy định cũ nhưng luôn đúng: Cấm con không được tiếp chuyện với người lạ. Và tất nhiên: Không bao giờ lên xe lạ và đi theo người lạ.

Nhắc con không tiết lộ dữ liệu cá nhân: Không để người lạ biết con tên gì, sống ở đâu. Khi đó, không ai có thể rình rập con trước cửa nhà.

Thể hiện cho con biết bố mẹ rất tin con: Hãy tin tất cả những gì con nói và cho con biết điều đó. Con chắc chắn sẽ không cố tình nói dối về những tình huống nguy hiểm và khó chịu.

NHỮNG DẤU HIỆU NGHI VẤN

Đa số những trẻ bị lạm dụng thường không nói ra chuyện gì đã xảy ra với chúng. Do đó, cha mẹ nên quan sát để phát hiện ra những biểu hiện bất thường. Không phải biểu hiện nào cũng là dấu hiệu bị lạm dụng. Tuy nhiên, càng có nhiều biểu hiện bất thường, khả năng bị lạm dụng càng cao. Hãy lưu ý khi con có những biểu hiện sau: Hành vi kích dục (bắt chước thủ phạm, ham mê tình dục); Tình trạng sợ hãi, mất ngủ, gặp ác mộng; Cảm giác mình không có giá trị, rối loạn các mối quan hệ, thu mình, bỏ trốn; Đái dầm, đi ngoài, mút ngón cái, nói lắp, gặm móng tay; Tự hành hạ bản thân, tự tử, trầm cảm, thu mình vào thế giới tự tưởng tượng, nói dối; Gặp khó khăn trong học tập, không có bạn bè; Biếng ăn hay nghiện ăn, bệnh da liễu, đau đầu, đau bụng. Đối với những đứa trẻ lớn: Lạm dụng rượu bia, ma túy.

(Còn tiếp)

Trần Nguyễn

Exit mobile version