Site icon Thời báo Việt Đức

Bí quyết khiến sản phẩm Đức vượt trội Nhật Bản

Dân tộc Đức bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa rất muộn. Khi Anh, Pháp hoàn thành thời cách mạng công nghiệp, Đức vẫn còn là nước nông nghiệp. Người dân Đức bước vào công nghiệp hóa vẫn còn phải học tập kỹ thuật của Anh, Pháp, làm nhái các sản phẩm tiêu dùng. Vì thế, vào ngày 23/8/1887, Quốc hội Nghị viện của Anh đã thông qua sửa đối “Luật thương hiệu”, yêu cầu tất cả các hàng hóa của Đức nhập khẩu vào lãnh thổ nước Anh và nước thuộc địa của Anh phải đăng ký “hàng sản xuất tại Đức”. Lúc đó hàng “Made in Germany” trên thực tế mang màu sắc thương hiệu rất nhạt nhòa.

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Thời kỳ đầu Đức tiến vào công nghiệp hóa, nghiên cứu khoa học của đại học và lĩnh vực sản xuất hoàn toàn tách biệt. Mặc dù “trung tâm khoa học thế giới” nằm tại Đức, có nhiều du học sinh Mỹ lấy học vị tại Đức, nhưng sau khi học xong, họ không làm nghiên cứu tại trường đại học mà đi tới các thành phố để mở xí nghiệp.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 19, khoa học gia nước Đức sang Mỹ xem xét, phát hiện khoa học kỹ thuật đóng góp vào sản phẩm công nghiệp của Mỹ rất cao, lúc này họ mới minh xác đưa ra phương thức “lý luận kết hợp thực tế”, đồng thời bắt đầu dồn lực sử dụng phát triển của khoa học.

Do Đức có nền tảng khoa học cơ sở mạnh, nên họ nhanh chóng thiết lập được liên kết khoa học lý luận và công nghiệp thực tiễn, từ đó chỉ trong nửa thế kỷ đã có đội ngũ khoa học gia hàng đầu thế giới, kết hợp cùng đội ngũ kĩ sư và công nhân kĩ thuật trong “cuộc cách mạng động cơ đốt trong và điện khí hóa”, khiến công nghiệp kinh tế Đức phát triển nhảy vọt.

Từ đó trở đi, máy móc, hóa chất, điện cơ, quang học của Đức cho tới đồ dùng nhà bếp, dụng cụ thể thao… đều trở thành sản phẩm chất lượng vượt trội trên thế giới, sản phẩm “Made in Germany” trở thành thương hiệu của chất lượng và uy tín. Các công ty danh tiếng nhất của Đức hầu như đều phát triển lên từ giai đoạn này và duy trì cho tới nay.

Coi trọng “uy tín phẩm chất” không tham “cái lợi trước mắt”

Đức không phải là một dân tộc “có mới nới cũ”, người dân Đức thích ký ức lịch sử, ký ức văn hóa. Tôi biết một vị giáo sư người Đức, trong gia đình ông có máy thu âm to như rương gỗ mộc có trước thập kỷ 60, chất lượng rất tốt, vẫn dùng được bình thường. Tôi hỏi ông: “Ông vẫn còn dùng đồ cổ thế này ư?” Ông bảo: “Đúng vậy, khi tôi nhìn nó, tôi nghĩ tới thuở thơ ấu khi có máy thu thanh, đối với tôi, nó rất đáng quý”.

Bút bi do người Đức làm ra, khi ném xuống đất hơn 10 lần, nhặt lên vẫn dùng được y nguyên. Nhà ở của người dân Đức được xây dựng 120 năm không đổ, sau khi bị chiến tranh phá hủy, người Đức vẫn nhất định xây dựng lại nguyên dạng.

Có một bức ảnh công trình kiến trúc của Đức tên là “nước Đức không thay đổi”, cho thấy phòng ở của người dân Đức sửa lại sau Thế chiến thứ II, hoàn toàn đều mang phong cách cuối thời kỳ trung cổ và phong cách Baroque Rococo. Tại  sao như vậy? Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, các thành phố của Đức hầu như là một đống hoang tàn, những căn phòng cổ như thế này đều bị pháo nổ phá hủy, người dân Đức vô cùng đau lòng, bởi vì người Đức thích văn hóa của mình. Vậy làm sao đây? Người Đức nhất định tìm những bức ảnh, những thiết kế trước đây để trùng tu lại nguyên dạng. Ngày nay khi bạn tới Đức sẽ thấy phần lớn các thành phố không có kiến trúc hiện đại, chỉ toàn mang phong cách thời đại Baroque Rococo.

Nước Đức có nhà hát Hoàng Gia trong Thế chiến thứ II bị phi cơ Mỹ phá hủy, người dân Đức vô cùng đau lòng vì nhà hát này đã được thiết kế và xây dựng 200 năm. Làm sao đây? Sau Thế chiến thứ II, họ lấy những mảnh vụn còn lại, tập hợp các nhà khoa học, nhà văn hóa, khảo cổ học, kiến trúc sư, công nhân kỹ thuật, lên tới 100 người, tốn 35 năm khôi phục từ những viên gạch ngói đổ nát, ngày nay nhìn lại nhà hát Hoàng Gia, không thể biết được tòa nhà từng bị đạn bom phá hủy nay đã phục hồi trở lại, kiến trúc này đã trở thành “di sản văn hóa thế giới”. Người của tổ chức khoa học giáo dục văn hóa của Liên Hợp Quốc cho biết: “Bản thân hành động này cũng chính là di sản văn hóa thế giới”.

Điều này được lý giải bởi tình yêu và sự tôn trọng văn hóa của đất nước, nên nó được gọi là “Nước Đức không thay đổi”.

Do phát triển kinh tế của Đức không phụ thuộc vào thị trường bất động sản, nên cạnh tranh trong ngành kiến trúc rất lớn, tiêu chuẩn đặt ra cũng rất cao. Ở nước Đức bạn không bao giờ có thể nhìn thấy hai tòa kiến trúc giống nhau. Bởi vậy, người ta nói kiến trúc sư Đức chú trọng không phải vào “cái lợi trước mắt” mà là vào “uy tín danh tiếng”.

Ảnh minh họa: https://pixabay.com

Một người chỉ kinh doanh một lần 

Tại một cuộc họp báo, phóng viên nước ngoài hỏi ông Peter Von Siemens:

“Tại sao Đức có dân số 80 triệu người, mà lại có hơn 2.300 nhãn hiệu nổi tiếng thế giới?”

Giám đốc điều hành Siemens trả lời: “Điều này là do thái độ làm việc của người dân Đức chúng tôi, sự chú trọng vào các chi tiết kỹ thuật của từng sản phẩm, nhân viên Đức của chúng tôi có trách nhiệm sản xuất các sản phẩm hạng nhất, cung cấp dịch vụ sau bán hàng tốt”.

Lúc đó vị ký giả hỏi lại: “Mục tiêu cuối cùng của xí nghiệp không phải là tối đa hóa lợi nhuận sao? Quan trọng gì tới trách nhiệm kia?” Vị giám đốc điều hành trả lời: “Không, đó là kinh tế học của Anh Mỹ, người Đức chúng tôi có kinh tế học của riêng mình. Kinh tế học của người Đức chính là yêu cầu hai điểm:

  1. Quá trình sản xuất sản phẩm hài hòa và an toàn.
  2. Tính thực dụng của sản phẩm kỹ thuật cao.

Đó là cốt yếu của sản xuất trong nhà máy, chứ không phải tối đa hóa lợi nhuận.

Hoạt động của nhà máy không chỉ là vì lợi ích kinh tế, thực tế là tuân thủ đạo đức công ty, chế tạo những sản phẩm tốt hơn, hơn hết đó là thiên chức và nghĩa vụ bẩm sinh của các nhà máy Đức chúng tôi! Nói tới “thiên chức”, “thiên chức” nghĩa là gì? Chính là “điều Đấng sáng tạo muốn bạn làm”.

Ở Đức, không có công ty nào qua một đêm có thể đột nhiên giàu lên, nhanh chóng trở thành tiêu điểm toàn thế giới được. Họ đều tập trung vào một lĩnh vực nào đó, một sản phẩm có thể là của “công ty nhỏ”, “công ty chậm”, nhưng có cực ít “công ty sai lệch”, tuyệt đối không có “công ty giả dối”.

Phần lớn họ đều có lịch sử trên trăm năm, chú trọng hết mực vào chất lượng sản phẩm và giá trị của công ty nổi tiếng thế giới, cũng được gọi là “quán quân ẩn hình”. Đức có phân xưởng gia đình làm rượu nho hơn 400 năm. Trong thế chiến thứ II vẫn còn lưu lại, may mắn không bị phi cơ của Mỹ oanh tạc. Công ty lốp xe thương hiệu Horse của Đức đã được thành lập từ năm 1871, hiện tại đều có chi nhánh tại hầu hết các khu vực và thành phố nước Đức. Adidas là một công ty của Đức được thành lập từ năm 1920, tới nay đã có hơn 95 năm lịch sử. Bạn có thể thấy, các công ty của Đức này đều tồn tại rất lâu năm.

Sản phẩm của Đức không cạnh tranh về giá cả, không cạnh tranh với sản phẩm tương đồng, thứ nhất bởi vì có bảo hộ sản xuất, thứ hai là do giá cả không quyết định tất cả, cuộc chiến giá cả có thể khiến toàn bộ ngành sản xuất lâm vào tuần hoàn ác tính. Xí nghiệp của Đức là yêu cầu lợi nhuận nhưng chỉ yêu cầu có thể đảm bảo lợi nhuận căn bản, có tiền có lãi, người Đức cũng không có lòng tham vô đáy, cứ nhất nhất phải yêu cầu lời nhuận, mà là suy xét nhìn xa, nhìn tới vấn đề phát triển lâu dài. Do đó, người Đức thà rằng “đồng thời đảm bảo lợi nhuận căn bản, để bộ phận lợi nhuận chuyển hóa thành sản phẩm chất lượng tốt hơn và dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn”.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện với quản lý Fissler của một cửa hàng dụng cụ nhà bếp tại Berlin, tôi nói “Người Đức các bạn chế tạo nồi có thể dùng được hơn 100 năm, do đó bán mỗi sản phẩm như thế thực tế là mất đi một khách hàng, sau đó họ không cần tìm tới các bạn nữa. Bạn xem người Nhật họ làm cái nồi dùng đến 20 năm thôi, sau mỗi 20 năm khách hàng phải tìm tới họ một lần. Bạn thử nghĩ kỹ xem, các bạn có thấy đáng phải thế không? Các bạn sao phải làm vật gì cũng bền đến thế? Sao không làm chu kỳ sử dụng của nó ngắn hơn chút, không phải các bạn sẽ thu được thêm nhiều tiền lợi nhuận sao?”

Vị quản lý này đã trả lời tôi: “Sao lại nói vậy, tất cả khách mua nồi của chúng tôi đều không phải mua lần thứ hai, đó chính là tiếng lành đồn xa, chính là khiến cho nhiều người hơn nữa tới mua nồi của chúng tôi, hiện tại chúng tôi tất bật với khách hàng đấy! Xưởng đồ gia dụng của chúng tôi là từ một xưởng sản xuất vũ khí chuyển sang sau thế chiến thứ II, tới nay cũng chưa được vài thập niên, đã bán hơn 100 triệu nồi rồi, bạn biết trên thế giới nhiều người như thế nào? 7 tỷ người rồi, còn thị trường gần 7 tỷ người đang chờ đợi chúng tôi!”

Bạn xem, suy nghĩ của người Đức khác biệt, chiến lược kinh doanh của họ cũng không giống bình thường, tại một số lĩnh vực kinh doanh bạn chỉ làm một lần trong đời, bạn đánh giá doanh nghiệp đó tốt là có thể lan truyền tới người khác, người đó lại tới làm khách hàng của doanh nghiệp này, sau đó lại lan truyền tới người thứ ba, mọi người đều như thế.

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Hướng tới bản chất, cân nhắc sự lâu dài

Ngày nay, chỉ có ba thành phố tại Đức, cụ thể là Berlin, Hamburg, Frankfurt, được coi là “thành phố quốc tế”, các thành phố khác đều là vừa và nhỏ. Tuyệt đại đa số chỉ có khoảng 50 ngàn người, 100 ngàn, 200 ngàn người Đức sống ở một thành phố, thành phố có tới 500 ngàn người thì người Đức đều cho là quá nhiều. Phong cảnh của thành phố ở Đức hầu như đều có đặc điểm là: vị trí cao nhất của đường chân trời thành phố là chóp nhà thờ, bất cứ kiến trúc nào cũng không thể vượt quá nó.

Tôi cùng một vị giáo sư Đức bàn luận về vấn đề này: Tại sao người Đức có thể đúng giờ được như vậy?

Ông giải thích: “Thành phố nhỏ thì dễ đúng giờ. Bạn nếu muốn trong “Thời đại ô tô phổ biến thế này” mà thành phố không có giao thông ách tắc, cần có hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là bất kỳ nhà cao tầng nào cũng không vượt quá 5 tầng, ở Đức bạn muốn xây nhà 6 tầng cần phải quốc hội bỏ phiếu thông qua mới được. Điều kiện thứ hai là bất kỳ thành thị nào cũng phải có một nửa không gian đường lớn. Chỉ cần bạn đồng thời làm được hai điều này, thì sẽ không có ách tắc giao thông ở thành phố”.

Người Đức ngày nay thường chỉ ở các tòa nhà cao tầng tại Berlin, Hamburg, Frankfurt, nó cũng là tòa nhà cao tầng cấp thế giới, nhưng với một điều kiện, tòa nhà cao tầng từ bất kỳ hướng nào chiếu xuống cũng không được áp sát tòa nhà khác.

Vì vậy, tòa nhà càng cao, không gian mở xung quanh càng phải lớn. Điều này được gọi là “Tìm kiếm bản chất của sự vật, để xác định các chiến lược dài hạn.” Người Đức xây dựng nhà, nhất định đều cân nhắc tới những yếu tố phát sinh.

Đức không tin sản phẩm đẹp giá rẻ

Ưu thế của sản phẩm “Made in Germany” không phải là giá cả, ngay cả bản thân người Đức cũng đều thừa nhận “hàng của Đức đẹp nhưng giá không rẻ”. Với người Nhật Bản, bạn có thể thương lượng giá cả, nhưng người Đức thì không thể giảm giá. Người Đức thậm chí không thừa nhận có chuyện “sản phẩm đẹp mà giá rẻ”.

Ưu thế của hàng “Made in Germany “là ở chất lượng, giải quyết vấn đề kỹ thuật đặc biệt, tính ưu việt của dịch vụ sau bán hàng. Thông thường sản phẩm của doanh nghiệp Đức phát triển đều có trình độ hàng đầu thế giới, độ khó cao, các nước khác không có cách nào làm được sản phẩm như thế.

30% thương phẩm xuất khẩu của Đức, ở thị trường quốc tế đều không có sản phẩm đối thủ cạnh tranh. Người Đức sản xuất ra sản phẩm chế tạo công nghiệp, lớn thì có máy đào hầm lò, nhỏ có máy đóng sách dùng cho văn thư, về chất lượng mà nói đều là đứng đầu thế giới.

Đức sản xuất thực phẩm cho trẻ dưới ba tuổi không bao hàm bất kỳ chất phụ gia nào, đều phải là tự nhiên; tất cả sữa bột đều được xếp vào dạng dược phẩm cần giám sát, tất cả sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em đều chỉ được phép bán ở cửa hàng dược phẩm, không được phép bán ở siêu thị, tất cả sôcôla được quy định sử dụng bơ ca cao tự nhiên làm nguyên liệu chế biến và sản xuất, tất cả các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm dưỡng da phải có phòng thí nghiệm và nơi gieo trồng riêng, để đảm bảo nguồn gốc chất lượng của chất hữu cơ tự nhiên.

Sản phẩm hóa chất phi công nghiệp do Đức sản xuất, chẳng hạn như chất làm sạch, nước rửa tay dạng lỏng, chất tẩy rửa, ngoại trừ công hiệu sát trùng bên ngoài, phần lớn đều sử dụng công nghệ phân hủy sinh học, có nghĩa là, vi sinh vật có thể phân hủy các thành phần hóa học để làm giảm thiểu tác hại đối với cơ thể.

Dụng cụ nồi của Đức có chất kháng khuẩn tự nhiên và tính chịu nhiệt cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, dẫn nhiệt hiệu quả rất tốt, cứ thế mọi người nói “sử dụng loại nồi này của Đức, cùng với ngọn nến có thể làm một bữa ăn tuyệt vời”. Một cái chảo của Đức sản xuất có thể dùng hơn 100 năm, do đó có rất nhiều người đều dùng nồi truyền từ thời bà nội để lại. Đối với người Đức, bất kỳ đồ dùng nhà bếp nào cũng thế, chỉ cần mua một lần dùng cả đời, không cần mua lần thứ hai, bởi vì cả đời bạn dùng cũng không bị hỏng.

Nồi ninh súp của Đức toàn làm bằng gang thép, nặng tới nỗi một người đàn ông cũng không di chuyển được, bên trong nắp nồi có hoa văn đặc biệt, tôi hỏi một thương nhân người Đức “những hoa văn này được làm để làm gì?” Anh nói ‘nó che phía sau khiến hơi nước có thể lên xuống tuần hoàn tự nhiên, không dễ bị khô, đây là một dạng kỹ thuật.” Dụng cụ nồi của Đức được làm kín kẽ, nói ba phút sôi thì đúng ba phút sôi, vì thế bạn có thể tiết kiệm không ít tiền khí đốt.

Tôi cũng đã hỏi một vị chủ xí nghiệp của Đức “Có thể dùng được 100 năm không?“ Ông liền đáp “Có nguyên nhân ở hai phương diện. Nguyên nhân thứ nhất là nước Đức chúng tôi không có tài nguyên, hầu như tất cả nguyên vật liệu có của các doanh nghiệp là từ nhập khẩu ở nước ngoài, vì thế phải sử dụng một cách tốt nhất, cố gắng kéo dài khả năng sử dụng, đó chính là tiết kiệm tối đa nguyên vật liệu. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là, người Đức chúng tôi nhận thức rằng chất lượng sản phẩm tốt hay xấu, chủ yếu thể hiện ở việc “dùng lâu bền” hay không.”

Tuệ Minh (biên dịch – nguồn daikynguyen.vn)

 

Exit mobile version