Site icon Thời báo Việt Đức

Buôn hàng xách tay Australia, du học sinh Trung Quốc kiếm bộn tiền

Ảnh minh họa: pixabay.com

Tận dụng tâm lý sính hàng ngoại của nhiều người Trung Quốc, du học sinh tại Australia đang làm giàu nhờ việc buôn hàng xách tay về nước. 

Đang theo học tại một trong những trường đại học danh tiếng với học phí xếp vào hàng đắt đỏ nhất Australia, Alex Zhu, một du học sinh Trung Quốc, nghĩ ra cách để giảm bớt gánh nặng tài chính cho cha mẹ đang sống ở quê nhà Quảng Tây: buôn sữa bột công thức dành cho trẻ nhỏ và thực phẩm chức năng về nước, South China Morning Post đưa tin.

Cô sinh viên 23 tuổi tại trường đại học Quốc gia Australia khởi động kế hoạch kinh doanh từ tháng hai với công cụ tiếp thị duy nhất là quảng cáo sản phẩm trên WeChat, ứng dụng di động phổ biến tại Trung Quốc cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản.

Sau 7 tháng kinh doanh, hiện mỗi tháng Zhu kiếm được 800 USD-1.500 USD. Và cô sinh viên này dự định sẽ tiếp tục buôn hàng xách tay từ Australia về Trung Quốc trong thời gian du học tại đây.

Zhu chỉ là một trong số khoảng 110.000 sinh viên Trung Quốc tại Australia đang kiếm tiền bằng cách buôn hàng hóa về nước theo nhu cầu của khách hàng. Các du học sinh này tự gọi mình là daigou hay đại lý buôn hàng. Ước tính nếu mỗi daigou chỉ cần kiếm được 8 USD mỗi tuần, tổng doanh thu năm của hình thức kinh doanh này lên tới gần 45 triệu USD.

Đáp ứng tâm lý sính ngoại

Các daigou Trung Quốc thế hệ đầu tiên chuyên xách các sản phẩm xa xỉ như túi xách hàng hiệu từ châu Âu về bán cho tầng lớp trung lưu ở trong nước. Những năm gần đây, trọng tâm đã chuyển sang Australia, khi số du học sinh Trung Quốc tại đây tăng mạnh và người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng lo lắng về chất lượng hàng hóa nội địa.

“Mua sắm giúp người khác giống như mua sắm cho bản thân mình vậy. Nó mang lại niềm vui cho tôi”, Uki Shao, sinh viên 18 tuổi, chuyên buôn bán các loại trang sức hiệu Pandora, phụ kiện Michael Kors và mỹ phẩm Aesop. Cô cho biết thách thức lớn nhất của nghề là thuyết phục được khách hàng tin cô bán hàng thật. “Đôi khi, tôi phải quay video và đăng lên WeChat để chứng minh mình đang ở Australia mua hàng”, Shao nói.

Theo Alex Zhu, khách hàng đặt cô mua đồ vì họ tin tưởng vào chất lượng hàng hóa chứ không phải họ ham giá rẻ.

Cho dù Zhu thường chỉ lấy lãi 10-20% trên giá gốc của sản phẩm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà những người khác rao bán, theo cô, khách hàng mua đồ xách tay chủ yếu vì đặt niềm tin vào người bán và chất lượng hàng hóa.

“Người Trung Quốc thường không tin các công ty lớn, họ tin bạn bè thân quen hơn”, Zhu tiết lộ, “Chính vì vậy công việc kinh doanh của tôi chỉ có thể phát triển qua mạng lưới bạn bè và người thân”.

Ngành kinh doanh béo bở

Theo một số nhà phân tích, các daigou đã gửi tổng cộng 600 triệu USD hàng hóa về Trung Quốc trong năm 2016, theo New York Times. Kinh doanh hàng hóa xách tay đang góp phần thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và Australia tăng trưởng. Trung Quốc, nền kinh tế với quy mô 1,3 tỷ dân, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

“Chỉ thông qua mạng lưới của các daigou, một thị trường mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hình thành”, Peter Cai, một chuyên gia tư vấn của Học viện Lowy ở Sydney bình luận.

Du học sinh Trung Quốc ở Australia cho biết, cứ 10 người trong số họ thì đã có 8 người làm daigou. Đa phần mua và chuyển hàng hóa về nước theo yêu cầu của người quen. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều các đại lý hàng xách tay lớn phát triển thành các doanh nghiệp xuất khẩu chuyên nghiệp.

Doanh thu hàng năm của AuMake, một công ty chuyên cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc, có trụ sở ở thành phố Sydney, lên tới hơn 10 triệu USD. Vừa bán lẻ vừa bán buôn, AuMake tiếp cận cả khách hàng cá nhân lẫn các cửa hàng với tham vọng “hợp nhất hóa thị trường hàng xách tay nhỏ lẻ và manh mún” ở Trung Quốc. AuMake chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán Australia vào tháng 10 tới.

“Mỗi người Trung Quốc ở Australia là một đại lý bán hàng xách tay”, chủ công ty Joshua Zhou nhận xét.

Zhou và vợ Lyn Zheng cùng thành lập AuMake và muốn biến công ty của họ thành điểm trung chuyển hàng hóa và cánh cổng để doanh nghiệp Australia bước vào thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, AuMake chiếm khoảng 5% nguồn cung sữa bột công thức và thực phẩm chức năng từ Sydney vào Trung Quốc. Họ hy vọng trong một vài năm tới con số này sẽ tăng lên tới 50%.

Giám đốc điều hành AuMake, Keong Chan, cho biết thiếu sự hỗ trợ của đại lý nhập hàng xách tay daigou, các nhãn hàng Australia gặp nhiều khó khăn khi cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Công ty sản xuất các sản phẩm từ sữa A2 Milk chỉ là một trong số nhiều công ty của Australia và New Zealand tận dụng mạng lưới daigou để tiếp cận thị trường tỷ dân. A2 Milk đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6 vừa qua. Theo công ty, khoản lợi nhuận 64 triệu USD là nhờ doanh thu tăng vợt 56% so với với năm trước đó sau khi lãnh đạo công ty ra quyết sách mở rộng kênh phân phối hàng hóa qua daigou.

“Chúng tôi tin rằng đây là một cách rất hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và để quảng bá sản phẩm cũng như thương hiệu của chúng tôi”, Peter Nathan, giám đốc điều hành của A2 Milk tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định. “Kết quả kinh doanh cho thấy daigou sẽ tiếp tục là kênh phân phối quan trọng trong tương lai”.

Các nhà phân tích đưa ra ví dụ về một công ty sản xuất sữa bột công thức ở Tasmania phía nam Australia đã cố “hất cẳng” các đại lý xách tay và cuối cùng chịu thua lỗ khi bị hàng loạt daigou trả đũa bằng cách tẩy chay.

“Các daigou mới là người chiếm được lòng tin của khách hàng, không phải là các doanh nghiệp”, theo giáo sư Stuart Orr tại trường đại học Kinh doanh Deakin ở Melbourne.

Tuy nhiên giáo sư Orr cũng cảnh báo những nguy cơ của hình thức thức phân phối hàng hóa qua mạng lưới daigou.

“Những mạng lưới kiểu như thế này không ổn định, không có hợp đồng, không thỏa thuận, cũng chẳng có cơ sở hạ tầng vật chất hay bất cứ thứ gì hữu hình đi liền với nó. Nó có thể thay đổi rất nhanh”.

Theo chuyên gia phân tích đầu tư Alan Edmunds, các doanh nghiệp Australia không hiểu thị hiếu và nhu cầu của khách hàng Trung Quốc, tạo điều kiện cho các đại lý buôn hàng xách tay phát triển. “Dù có hàng hóa tốt, nhiều công ty Australia vẫn vật lộn vì họ không hiểu thị trường”, ông cho hay.

Các nhà phân tích nhận định cho đến khi các công ty của hai nước thỏa mãn được cơn khát hàng Australia của người Trung Quốc, mạng lưới daigou, mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Theo An Hồng / VnExpress.net

Exit mobile version