Site icon Thời báo Việt Đức

Các loại pháo hoa ở Đức và chú ý an toàn khi mua, sử dụng

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ- Sau lễ Giáng sinh, lễ Giao thừa được nhiều người dân Đức mong đợi nhất. Theo quan niệm từ thời xưa, tiếng pháo nổ giúp xua đuổi quỷ dữ. Do đó, vào dịp này, người dân được phép đốt pháo chào đón năm mới. Tuy nhiên, không ít những nguy hiểm có thể gây ra từ pháo. Bởi vậy nhiều quy tắc nghiêm ngặt được quy định khi đốt pháo mọi người nên chú ý.

Các loại pháo hoa ở Đức

Ở Đức có 4 loại pháo, được phân loại theo mục đích sử dụng và mức độ nguy hiểm. Pháo thông dụng nhất, được bán vào dịp Giao thừa thuộc loại 2 như pháo tên lửa (Rakete), pháo phun (Fontäne), pháo Verbundfeuerwerk, pháo La Mã Römische Lichter, pháo đùng Knaller/Böller. Pháo loại 1 là pháo rất bé như pháo hạt đậu (Knallerbse), pháo kẹo (Knallbonbon), pháo bàn (Tischfeuerwerk) hay pháo phát sáng (Wunderkerze). Pháo loại 3 và 4 thuộc pháo tầm trung và lớn, chỉ dành cho những người có giấy phép sử dụng chất nổ, được đốt vào dịp đặc biệt như lễ hội thành phố. Ngay cả khi siêu thị ở các nước lân cận bán tự do loại pháo này, vẫn không được phép mua về Đức đốt.

Chú ý an toàn khi mua và sử dụng

Khi mua pháo, cần để ý số BAM-Nummer hay kí hiệu CE hoặc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Đức ghi trên vỏ, do những pháo có các kí hiệu này đã được kiểm tra an toàn. Không nên mua pháo ở chợ trời hay mua từ nước ngoài mang về Đức, do nhiều loại bị cấm tại Đức bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nếu mua pháo tại siêu thị Đức, có thể chắc chắn 100% pháo đã được kiểm tra và được phép đốt. Các loại pháo tên lửa Raketen, Donner- und Kanonenschläge không được phép cầm pháo trên tay đốt, khi pháo cháy cần duy trì khoảng cách an toàn 8 m. Để tránh hỏa hoạn, trong thời gian cho phép đốt pháo hoa các cửa sổ, cửa ban công, cửa sổ trên mái nhà cần đóng kín. Xác pháo sau khi đốt cần bỏ vào thùng rác thải màu đen không cho vào thùng đựng giấy cũ.

Trung Hiếu

 

Exit mobile version