Site icon Thời báo Việt Đức

Các món ăn châu Á “lên ngôi” tại Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Ẩm thực Châu Á đang trở thành xu hướng được rất nhiều người ưa thích. Đặc biệt, người Việt đã không cần “núp bóng” đằng sau các “quán Tàu”.

Những năm gần đây, xu hướng ẩm thực được nhiều người quan tâm, đặc biệt giới trẻ, bởi nó có những hướng đi vô cùng thú vị và đặc sắc. Trên các trang mạng miễn phí, rất nhiều blogger chỉ chuyên viết và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình về ẩm thực và du lịch thậm chí được biết đến và ca tụng như các ngôi sao làng giải trí. Ẩm thực giờ đây không chỉ là một món ăn ngon, đặc sản, mà còn giống một món đồ trang sức được tô điểm để … “lên sóng” và khoe với thế giới – không đòi hỏi nhiều kỹ nghệ, mà dường như ai thích đều có thể thử tự nấu, tự chế biến theo cách và khẩu vị của mình.

Theo trang blog ẩm thực “nu³ Kitchen”, ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như môi trường nơi mình sinh sống. Một trong những xu hướng ẩm thực sẽ không thay đổi trong năm 2017 là ai cũng muốn biết món ăn của họ chứa những thành phần gì. Ngoài ra, còn phải kể đến trào lưu giảm muối, giảm đường, chế biến theo công thức gốc, mùi vị thật, không pha chế nhiều hương liệu và chất phụ gia, dùng các thành phần được sản xuất trong vùng, nhiều rau xanh v.v… Đặc biệt, những món ăn, đặc sản Châu Á ngày một hấp dẫn và thậm chí dần thay thế những món truyền thống Đức.

Thống kê của Thời Báo Việt Đức từ các trang mạng ẩm thực trực tuyến cho thấy sự đa sắc màu là một điểm nhấn trong xu hướng ẩm thực tại Đức năm 2017. Ngoài các loại rau mà chúng ta vẫn quen thấy chúng mang màu xanh, giờ còn có cà rốt, xúp lơ, măng tây hoặc xà lách màu tím, cà chua màu xanh lá cây mặc dù mùi vị vẫn rất thơm, ngọt. Theo trang kurier.at thì các loại rau có nhiều sắc tố từ xanh dương đến đỏ còn chứa nhiều chất anthocyanin – là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quí ví dụ như: khả năng chống oxy hóa cao, tăng cường sức đề kháng, chống viêm, hạn chế sự phát triển các tế bào ung thư, chống các tia phóng xạ.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Thứ hai, hải sản lên ngôi. Bên cạnh những món cá truyền thống, ngày càng xuất hiện nhiều cách chế biến khác nhau. Các chuỗi nhà hàng Nordsee và sushi cũng như các dịch vụ cung cấp sushi-to-go cho siêu thị được mở ra trên khắp nước Đức và luôn đông khách. Đặc biệt, các món nộm hoặc súp rong biển cũng dần phổ biến, không còn xa lạ với Châu Âu nữa. Thậm chí hãng Simris của Thụy Điển còn chế biến ra nhiều loại trà từ rong biển Châu Âu phục vụ nhu cầu của khách thập phương.

Thứ ba, ẩm thực Châu Á đang trở thành xu hướng được rất nhiều người ưa thích. Đặc biệt, người Việt đã không cần “núp bóng” đằng sau các “quán Tàu”. Ở các thành phố lớn tại Đức, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những quán ăn với thực đơn gồm rất nhiều món dân dã, thuần Việt như bánh mỳ xá xíu, phở, bún chả, cá kho … Các loại mỳ/bún nước của Châu Á như ramen của Nhật Bản, Pad Thai của Thái Lan hay Phở Việt với nhiều rau thơm, nước dùng thanh mát đang dần thay thế các món mỳ béo ngậy phô-mai của Ý – chỉ đơn giản bởi mùi vị nhẹ nhàng, lại được ngồi ngắm nhìn nụ cười trong trẻo và sự phối hợp nhịp nhàng khi chế biến của đầu bếp khiến thực khách dễ dàng liên tưởng đến một kỳ nghỉ thú vị và mới lạ. Đức là một trong những quốc gia tiêu thụ trà đứng đầu thế giới, mà hiện tại, matcha và trà xanh là 2 loại trà đã trở nên ngày càng quen thuộc và phổ biến.

Thứ tư, ăn chay không chỉ theo quan điểm tôn giáo hoặc vì sức khỏe, mà còn là một cách thể hiện trách nhiệm với môi trường và thiên nhiên. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều có thực đơn thuần chay. Thịt chay được chế biến từ đậu phụ, nấm, thậm chí là từ quả mít còn xanh của Brasil. Bên cạnh đó, Street food là ẩm thực đường phố mà đối với người Việt đã không còn xa lạ nữa, nhưng đó lại chính là trào lưu mới nổi lên khoảng hai năm nay tại Đức. Lợi thế của xu hướng ẩm thực này là độ tươi ngon, sự đa dạng và phong phú.

Cuối cùng, sử dụng toàn bộ nguyên vật liệu – tiếng Anh còn gọi là “no waste” (không vứt bỏ) hoặc đối với các loại thịt là “from nose to tail” (nghĩa là dùng toàn bộ “từ mũi đến hông”!!) – cũng giống như ăn chay để bảo vệ môi trường, là một trong những xu hướng bền vững để tiếp cận với thực phẩm. Mục tiêu của phong cách này là tiết kiệm bằng cách nếu thừa đồ ăn thì cùng nhau chia sẻ chứ không vứt, dùng cả nội tạng hoặc xương động vật để nấu súp hay sử dụng cả phần vỏ lẫn rễ của các loại rau củ v.v… Người Châu Âu thường không lấy đầu cá hay xương lợn để ninh làm nước dùng, vì thế đây là cách chế biến hoàn toàn mới đối với họ.

Cẩm Chi

Exit mobile version