Site icon Thời báo Việt Đức

Các doanh nghiệp cung ứng linh kiện ô tô Đức đứng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển

Trong các năm qua, hầu như tất cả các nhà cung ứng linh kiện ô tô của Đức đều nâng cao năng lực của mình thông qua liên doanh và thâu tóm, đặc biệt ở các lĩnh vực phần mềm, điện và điện tử.

Các doanh nghiệp Đức chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô đi đầu trên thế giới về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Bằng các chiến lược khác nhau, họ đã thành công trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của ngành này.

Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô Đức đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển, mua các phần mềm và tri thức về công nghiệp điện tử. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn PWC thì các doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh tiếp quản, mua các doanh nghiệp khác cho các lĩnh vực có nhiều triển vọng trong tương lai, Trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số các doanh nghiệp này cần phối hợp với các nhà chế tạo ô tô để liên kết mọi khả năng, năng lực của các bên: “Về trung hạn, nếu ngành công nghiệp ô tô Đức không muốn để mất lớp bơ ngon lành trên ổ bánh mì thì cần tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng linh kiện, phụ tùng hàng đầu”, Henning Rennertchuyên gia về công nghiệp ô tô thuộc PwC nói.

“Các nhà cung ứng linh kiện ô tô Đức đã vượt qua giai đoạn cải tổ của ngành công nghiệp ô tô khá tốt ”, theo Richard Viereckl, một đối tác của  PwC. Trong năm qua các doanh nghiệp này đã đạt doanh thu 221 tỷ Euro và chiếm lĩnh 24% thị trường thế giới. Để “duy trì và củng cố vị trí hàng đầu của mình về sáng tạo và chất lượng”, các doanh nghiệp đã dành bình quân 5,7% doanh thu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển – Nhà cung ứng lớn nhất của Đức về mảng này là Robert Bosch trong ba năm qua thậm chí còn dành tới trên 9% cho nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu dành trung bình 3,7% và Hoa kỳ và châu Á chỉ dành khoảng trên 3%.

Rennert cho rằng “trong các lĩnh vực then chốt trong tương lai như điện, tự động hoá, nối mạng và chia sẻ tất cả doanh nghiệp tham gia cuộc chơi  trước mắt phải xây dựng năng lực của mình, Các đối thủ cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là Trung quốc đã bắt đầu có bước tiến mạnh mẽ.“

Dưới đây là một số nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô lớn nhất của Đức

Freudenberg

Năm 2017, Freudenberg đạt vị trí thứ 10, có doanh thu 4,21 tỷ Euro. Doanh thu so với năm trước tăng 40%. Trên bình diện quốc tế, xét về mặt tăng trưởng, Freudenberg xếp thứ hai sau nhà cung ứng Weichai Power của Trung quốc – đạt mức tăng 68%. Sản phẩm mà Freudenberg cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô là các loại gioăng, kỹ thuật rung, loại vải không dệt và bộ lọc.

Eberspächer

Doanh thu 4,48 tỷ (2017), tăng 3,6% so với 2016, do nhu cầu của thị trường thế giới tăng đối với công nghệ làm sạch khí thải.

Brose

Doanh thu 6,31 tỷ Euro. Trên bình diện thế giới, doanh nghiệp này xếp thứ 40 với 26.000 nhân viên ở 23 nước. Ông Kurt Sauernheimerm, chủ doanh nghiệp tiết lộ Brose sẽ tiếp quản các cơ sở mới với tổng giá trị 2,5 tỷ Euro.

Hella KG Hueck

Trong lĩnh vực chế tạo ô tô, Hella kết hợp ba bộ phận phát triển, chế tạo và tiêu thụ. Do nhu cầu thị trường thế giới tăng đối với các sản phẩm về ánh sáng và điện tử nên doanh nghiệp có doanh thu  6,39 tỷ Euro.

Thyssen-Krupp Automotive

Doanh thu tăng 12,1% so với năm trước và đã nhảy lên thứ hạng 30 trên thế giới. Doanh thu của hãng đạt 7,73 tỷ Euro. Thyssenkrupp Automotive có tám cơ sở trên thế giới với 1500 nhân viên.

Schaeffler

Năm 2017 doanh thu của Schaeffler tăng 5,1% so với năm trước đó, đạt 10,87 tỷ Euro.

Mahle

Công ty này có bốn lĩnh vực kinh doanh: hệ thống động cơ và linh kiện, lọc và thiết bị ngoại vi động cơ, lĩnh vực kinh doanh quản lý nhiệt, lĩnh vực hậu mãi và bộ phận cơ điện tử. Doanh thu năm 2017 đạt tổng cộng  12,78 tỷ Euro (so sánh với năm 2016: 12, 32 tỷ).

ZF Friedrichshafen

ZF Friedrichshafen có doanh thu một năm là 33,53 tỷ Euro, tăng trưởng hàng năm đạt 3,6%, chuyên sản xuất bánh răng theo công nghệ mới.

Continental

Ra đời năm 1871, đầu tiên hãng này chuyên sản xuất săm lốp ô tô và sau đó phát triển lên thành nhà cung ứng linh kiện ô tô hàng đầu thế giới: có 235.000 nhân viên làm việc tại 400 địa bàn thuộc 61 nước. Doanh thu nă 2017 đạt 44,01 tỷ Euro, tăng 8,5% so với năm trước đó.

Bosch

Ra đời năm 1886, Bosch là một doanh nghiệp đa quốc gia với 450 công ty con. Từ năm 2004 Bosch vào diện đứng đầu thế giới về cung ứng linh kiện điện tử và cơ điện tử cho ô tô. Do mức tăng trưởng hàng năm đạt 7,8 % và doanh thu đạt 47,38 tỷ Euro nên Bosch giữ vững vị trí số một, cả trong năm nay. Năm 2017 mảng công nghiệp ô tô chiếm 61% tổng doanh thu của tập đoàn.

Mặc dù khoản chi cho nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp sản xuất cung ứng linh kiện ô tô rất cao tuy nhiên lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp Đức tương đương với lợi nhuận của các đối thủ cạnh tranh, theo một báo cáo của công ty tư vấn PwC mới công bố gần đây.

Các nhà cung ứng lớn như  Robert Bosch và  Continental đã số hoá các sản phẩm của mình hoặc mở rộng hoạt động dịch vụ như quản lý đội xe, dữ liệu bản đồ hay chia sẻ các chuyến đi. Gần đây ở lĩnh vực này, các nhà cung ứng thậm chí đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với các nhà chế tạo ô tô với mục tiêu là biến các lái xe thành khách hàng của mình. Các tập đoàn phần mềm mạnh như Google và Microsoft thực ra đã chiếm lĩnh thị trường này, ở một số lĩnh vực năng lực của họ còn lớn hơn nữa và họ cũng đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển. Theo chuyên gia Rennert, nếu ngành công nghiệp ô tô Đức muốn tham gia vào lĩnh vực này thì phải kết nối, hợp tác với nhau.

Theo Nguyễn  Xuân dịch / tiasang.com.vn

Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/auto/spitzenreiter-bei-forschung-und-entwicklung-die-innovativen-pfade-deutscher-autozulieferer/22765074.html

 

Exit mobile version