Theo số liệu của Hiệp hội Bảo vệ trẻ em, 90% bố mẹ không muốn dùng bạo lực để dạy con, nhưng chỉ 1/3 thực hiện được điều này.
Đánh đòn vẫn còn là cách dạy con phổ biến của rất nhiều ông bố bà mẹ ngày nay. Tuy nhiên không phải trẻ con trở nên ngoan hơn nhờ những trận đòn roi của cha mẹ.
Câu chuyện người mẹ mất con
Trước đây, một phụ nữ Việt ở Đức, trên 50 tuổi, ly dị, nuôi cậu bé lên bảy tuổi, lại bộn bề công việc nhà hàng, nên luôn chăm chút và nghiêm khắc với con. Lúc nào cũng chỉ sợ con hư hỏng.
Trong khi bạn học người Đức của cậu thì tự do thoải mái, còn cậu thì bị mẹ giám sát từng tí, luôn giữ trong khuôn khổ. Một hôm cậu mải chơi với bạn học bên dãy nhà hàng xóm đối diện, mẹ cậu gọi điện giục về bao lần, cậu cứ lần lữa. Khi cậu về tới cổng, người mẹ quá bực tức cho là thằng con mình bướng bỉnh dám trái lời chống mẹ, giang thẳng tay cho cậu một cái tát trời giáng, rồi quát “tao giết mày”. Đang sẵn ấm ức vì nghĩ bị thua thiệt so với bạn bè, giận mẹ vì luôn bị đe nẹt giám sát, phần vì đau quá, nghe mẹ doạ giết, cậu quay đầu chạy thẳng trở lại nhà bạn trốn.
Mẹ gọi điện kiểu gì cũng không chịu về. Người mẹ đành phải điện đến mẹ bạn cậu bé, nhờ can thiệp, thì được trả lời, nó không về đâu, vì sợ ngài đánh nó. Đang cơn thịnh nộ giận con, người mẹ trút sang cả hàng xóm, doạ luôn: “nếu ngài không bảo nó về được, tôi sẽ báo cảnh sát ngài bắt cóc con tôi.” Người Đức vốn sống theo luật pháp, thẳng thắn, dám đương đầu, trả lời luôn: “tùy ngài”.
Người mẹ bị hoả bốc lên đầu, gọi ngay cảnh sát. Xe cảnh sát tới, cùng người mẹ đến gõ cửa nhà hàng xóm. Bà hàng xóm dắt bé ra cửa, trông thấy mẹ, nó dứt khoát lùi lại. Cảnh sát hỏi, bé có muốn về với mẹ không? Bé trả lời: “Cháu sợ lắm, xin các ngài cho tôi ở đây”. Một bằng chứng pháp lý buộc người mẹ đau đớn phải quay về nhà một mình, khởi đầu cho một quá trình kiện tụng với Sở thanh thiếu niên kéo dài.
Có nên tạo tâm lý sợ hãi cho con trẻ?
Bố mẹ đánh con cái dù với động cơ tốt như thế nào chăng nữa, thì vẫn gây cho chúng sợ hãi. Đòn roi có thể ảnh hưởng đến cơ thể bé nhỏ của trẻ. Với trẻ lớn hơn, đòn roi không những làm các con đau mà còn làm chúng xấu hổ. Mặt khác đòn roi không có nghĩa là chúng biết rút kinh nghiệm và sửa sai. Đánh trẻ sẽ giúp chúng vâng lời nhưng nhiều người không biết điều đó có thể tạo ra tâm lý sợ hãi cho bọn trẻ. Từ đó trẻ mất sự tự tin.
Trẻ con vốn rất ngây thơ, vậy tại sao không từ tốn dạy các bé mà phải đánh, chửi, mắng các em? Những nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tulane đã tìm thấy rằng những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên, bắt đầu từ lúc ba tuổi, thường sẽ cho thấy những hành vi gây rối nhiều hơn so với những đứa trẻ không bị đánh.
Việc lạm dụng đòn roi làm trẻ bị chấn thương về tâm lý và tinh thần. Hành động tát con của người mẹ trong câu chuyện trên sẽ khiến trẻ nhớ suốt đời, có những phản ứng tiêu cực hơn, đối phó lại với những hành vi mà mẹ đang “trừng trị” chúng. Hậu quả là người mẹ Việt đã mất đứa con, bị toà cấm cả gọi điện cho con vì làm nó hoảng sợ. Đứa bé được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi. Bé hiện không nói được nổi một từ tiếng Việt gọn ghẽ và người mẹ vẫn luôn nuôi chí giành lại đứa con, đang hy vọng nó lớn lên sẽ nghĩ lại.
Nghiêm khắc không đồng nghĩa là phải đòn roi
Thay vì bạo lực, nên nói chuyện với con nhiều như có thể và giải thích cho con về những hậu quả có thể xảy ra khi con không nghe lời. Muốn trẻ ngoan thì trước hết người lớn phải gương mẫu, phải khuyên nhủ, phân tích để trẻ hiểu những việc nên làm, những việc không được.
Nuôi dạy con không bạo lực không có nghĩa bố mẹ không được phạt con, khi con không nghe lời hay mắc lỗi. Theo ông Bühre, chuyên gia về luật gia đình, bố mẹ chỉ được phạt con bằng các biện pháp giáo dục như cắt tiền tiêu vặt, cấm con xem ti vi hay chơi máy tính hoặc nhốt trong phòng trong một khoảng thời gian ngắn nhất định. Tuy nhiên, những biện pháp này không được vượt quá ngưỡng sẽ trở thành ngược đãi con.
Tước quyền nuôi conỞ Đức trẻ dưới tuổi vị thành niên từ các gia đình bị khủng hoảng nặng nề sẽ được Sở thanh thiếu niên hay cảnh sát tách ra khỏi gia đình đưa đến cha mẹ giám hộ hay cơ sở chăm sóc, để tránh cuộc sống của chúng bị đe doạ. Nguyên nhân thường do tình huống cấp bách, chẳng hạn khi trẻ không được chăm sóc đúng mức, do cha mẹ nghiện ma túy hay rượu bia nặng, hoặc bị ngược đãi, lạm dụng tình dục. Khi nhận được những thông tin cụ thể, hai nhân viên Sở thanh thiếu niên sẽ đến gia đình đó và quyết định liệu có phải tách đứa trẻ đưa đến chăm sóc tại các cơ sở giám hộ không. Sau đó, họ phải thông báo cho tòa án. Nếu cha mẹ không đồng ý, tòa án sẽ quyết định làm gì với đứa trẻ. Cha mẹ có thể bị phán quyết tước quyền nuôi con. Khi đó chúng sẽ được đưa tới cơ sở chăm sóc tạm thời cho đến khi có thể trở về với bố mẹ, hoặc giao cho gia đình giám hộ chăm sóc. |
Hoài Nam