TBVĐ- Khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện bước cuối cùng trong việc loại bỏ tờ 500 euro, rất ít người ở châu Âu sẽ tiếc nuối một tờ tiền được ưa thích bởi bọn tội phạm nhưng hiếm khi xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ngoại trừ ở Đức, nước này có lẽ chuộng tiền mặt.
Từ hôm 17-2, các ngân hàng trung ương ở 17 trong số 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro sẽ ngừng phát hành tờ tiền giấy màu tím này. Chỉ có các ngân hàng trung ương của Đức và Áo thì lâu hơn, đến ngày 26 tháng 4 mới chấm dứt phát hành để “đảm bảo sự chuyển đổi suôn sẻ”, ECB cho biết trong một tuyên bố.
Bất cứ ai có thói quen tích trữ 500 Euro dưới nệm cũng không cần phải lo lắng, vì chúng vẫn có giá trị lưu hành. Lưu thông của tờ 500 euro chỉ chiếm 2,3% trong tổng đồng tiền euro đang lưu hành vào tháng trước.
Lệnh ngưng phát hành tờ tiền trên được ký vào năm 2016 khi ECB lo ngại tờ 500 euro có thể “tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp” sau khi nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng nó để rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố.
Tờ 500 euro đôi khi được gọi là “Bin Laden” vì chúng nhỏ gọn nhưng có mệnh giá cao dễ vận chuyển cho mục đích bất hợp pháp. Một triệu euro trong tờ 500 euro chỉ nặng 2,2 kg, dễ dàng bỏ vào túi đựng máy tính xách tay. Nhưng cùng một khoản tiền đó với tờ 100 USD, mệnh giá cao nhất của tiền tệ Hoa Kỳ, sẽ nặng gần gấp sáu lần.
Trong khi tờ 500 euro giảm dần theo kế hoạch ở nước ngoài, nó đã gây ra những xáo trộn cảm xúc ở Đức, nơi nhiều người lo ngại rằng đây là khúc dạo đầu để xóa bỏ hoàn toàn tiền mặt. Ông Jens Weidmann, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Bundesbank của Đức, nói rằng việc bỏ tờ giấy sẽ làm rất ít tác dụng để chống lại tội phạm nhưng có thể “làm tổn hại lòng tin” vào một loại tiền tệ. Các nhà phê bình cũng cho rằng động thái này sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn và tốn kém hơn trong việc lưu trữ một lượng lớn tiền mặt để vượt qua lãi suất âm. Lãi suất tiền gửi của ECB hiện ở mức âm 0,4 phần trăm.
Khi đồng euro được ban hành cách đây hai thập kỷ, Đức rất muốn có một tờ tiền mệnh giá 500 euro gần nhất với tờ tiền giấy 1.000 Deutsche Mark của mình. Nhưng ngay cả trong nền kinh tế hàng đầu của châu Âu như ở Đức, nơi quyền riêng tư được đánh giá cao và tiền mặt là vua, tờ 500 euro không được sử dụng rộng rãi hơn ở các quốc gia khác.
Một nghiên cứu của Bundesbank năm 2017 cho thấy hơn 60% người Đức đã thanh toán bằng tờ tiền 500 euro ít nhất một lần. Chúng thường là một món quà, một cách lưu trữ tiền hoặc để trả cho các giao dịch mua lớn. Trong một cuộc khảo sát lớn của ECB 2015-2016, gần 20% số người được hỏi cho biết họ đã thanh toán hóa đơn bằng tờ 200 hoặc 500 euro trong năm trước.
Thu Uyên