Site icon Thời báo Việt Đức

Bầu cử “né” phong trào dân túy

Ảnh minh họa: pixabay.com

Theo quy định, vào đầu tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố báo cáo về ngân sách và tăng trưởng của các quốc gia thành viên, cũng như của Khu vực đồng tiền chung EUR. 

Tuy nhiên, việc này có thể sẽ tác động tới chiến dịch tranh cử của Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 26-5 tới, do lo ngại các dự báo đưa ra trong báo cáo thiếu tính “chính trị” và trái với những khuyến nghị của các quốc gia thành viên. Do vậy, EC dự kiến sẽ lùi thời gian công bố báo cáo về ngân sách và chính sách kinh tế – xã hội của các quốc gia thành viên vào ngày 29-5, tức 3 ngày sau bầu cử.

Động thái này cho thấy EC muốn tránh sự chống phá của các đảng dân túy đang dâng cao tại nhiều nước, như Italy, Pháp…. EC lo ngại các đảng này sẽ sử dụng báo cáo cho chiến dịch tuyên truyền chống châu Âu trong bối cảnh nhiều nước đang rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách hoặc suy thoái kinh tế, khiến chính phủ phải nhượng bộ trước sự trỗi dậy của các đảng dân túy từ nhiều tháng nay.

Italy là nỗi lo lớn nhất của châu Âu khi liên minh giữa đảng cực hữu Lega và phong trào dân túy cánh tả 5 sao từ chối xem xét lại dự thảo ngân sách của mình. Trước sức ép rất lớn từ các tập đoàn tài chính và giới chủ, Chính phủ Italy cuối cùng cũng phải nhượng bộ hồi giữa tháng 12-2018 bằng cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2019 từ 2,4% xuống 2% GDP.

Tuy nhiên theo giới phân tích, Italy rất khó có khả năng đạt được mục tiêu này vì đang trong tình trạng suy thoái kinh tế. Còn theo The Economist (Anh), lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn ở Italy, Phó Thủ tướng Matteo Salvini, sẽ thúc đẩy việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào cuối năm 2019 hoặc trong nửa đầu năm 2020.

Không chỉ Italy, nước Pháp cũng nằm trong số các quốc gia “có vấn đề về ngân sách” của châu Âu. Để đối phó với sự phản kháng của lực lượng Áo Vàng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải chấp thuận mọi yêu sách của lực lượng này, trong đó có việc nâng lương tối thiểu. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể lại làm tăng thêm thâm hụt ngân sách, vượt quá mức sàn của châu Âu là 3%, khiến cho uy tín của Tổng thống Pháp hiện cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Tại Bỉ, tuy tình hình ngân sách vẫn cách mức sàn thâm hụt của châu Âu khá xa, nhưng Ngân hàng Trung ương của nước này vừa một lần nữa cảnh báo Brussels chưa có đủ nỗ lực để cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Tỷ lệ nợ trên tài sản của Bỉ vẫn cao hơn GDP, trong khi thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng thêm 8 tỷ EUR trong năm nay, tương đương 1,7% GDP. 

Các đảng cực hữu châu Âu vui mừng trước khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp, sức ép đè lên chính phủ ở Italy, dẫn đến uy tín của các chính phủ này bị sụt giảm trên chính trường châu Âu. Việc các đảng cực hữu đã có mặt trong liên minh cầm quyền ở nhiều nước châu Âu và nói lên những tiếng nói đi ngược, cho thấy cuộc bầu cử EP sắp tới sẽ là cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và phong trào hoài nghi châu Âu, vốn đang dựa vào tâm lý bất mãn và giận dữ của người dân trước những vấn đề từ cuộc khủng hoảng người di cư, khủng hoảng kinh tế, cũng như những mâu thuẫn khác trong xã hội. Đã có dự báo manh nha cho rằng khả năng tại cuộc bầu cử EP sắp tới, lực lượng dân túy sẽ giành chiến thắng trên bình diện châu lục.

Theo Hạnh Chi / sggp.org.vn

Exit mobile version