Site icon Thời báo Việt Đức

Các chiêu thức bảo vệ mật khẩu trước „tin tặc“

Làm sao để có một mật khẩu mạnh, và ứng xử thế nào khi mật khẩu bị đánh cắp?

Tài khoản mạng xã hội hiện được coi là ,,mỏ vàng thông tin‘‘. Đối với „tin tặc“ xâm nhập tài khoản phi pháp (còn gọi là Hacker), mật khẩu như chìa khóa kỹ thuật số, cho phép truy cập cuộc sống cá nhân, bạn bè, đồng nghiệp, danh bạ, hình ảnh, Video và Email. Nguy hiểm hơn, chúng vào tài khoản ngân hàng, đánh cắp dữ liệu giá trị. Muốn tránh khỏi ,,kẻ tấn công‘‘ xâm nhập vào máy tính đánh cắp thông tin quan trọng, cần có mật khẩu mạnh và biện pháp bảo mật hiệu quả.

Nên thay đổi mật khẩu thường xuyên, tốt nhất ba tháng một lần. Ảnh: Norton.com

Để có một mật khẩu đủ mạnh

Hacker không sử dụng bất kỳ ,,thủ đoạn ma thuật‘‘ hay ,,phương pháp kỳ lạ‘‘ để đánh cắp mật khẩu, mà chủ yếu dùng cách ,,đoán‘‘. Chúng sử dụng từ điển, tra cứu, tổng hợp thông tin trên mạng xã hội, từ đó đặt chương trình giải mã mật khẩu. Thế nên muốn bảo vệ thông tin tốt bằng mật khẩu mạnh, người dùng nên lưu ý: Tránh dùng từ, cụm từ phổ biến trong mật khẩu (ví dụ ngày tháng năm sinh; số hộ chiếu; địa chỉ nhà; số điện thoại; tên các thành viên trong gia đình; …).

Khi đặt mật khẩu cần kết hợp chữ hoa và chữ thường, số, ký hiệu, biểu tượng. Tuyệt đối tránh xa những mật khẩu phổ biến: “123456”, “password”, “abcxyz”. Mật khẩu phải ít nhất tám ký tự. Rất khó để đoán mật khẩu nhiều ký tự kết hợp biểu tượng. Tránh dùng từ, cụm từ. Nếu muốn sử dụng, hãy viết từ sai, rút ngắn cụm từ. Ví dụ: từ “mười bốn”(Vierzehn), đổi thành ,,v13rz3hN‘‘. Cụm từ “Tôi thích mua sắm”(I love to shop) đổi thành,,1luv2shop‘‘. – Để phức tạp hơn, hãy thêm các biểu tượng, dấu chấm câu: ,,# 1Luv2shop li>‘‘.

Cần lưu ý rằng không sử dụng cùng một mật khẩu trên nhiều trang Web; Không đưa mật khẩu cho người khác. Nêu sử dụng mật khẩu hai lớp để bảo vệ tài khoản. Nhiều trang Web: Facebook, Twitter, LinkedIn, Yahoo Mail, Gmail và PayPal đều đăng nhập với mật khẩu hai lớp. Khi mất mật khẩu, còn lớp thứ hai bảo vệ. Ngoài ra, cần phải thay đổi mật khẩu thường xuyên, tốt nhất ba tháng một lần. Để gia tăng an ninh mạnh, người dùng có thể sử dụng Norton Identity Safe để tìm mật khẩu có độ khó cao.

Làm gì khi nghi mật khẩu bị đánh cắp

Chương trình “bẻ khóa mật khẩu” hoạt động dựa trên hàng triệu phép thử, tự động phá đến khi tìm ra mật khẩu. Mật khẩu ngắn, đơn giản được giải mã nhanh chóng. Mật khẩu dài, phức tạp: Hacker dùng từ điển dò mật mã. Khi sử dụng mạng xã hội, không sử dụng, chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân liên quan đến mật khẩu. Khi nhận Email lạ kèm đường dẫn liên kết: chặn vĩnh viễn hay báo quản trị mạng để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên nếu không may mật khẩu bị đánh cắp, người dùng cần xác đinh thông tin bị mất trong trường hợp nào: bị xâm phạm quyền riêng tư trên Internet hay rò rỉ dữ liệu cá nhân khi mua hàng.

Từ đó tiến hành kiểm tra tài khoản, đặc biệt tài khoản ngân hàng trực tuyến (Online-Bankkonten). Thay đổi mật khẩu phức tạp trên tất cả tài khoản. Điều này đặc biệt quan trọng khi sử dụng cùng mật khẩu cho các trang khác. Sử dụng mật khẩu hai lớp ở tất cả tài khoản.

Là phương pháp cung cấp một lớp bổ sung cho mật khẩu, đảm bảo rằng chỉ người sử dụng có thể truy cập vào tài khoản cá nhân, cả khi người khác biết mật khẩu. Mật khẩu hai lớp yêu cầu người truy cập đưa thêm một mật khẩu, thường là mã Pin 6 số, được gửi thông qua dịch vụ SMS, hay các ứng dụng miễn phí qua điện thoại, máy tính bảng. Một số nhà cung cấp cho phép in số PIN, tương tự như tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có mặt hạn chế của mật khẩu hai lớp: điện thoại cá nhân, hay danh sách in mã PIN. Điều này bất tiện khi bị mất điện thoại hay quên danh sách mã PIN. Hãy thiết lập thêm cho phép nhận tin nhắn vào điện thoại khác, hay in ra mã Pin khẩn cấp (Notfall-PIN).

UÔNG HÀ NGUYÊN

Exit mobile version