Các nước có nền giáo dục tiên tiến đều có nhiều sách giáo khoa nhưng được giám sát bởi những tiêu chuẩn do chính quyền ban hành.
Không có sách giáo khoa chung áp dụng trên toàn quốc ở Nhật Bản. Mỗi trường sử dụng sách giáo khoa riêng từ các nhà xuất bản khác nhau. Tuy nhiên, chúng phải được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) kiểm tra, đánh giá và phê duyệt.
Các tiêu chuẩn giáo dục trường học được đánh giá lại sau 3 đến 5 năm và sách giáo khoa từ các nhà xuất bản cũng được cập nhật theo khung này. Ngoài ra, sách giáo khoa được cung cấp cho học sinh, sinh viên miễn phí, từ nguồn ngân sách chính phủ.
Tại Trung Quốc, sách giáo khoa ở tiểu học và trung học do cơ quan giáo dục cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp huyện chọn. Mỗi khu vực phải chọn ít nhất ba bộ sách giáo khoa trong số những bộ được phép sử dụng.
Kể từ mùa thu năm 2019, một số trường tiểu học và trung học của Trung Quốc bắt đầu sử dụng tài liệu giảng dạy thống nhất trên toàn quốc do Bộ Giáo dục ban hành ở ba môn là Lịch sử, Hán ngữ cùng Đạo đức và Pháp quyền. Tài liệu này dự kiến được sử dụng cho tất cả cấp học trong cả nước vào năm 2025.
Theo lãnh đạo Cục Tài liệu giảng dạy thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, sách giáo khoa mới cho ba môn học trên sẽ “phản ánh ý chí quốc gia cũng như các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục học sinh”.
Tại Singapore, Bộ Giáo dục phê duyệt danh sách sách giáo khoa hàng năm, từ đó trường tiểu học, trung học sẽ lựa chọn theo tiêu chí riêng của mình.
Ở Mỹ cũng có sách giáo khoa. Tuy nhiên, giáo viên chủ yếu dựa vào khung chương trình (curriculum map, pacing guide) chứ ít sử dụng sách giáo khoa. Khung chương trình sẽ do học khu soạn ra, chia thành hai học kỳ, mỗi kỳ hai quý (18 tuần), gồm những tiêu chuẩn nhất định.
Ví dụ, ở bang Texas, Hội đồng Giáo dục sẽ đặt ra các tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy. Một tiểu ban của hội đồng cũng chọn ra 5 cuốn sách giáo khoa ở mỗi môn để các trường lựa chọn. Sau khi các tiêu chuẩn được thông qua, các công ty sách giáo khoa sẽ điều chỉnh những ấn bản mới của họ dựa trên đó.
Ở các bang khác cũng tương tự. Các học khu dựa trên lời khuyên từ những ủy ban giáo viên của mỗi bộ môn, sẽ thông qua các sách giáo khoa chính. Cách tiếp cận này xem xét đầy đủ hơn đặc thù của các học khu riêng lẻ về văn hóa và cộng đồng dân cư.
Tại Australia, các trường học không có sách giáo khoa mà dạy theo syllabus (đề cương, chương trình học) do bộ phận khảo thí của cơ quan giáo dục bang đưa ra. Giáo viên chủ động chọn tài liệu, các loại sách để dạy cho học sinh, miễn sao đáp ứng được kiến thức và nội dung chương trình.
Dù vậy, Australia vẫn có chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia cho từng khối lớp. Các bang được quyền tự chủ nên chương trình có thể giống hoặc khác ít nhiều so với chương trình chung; thậm chí thay đổi cho phù hợp với tình hình ở bang.
Tại Đức, theo giáo sư Bernd Meier từ Đại học Potsdam, mỗi bang có một chương trình giáo dục khác nhau, vì thế cần nhiều bộ sách giáo khoa. Một bang có thể sử dụng từ 5 đến 7 bộ sách cho cùng môn học. Sách giáo khoa thường được nhà trường cung cấp miễn phí cho học sinh, phát vào đầu năm và thu lại vào cuối mỗi năm học.
Tại Việt Nam, chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa được đưa ra tại Nghị quyết 88 của quốc hội năm 2014. Ngoài việc khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao làm một bộ sách chung của cả nước nhưng không thực hiện được.
Hiện, thị trường có ba bộ sách đầy đủ và một số sách lẻ. Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng quốc gia để thẩm định, sau đó phê duyệt các sách được phát hành. Từ đó, các trường học và địa phương lựa chọn. Thực tế, nhiều trường học sử dụng sách từ các bộ khác nhau.
Vũ Hoàng (Theo China Daily, moe.gov.cn, mext.go.jp, legco.gov.hk)
Nguồn: vnexpress.net